Tôi từng bị coi là dở hơi

Tôi từng bị coi là dở hơi
TP - Chia sẻ với diễn đàn, thầy giáo Lê Văn Tùng (THCS Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) người tiên phong trong phòng chống đuối nước cho trẻ nông thôn, nói: “Tôi từng bị coi là dở hơi”.

> Dạy bơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn Hà Nội
> Học sinh sẽ được học bằng bể bơi công nghệ Nhật Bản

Vừa qua đề thi đại học môn Văn trích ý kiến của Việt kiều Mỹ Tran Hung John “Phần nhiều người Việt Nam có tính thụ động, là những người đi theo chứ không phải tiên phong...”. Ý kiến của anh thế nào?

Tran Hung John nói thế chưa hợp lý. Người Việt ta luôn sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Ngày xưa cha ông ta sáng tạo trong đánh đuổi kẻ thù, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh như chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, như chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu…Và ngày nay có nhiều người trẻ được vinh danh trên tất cả lĩnh vực vì tính sáng tạo, tiên phong.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có một bộ phận ngại va chạm, sợ mạo hiểm, sợ chịu trách nhiệm, muốn an toàn. Trích dẫn câu nói của Tran Hung John để cảnh tỉnh một bộ phận bạn trẻ.

Có ý kiến cho rằng, nhiều bạn trẻ hiện nay chịu quá nhiều áp lực từ học tập, gia đình và xã hội. Vì thế mà họ chưa sáng tạo?

Phần lớn gia đình, bố mẹ chưa biết cách đầu tư đúng mực cho con. Họ chưa biết được khả năng của con. Họ đặt quá nhiều kì vọng vào con, bắt con học cho bằng anh này, chị nọ. Học ngày, học đêm khiến các em thiếu những kỹ năng sống, dẫn đến tự ti, tự kỷ.

Về giáo dục, tôi thấy vẫn còn theo cách cũ thầy đọc, trò chép, “nói quá nhiều”. Học sinh học thuộc như máy tính, khi có lệnh thì mở ra. Tôi vẫn thường nói chuyện với học sinh “chúng ta sinh ra không ai giống ai, mỗi người có một khả năng riêng biệt. Nếu các em biết phát huy thì sẽ thành công. Đừng chạy theo ai, đừng cố giống ai”.

Về xã hội, chúng ta có nhiều nhân tài nhưng dường như cơ chế khuyến tài, sử dụng người tài chưa được như mong muốn.

Anh là điển hình tiên phong trong phòng chống đuối nước cho trẻ em nông thôn. Khi bắt đầu đi con đường này, anh có gặp trở ngại không?

Tai nạn đuối nước đối với trẻ em là việc mà tôi luôn trăn trở. Trường THCS Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nơi tôi công tác là vùng quê có nhiều sông ngòi, hồ đập. Năm 2006 tôi thành lập câu lạc bộ Bơi lặn trẻ Trung - Lĩnh, dạy bơi miễn phí cho các em từ lớp 3 trở lên thuộc 7 xã vùng nam huyện Cẩm Xuyên. Lúc mới làm, người hỗ trợ thì ít, người cản trở thì nhiều. Tiếng vào lời ra xôn xao, họ cho tôi là dở người.

Đến nay CLB trải qua 8 năm hoạt động, đã hướng dẫn được hơn 2.600 em học sinh biết bơi, biết một số phương pháp cứu đuối và lánh nạn. Từ khi CLB hoạt động, học sinh trường tôi bị đuối nước đã giảm hẳn. Những năm gần đây không còn xảy ra đuối nước. Mô hình CLB này được T.Ư Đoàn giới thiệu điển hình và khuyến khích các tỉnh, thành học tập.

Từ việc cụ thể của anh, để các bạn trẻ dám nghĩ dám làm cần có những động lực gì?

Ngày xưa tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Rác, tôi cũng đã từng chứng kiến cảnh đuối nước của bạn bè cùng trang lứa. Tôi cũng từng bị đuối nước tại bến nhưng may mắn thoát chết. Lúc đó vào khoảng 11h trưa tôi cưỡi bò bơi qua sông. Bến sông vắng, chỉ có một người phụ nữ đang gặt lúa trên mảnh ruộng bên sông. Khi đang qua sông ra đến giữa dòng, nước triều lên chảy xiết, đột nhiên con bò nhảy lên, tôi rơi khỏi lưng bò. Tôi chới với và nghĩ rằng mình sẽ chết. Tôi bỗng nghe thấy tiếng kêu người phụ nữ: “Con ơi cứu nó với”. Tôi đang vùng vẫy gần kiệt sức thì con bò quay trở lại. Tôi níu được đuôi bò và nó kéo tôi vào bờ.

Lớn lên đi học đi làm và những thông tin về nạn đuối nước tại quê tôi không năm nào không có, đó là các em học sinh thậm chí có cả người lớn. Đau xót, thương tâm, nhiều đêm đã suy nghĩ mình phải làm gì để giúp đỡ các em.

Tôi nghĩ muốn sáng tạo đúng hướng, muốn khai mở đường mới thì cái tâm phải yêu nghề. Ngoài yêu nghề phải có bản lĩnh, chuyên môn. Tôi luôn ghi nhớ câu nói “Làm việc từ tâm”. Tâm sáng chí bền ắt làm nên.

Thầy Lê Văn Tùng (37 tuổi) là người quây một đoạn sông quê thành nơi tập bơi cho trẻ. Đến nay có 2.600 trẻ được thầy Tùng dạy bơi và các kỹ năng đuối nước, lánh nạn. Mô hình này được T.Ư Đoàn tuyên dương và khuyến khích các tỉnh, thành học tập.

Khi có ý định thành lập câu lạc bộ bơi lội, thầy Tùng chẳng những bị một số người coi là “dở hơi” mà còn tìm cách gây khó. Thầy Tùng đã chấp nhận một cuộc thách đấu với trai làng biển, nếu thắng họ (bơi qua sông) thì được mở lớp dạy bơi miễn phí. Rốt cuộc thầy Tùng đã thắng thuyết phục trai làng biển và được phép mở lớp.

Hải Yến
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG