Giao lưu đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2016

Thành công từ nỗ lực phi thường

Các đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu giao lưu trực tuyến tại toà soạn báo Vietnamnet.vn chiều 6/3. Ảnh: Xuân Tùng
Các đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu giao lưu trực tuyến tại toà soạn báo Vietnamnet.vn chiều 6/3. Ảnh: Xuân Tùng
TPO - Chiều 6/3, tại Hà Nội, 3 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2016 là Trần Lê Quang Tiến lĩnh vực văn hoá nghệ thuật; Đào Xuân Hoàng lĩnh vực lao động sáng tạo; Đỗ Thuý Hà lĩnh vực hoạt động xã hội, đã có cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả cả nước. Các gương mặt đã có những chia sẻ về cuộc sống và thành công với đam mê.

Âm nhạc không bao giờ chán

Trần Lê Quang Tiến (SN 2002) sở hữu bảng thành tích đáng nể với vionlon: Giải nhất Cuộc thi Violon quốc tế tại Thái Lan năm 2014; học bổng Toyota năm 2015; giải nhất Violon quốc tế tại Kazakhstan năm 2016. Liên tục đạt danh hiệu học sinh Giỏi văn hóa, học sinh Giỏi của Học viện Âm nhạc Quốc gia… 

Nhiều người gọi cậu là “thần đồng”. Tuy nhiên, Tiến từ chối biệt danh này vì đã lớn tuổi và “thần đồng” ám chỉ những đứa trẻ có tài năng xuất chúng hơn. “Những thành công của em là sự nỗ lực của bản thân, cộng với nhiều may mắn, sự dạy dỗ của thầy và hỗ trợ của gia đình”, Tiến tâm sự.

Tiến bắt đầu chơi piano từ khi lên 5, lên 9 mới chuyển qua violon. Cậu cho biết, thời gian luyện tập violon khác nhau tuỳ vào mỗi ngày. Những ngày bận học, thi văn hóa hoặc có những việc quan trọng thì tập khoảng 3 tiếng. “Thực ra em cũng không để ý đến thời gian lắm. Khi tập em chỉ quan tâm mình tập cho tốt, chứ không nhất định phải tập trong một khoảng thời gian nhất định”, Tiến nói.

Cậu chia sẻ, dù có lúc cảm thấy mệt mỏi khi phải học đàn hay tập đàn. Nhưng chưa bao giờ có ý định từ bỏ đàn, cũng như thấy chán chường khi ngày nào cũng phải chơi nhạc. “Mỗi ngày khi chơi đàn, em tìm thấy những cái mới. Âm nhạc không bao giờ là chán nản”. 

Thành công từ nỗ lực phi thường ảnh 1

Trần Lê Quang Tiến chia sẻ luôn tìm thấy những điều mới mẻ khi luyện tập. Ảnh: Xuân Tùng

Tiến chia sẻ thêm, khi biểu diễn trên sân khấu có cảm giác “bốc” và “phiêu”, có nhiều cảm giác đặc biệt, khác với khi luyện tập chỉ tập trung nâng cao kỹ thuật.

Tiến vẫn nhớ kỷ niệm tham gia biểu diễn với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam hồi tháng 7/2015. Sau chặng đường dài đi máy bay từ Texas (Mỹ) trở về nước bị ù tai và mất ngủ do lệch múi giờ, cậu đã phải bước vào tổng duyệt với dàn nhạc với tâm trạng lo lắng. Nhưng khi lên sân khấu thì tất cả mệt mỏi biến mất.

Bên cạnh việc rèn luyện violon, Tiến vẫn rất coi trọng học các môn văn hoá: “Dù sẽ theo nghề đàn suốt đời, em vẫn nghĩ việc học văn hóa rất quan trọng. Có những kiến thức về lịch sử, địa lý... thì không chỉ giúp cho việc học đàn mà còn tốt hơn với việc thích nghi và hòa nhập với cuộc sống của em”. Ngoài ra, cậu còn tập nấu ăn làm bếp, vẽ để có thêm thú vui hàng ngày.

Bằng tình yêu với violon, Tiến mong muốn sẽ truyền cảm hứng thưởng thức giai điệu của loại nhạc cụ “kén” người nghe này, cũng như nhiều loại nhạc cụ khác.

“Đã có những bằng chứng cho thấy nhạc cổ điển giúp ích cho việc học tập và phát triển não bộ, nên cháu kỳ vọng là nhạc cổ điển sẽ gần gũi và phổ biến hơn với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ”, Tiến chia sẻ.

Thành công từ nỗ lực phi thường ảnh 2

Chị Đỗ Thuý Hà cảm thấy hạnh phúc vì xung quanh vẫn có nhiều người tốt, chia sẻ và đùm bọc nhau. Ảnh: Xuân Tùng

Niềm tin cuộc sống

Chị Đỗ Thuý Hà (SN 1981) Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, Hà Nội là tấm gương về nghị lực vượt khó để thành công, giúp đỡ những người đồng tật. Chị từng là một trong bảy đại diện của bảy nước châu Á - Thái Bình Dương từng giành học bổng Duskin du học Nhật Bản.

Hơn 10 năm theo đuổi giấc mơ tiếng Anh, 2 năm du học Nhật tìm kiếm kỹ năng lãnh đạo với người mù..., giờ chị vừa đứng lớp dạy chữ Braille (chữ nổi) và tiếng Anh cho người khiếm thị nhưng vẫn ấp ủ “giáo án đừng sợ người khuyết tật.

Khi được hỏi về khó khăn của người khiếm thị, chị Hà bộc bạch, rào cản lớn nhất là thiếu sự đồng cảm của cộng đồng. “Nếu cộng đồng có thể hiểu được, chia sẻ, thông cảm khó khăn của người khiếm thị là niềm hạnh phúc nhất của người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung”, chị Hà nói.

Mất đi đôi mắt, từng bị kỳ thị…, nhưng chị Hà luôn nghĩ tích cực, không ngừng cố gắng. Chị bảo: “Cuộc sống có công bằng hay không là do mỗi chúng ta tự suy nghĩ và phán xử. Khi mỗi chúng ta không bằng lòng với bản thân mình thì mới có sự vươn lên phát triển được”. Động lực giúp chị mạnh mẽ chính là cuộc sống vẫn còn nhiều người tốt, giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau.

Chia sẻ về cuộc sống gia đình, nhất là việc cân bằng giữa việc cơ quan và việc nhà, chị Hà cho hay: “Không phải ai cũng dễ dàng cân bằng công việc cơ quan và việc nhà, bản thân tôi cũng vậy. Tôi là người khiếm thị nên công việc làm chậm chạp hơn là những người bình thường.

Để chăm sóc chồng, con tôi càng phải dành nhiều thời gian hơn. Có những lúc cơ quan chưa hết việc, nhưng về tới gia đình tôi dành thời gian cho gia đình, khi chồng con đi ngủ rồi thì tôi lại tiếp tục làm việc đến tận khuya để đảm bảo tiến độ công việc ở cơ quan.

Thành công từ nỗ lực phi thường ảnh 3

Chị Đỗ Thuý Hà chia sẻ bên ngoài cuộc giao lưu luôn nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của chồng. Ảnh: Xuân Tùng

Tại giao lưu, chị Hà còn nhận được nhiều câu hỏi về bí quyết và động lực học tiếng Anh. Chị cho hay mỗi người sẽ có một cách học ngoại ngữ khác nhau, nhưng quan trọng nhất phải là đam mê vì phải yêu thích mới học được. Còn nếu không yêu thích thì không thể tiếp thu được. 

“Ngay bản thân tôi, là một người khiếm thị tôi thấy rằng biết ngoại ngữ thì bản thân tôi tự tin hơn rất nhiều so với thời điểm chưa biết ngoại ngữ. Trong xã hội hội nhập hiện nay, ngoại ngữ là chìa khóa không thể thiếu. Các bạn trẻ nên biết ít nhất là một ngoại ngữ”, chị khuyên.

Không ngừng đam mê sáng tạo

Anh Đào Xuân Hoàng (SN 1982) khởi nghiệp và gặt hái được nhiều thành công nhờ sản phẩm giáo dục “Khỉ con tinh nghịch Monkey Junior”. 

Monkey Junior nằm trong Top 20 chương trình giáo dục cho trẻ em được tải và mua nhiều nhất ở Mỹ và nhiều quốc gia khác trên App Store và Google Play.Hiện nay sản phẩm có hơn 1.5 triệu người dùng trong đó 30% tới từ Mỹ.

Chương trình của anh còn giành giải nhất cuộc thi Sáng kiến toàn cầu 2016 do Chính phủ Mỹ tổ chức thường niên nhằm chọn ra những tổ chức, công ty công nghệ có giá trị cộng đồng cao.

Theo Đào Xuân Hoàng, bí quyết thành công là sự nỗ lực bản thân. “Nỗ lực hết mình và đến từ chính đam mê, đam mê từ việc mình làm và yêu thích. Nỗ lực trong khởi nghiệp startup là đứng trong áp lực thường xuyên và đối mặt với nó”.

Thành công từ nỗ lực phi thường ảnh 4

Anh Đào Xuân Hoàng cho rằng cần phải đối mặt và vượt qua áp lực khi khởi nghiệp để thành công. Ảnh: Xuân Tùng

Anh Hoàng cho biết: Hiện tại Monkey Junior cũng đang xây dựng chương trình Toán học, bởi tham vọng lâu dài của Monkey Junior là trở thành một trường học trực tuyến. Tại đó, các bé có thể học toán, ngôn ngữ, đọc truyện, tư duy logic, khoa học và chúng tôi đang đi theo lộ trình để làm việc này. 

Cùng với Monkey Junior, sắp tới anh Hoàng sẽ ra mắt nhiều chương trình, ứng dụng mới. Anh Hoàng cho hay: Vài tuần nữa sẽ ra mắt chương trình tiếng Trung, Tây Ban Nha, Pháp và tiếng Việt giọng miền Nam, song song với bản tiếng Anh Mỹ, Anh Việt giọng miền Bắc đã có hiện tại.

Đây là chương trình đa ngôn ngữ cho phép bé học nhiều ngôn ngữ khác nhau, hướng vào người dùng toàn cầu chứ không chỉ Việt Nam, trong đó có Mỹ, bởi hơn 30% người dùng đến từ Mỹ, mà nhu cầu học tiếng Trung và Tây Ban Nha của người Mỹ rất cao. 

Tiếp đó, 2 tháng nữa sẽ ra mắt bộ truyện tranh tương tác gồm hàng trăm đầu truyện được xây dựng trong hơn một năm qua, cho phép các bé tương tác với từng nhân vật trong truyện, giúp bé học ngôn ngữ theo một cách hoàn toàn khác, học qua câu chuyện.

14h00 ngày 7/3, tại tòa soạn báo Tiền Phong (Hà Nội) sẽ diễn ra buổi giao lưu trực tuyến với 5 bạn trẻ trong số 20 đề cử cho giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016.

5 trong số 20 đề cử do Hội đồng xét tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016 họp thẩm định, lựa chọn, có sự chủ trì của anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, bao gồm Vũ Xuân Trung (Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội); Tạ Đình Huy (Xã Thượng Vực, Chương Mỹ, Hà Nội); Hoàng Anh Tuân (Công ty TNHH Nhựa Việt Hưng, Hưng Yên); Hoàng Anh Tuấn (Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Bắc Giang); Lê Kiếm Sơn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh).

MỚI - NÓNG