Thúc đẩy khát vọng làm giàu trên cù lao giữa sông Hậu

Ngày 23/9, "Hành trình từ Trái tim" vượt sông hậu đến cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên, An Giang) quê hương của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng để mang đến những khát vọng làm giàu cho người dân vùng sông nước này.
Thúc đẩy khát vọng làm giàu trên cù lao giữa sông Hậu ảnh 1
 
Thúc đẩy khát vọng làm giàu trên cù lao giữa sông Hậu ảnh 2

Trẻ em vui mừng đón nhận sách quý

Khát vọng làm giàu

Rời trung tâm thành phố Long Xuyên ồn ào, náo nhiệt, Đoàn Hành trình từ Trái tim lênh đênh trên sông nước đến xã cù lao Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang) - còn là nơi "chôn nhau cắt rốn" của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng để trao những quyển sách quý đổi đời đến cộng đồng cư dân. Nằm giữa dòng sông Hậu, cách thành phố Long Xuyên khoảng 3 km, xã cù lao Mỹ Hòa Hưng được hợp thành từ cù lao Ông Hổ, cồn Phó Ba và hai cồn nhỏ giáp với xã Long Giang, huyện Chợ Mới. Xã cù lao có diện tích 2.119 ha với hơn 22.000 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó chủ lực là cây ăn trái, rau màu và nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề truyền thống.

Cù lao Mỹ Hòa Hưng có bốn mặt là sông nên việc lưu thông rất cách trở, muốn qua đây phải đi đò, đi phà. Do đó, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt. Khoảng 10 năm trước, cù lao này có những ấp “5 không”: không điện, nước sạch, đường, trường, trạm. Mặt dù khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của Đảng bộ và người dân đã làm thay thay đổi bộ mặt quê hương, nâng cao đời sống người dân.

Thúc đẩy khát vọng làm giàu trên cù lao giữa sông Hậu ảnh 3

Đoàn hành trình mang tri thức đến cù lao Mỹ Hòa Hưng

Thúc đẩy khát vọng làm giàu trên cù lao giữa sông Hậu ảnh 4

Người dân vui mừng nhận sách quý

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng sống trên bè, cặp mé cù lao Mỹ Hòa Hưng hơn chục năm nay. Bà vô cùng vui mừng khi nhận được 5 quyển sách quý mà đoàn trao tặng, gồm: Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu, Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách, Khuyến học, Quốc gia khởi nghiệp do Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại tuyển chọn trao tặng. Bà Phụng cho biết, con gái học lớp 9 rất mê đọc sách nên thường nhờ tôi có dịp đi chợ ghé mua vài quyển về đọc.

Cầm trên tay những quyển sách với niềm vui phấn khởi, bà Phụng mỉm cười nói: "Con gái đi học về thấy chắc mừng lắm. Ở đây sông nước nên đi lại khó khăn, ngoài giờ học cháu về nhà chứ ít có điều kiện đi đến thư viện hay nhà sách". Bà Phụng nhìn 5 quyển một hồi lâu rồi cho biết, thích nhất là Nghĩ giàu làm giàu và Không bao giờ thất bại, tất cả là thử thách. Sở dĩ, cuộc sống gia đình bấp bênh như bây giờ là do hạn chế về trình độ, ít hiểu biết nên tính toán chưa kỹ, khi thất bại rồi không biết phải làm gì và bỏ cuộc.

Bà kể, quê ở Núi Sập, huyện Tri Tôn (An Giang) theo chồng về đây sống đến giờ. Những năm đầu, vợ chồng khá giả rồi nuôi cá bè trên sông nhưng thiếu kỹ thuật, khoa học công nghệ... thua lỗ dẫn đến bán hết đất đai ở quê nhà để trả nợ rồi sạch vốn đầu tư. Trắng tay, cả gia đình 3 người được người quen thương tình bán rẻ cho cái bè cũ kỹ để ở rồi hằng ngày chồng đi chày lưới, bắt cá trên sông, còn vợ thì làm thuê. "Bây giờ làm ngày nào ăn hết ngày nấy, sống giữa mênh mông sông nước khó khăn vô cùng. Mỗi khi mưa to, gió lớn bè rệu rã sợ không biết vỡ lúc nào", bà Phụng nói.

Thúc đẩy khát vọng làm giàu trên cù lao giữa sông Hậu ảnh 5

Người dân mưu sinh trên sông

Bà Phụng nghĩ rằng, những quyển sách mà hành trình mang đến sẽ không chỉ giúp cho con tiếp thu thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để có khát vọng đổi đời mà ngay bản thân bà cũng học hỏi thêm về cách nghĩ giàu làm giàu. "Thất bại lần đầu coi như là bài học, thử thách, những kiến thức trong quyển sách sẽ giúp tôi có thêm khát vọng làm giàu trở lại", bà Phụng chia sẻ.  

Thay đổi cuộc sống

Khi Đoàn hành trình mang những quyển sách quý đổi đời đến từng bè cá trên sông để trao tặng, người dân địa phương đã không khỏi bất ngờ và xúc động khi lần đầu tiên có đoàn đến thăm. Bà Trần Thị Kim Gọn, cạnh bè bà Phụng loay hoay cho cá ăn vừa xong rồi tiếp chuyện. Gia đình bà cũng sống lênh đênh mấy chục năm nay trên con sông này, trước đây bè nằm ở đoạn dưới hạ nguồn, cách khoảng 500m; gần đây người nuôi cá bè ngày càng nhiều, san sát nhau, sợ ảnh hưởng đến cá nên vợ chồng bà dời lên đây cho đến giờ. Vợ chồng bà vừa thả nuôi hơn 30.000 con giống cá chim trắng chưa đầy một tháng tuổi. Nuôi 4 tháng là thu hoạch lần, chi phí đầu tư dao động khoảng 150 - 180 triệu đồng mỗi đợt; tuy nhiên có lúc lời, lúc lỗ, điển hình như vụ rồi bà lỗ hết vài chục triệu đồng. 

Vợ chồng bà không biết chữ bẻ đôi, làm ngày nào ăn ngày đó chứ không nghĩ xa xôi, nhưng với những quyển sách mà hành trình mang đến bà nghĩ rằng, sẽ suy nghĩ tích cực hơn, mạnh dạn nghĩ ra điều gì đó để làm ăn góp phần làm giàu cho quê hương Bác Tôn.

Thúc đẩy khát vọng làm giàu trên cù lao giữa sông Hậu ảnh 6

Đoàn xe chở tri thức sang quê hương Bác Tôn

Thúc đẩy khát vọng làm giàu trên cù lao giữa sông Hậu ảnh 7

Đoàn hành trình mang tri thức đến người dân cù lao

Ngồi trò chuyện, bà cảm thấy tiếc nuối khi phải cho 2 đứa con học chưa hết phổ thông nghỉ giữa chừng, để rồi đứa con gái lớn lên Bình Dương làm thuê, còn trai út theo cha đi bươn chải để nuôi sống gia đình. Bà ở nhà một mình nên tranh thủ nuôi thêm cá để có thêm thu nhập. "Bây giờ không có kiến thức, ăn học đến nơi đến chốn thì chỉ có nước làm thuê nên cái khổ luôn hiện ra trước mắt. Những quyển sách này sẽ giúp tôi có cái nhìn thay đổi về cuộc sống, mạnh mẽ hơn trong cách nghĩ, cách làm để vươn lên làm giàu", bà Gọn nói.

Cùng sống ở xứ cù lao này 3 thế hệ, bà Phan Thị Nỉ cho biết, dù đã phát triển hơn xưa rất nhiều nhưng cuộc sống người dân vẫn còn khá khó khăn. Ngoài trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản, hàng ngày nhiều gia đình còn sống dựa vào nghề "bà cậu" và làm thuê, thu nhập bữa trúng bữa thất, có hôm vài trăm nhưng hôm chẳng có đồng nào. Hằng ngày, tờ mờ sáng là vợ chồng bà Nỉ lên ghe chạy ngược xuôi trên sông Hậu để đánh bắt cá kiếm ngày vài trăm nghìn nhưng bấp bênh.

Ông Phạm Văn Chiến, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Long Xuyên cho biết, trước dây cuộc sống người dân khó khăn nhưng hiện nay đã được nhà nước đầu tư cơ cở vật chất, từ điện đường trường trạm đều hoàn chỉnh, trẻ em đi lại đến trường dễ dàng. Theo ông Chiến, Hành trình mang đến niềm phấn khởi và sự khát khao lập thân, lập nghiệp cho người dân và các bạn trẻ tại quê hương Bác Tôn. Đồng thời, ông Chiến hy vọng rằng, hành trình này sẽ duy trì và lan tỏa hơn nữa trong những năm tiếp theo tại các vùng sâu, vùng xa và thúc đẩy khát vọng làm giàu cho người dân ở xứ cù lao giữa sông Hậu này.

Thúc đẩy khát vọng làm giàu trên cù lao giữa sông Hậu ảnh 8  
Thúc đẩy khát vọng làm giàu trên cù lao giữa sông Hậu ảnh 9
MỚI - NÓNG