Đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020:

'Bộ đội Văn' miệng nói, tay làm

0:00 / 0:00
0:00
Thượng úy Lê Thừa Văn (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội và Đoàn Thanh niên thị trấn Lao Bảo tới thăm hỏi, giúp đỡ gia đình cựu binh Hồ Thanh Bình. Ảnh: Nguyễn Minh
Thượng úy Lê Thừa Văn (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội và Đoàn Thanh niên thị trấn Lao Bảo tới thăm hỏi, giúp đỡ gia đình cựu binh Hồ Thanh Bình. Ảnh: Nguyễn Minh
TP - Luôn tận tâm với đồng bào nơi phên dậu Tổ quốc, thượng úy quân hàm xanh Lê Thừa Văn (SN 1994, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Bí thư Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị) vừa được đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020 ở lĩnh vực Quốc phòng.

Một ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, trong chuyến công tác tại Quảng Trị, PV Tiền Phong được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh “cấp phép” tham gia một số hoạt động tuần tra, bảo vệ biên giới và chăm lo đời sống bà con trên tuyến biên giới thuộc huyện miền núi Hướng Hóa. Trong những câu chuyện thấm đẫm tình quân dân máu thịt nơi mảnh đất gian khó này, đồng bào ở đây luôn nhắc tới “Bộ đội Văn” với tình cảm trìu mến, quý trọng. 

Cặm cụi bện những bó đót chổi trước hiên nhà ở Khóm Ka Tăng, ông Hồ Thanh Bình (SN 1935, người dân tộc Pa Kô) và vợ vui mừng khi thấy “Bộ đội Văn” cùng tổ công tác của đồn Lao Bảo đến thăm, chúc Tết. Bên ấm trà nóng, xoay quanh câu chuyện ấm áp về cuộc sống gia đình, những người lính biên giới và ông Bình còn trao đổi về việc vận động bà con không xuất nhập cảnh trái phép để chống dịch COVID-19, không mua bán pháo nổ,…

“Bộ đội Văn tốt lắm! Tháng nào bộ đội Văn và đơn vị đều đến thăm, tặng quà những người có hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi. Bộ đội còn chỉ cho mọi người cách trồng trọt, nuôi con gì cho có lợi. Bà con coi bộ đội Văn như con cháu trong nhà”, cựu binh Hồ Thanh Bình (SN 1935, người dân tộc Pa Kô)

Theo thượng úy Văn, sau ngày xuất ngũ, ông Bình trở về chăm lo cuộc sống gia đình và là một trong bốn người có uy tín ở địa phương. “Không chỉ gương mẫu trong sinh hoạt, giao tiếp với bà con chòm xóm, ông Bình còn là “cánh tay nối dài” của Đồn Biên phòng Lao Bảo trong việc giữ gìn an ninh trật tự cũng như là một tuyên truyền viên tích cực cho người dân và thanh thiếu niên địa phương trong việc chấp hành nghiêm pháp luật”, thượng úy Văn cho biết.

“Bộ đội Văn tốt lắm! Tháng nào bộ đội Văn và đơn vị cũng đến thăm, tặng quà những người có hoàn cảnh khó khăn như tôi. Bộ đội còn chỉ cho mọi người cách trồng trọt, nuôi con gì cho có lợi. Bà con coi bộ đội Văn như con cháu trong nhà. Nhờ có biên phòng và đoàn thể các cấp, đời sống bà con chúng tôi ngày một tốt hơn, trẻ nhỏ được học hành đầy đủ. Nghe bộ đội Văn khuyên bảo, thanh niên người Pa Kô và Vân Kiều không nghe kẻ xấu dụ dỗ đi làm những việc sai trái nữa”, ông Bình nói.

Ðề xuất thay đổi vùng quê nghèo       

Sinh ra và lớn lên ở huyện nghèo Gio Linh, Lê Thừa Văn hiểu rõ cơ cực của người dân đất lửa Quảng Trị quê anh. Sau ngày tốt nghiệp Học viện Biên phòng, trở về quê hương công tác, trên cương vị Đội trưởng Vận động quần chúng, anh luôn tâm niệm phải làm sao để đời sống bà con bớt khổ. “Nếu chỉ nói suông thì dẫu nói hay đến đâu cũng không được bà con tin tưởng. Khi đồng bào thấy bộ đội thực sự đem lại cuộc sống ấm no thì họ mới tin, mới nghe theo và cùng chung tay xây dựng, bảo vệ biên giới hiệu quả”, thượng úy Văn chia sẻ. 

Trước đây, người dân chủ yếu dựa vào buôn bán, trao đổi hàng hóa nhỏ lẻ hai bên biên giới, một số hộ thì áp dụng mô hình trồng chuối, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động hai bên biên giới bị hạn chế, bà con càng gặp khó khăn. Nhận thấy khí hậu, thời tiết quanh năm nắng ấm, đất phù sa ven sông Sê Pôn rất thích hợp cho việc trồng cỏ voi, thượng úy Văn đã đề xuất với cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn phối hợp với các đoàn thể địa phương thực hiện hai mô hình “Bò giống cho người nghèo” và “Nuôi dê chuồng” với mong muốn tạo sinh kế bền vững, là “cần câu cơm” cho bà con.

Gia đình anh Hồ Văn Thảo (32 tuổi, ở bản Ka Túp, thị trấn Lao Bảo), có hoàn cảnh rất khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy, làm mướn. Từ sự gợi ý của bộ đội Văn, gia đình anh Thảo trở thành hộ đầu tiên nhận 2 con bò trong mô hình “Bò giống cho người nghèo”. Không những vậy, thượng úy Văn còn đến nhà động viên, hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc bò. Đến nay, đàn bò của gia đình anh Thảo đã phát triển thành 5 con và hứa hẹn tiếp tục sinh sôi, nảy nở…

Từ năm 2019 đến nay, xuất phát từ ý tưởng thiết thực của thượng úy Lê Thừa Văn, Đồn Lao Bảo đã hỗ trợ cho bà con được hơn 60 con bò và 150 con dê (mỗi hộ gia đình 2 con bò hoặc 2 con dê giống), đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ duy trì tốt hai mô hình này, bà con đã có thêm thu nhập, kinh tế gia đình dần ổn định, nhiều hộ đã mua được tivi, lợp lại mái nhà che mưa che nắng, không còn quá phụ thuộc vào chính sách trợ cấp của Nhà nước. Mới đây, anh được bình chọn là Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn lực lượng Biên phòng năm 2020.

Cầu nối hoạt động Đoàn

Theo Bí thư Đoàn cơ sở thị trấn Lao Bảo - Nguyễn Thị Thanh Ngọc, trên cương vị là thủ lĩnh Đoàn của Đồn Biên phòng Lao Bảo, thượng úy Lê Thừa Văn luôn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương thực hiện các hoạt động, nhất là công tác an sinh xã hội, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thượng úy Văn là cầu nối hoạt động Đoàn giữa hai đơn vị, nhằm thể hiện sức trẻ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như Đồn Biên phòng đúng với tinh thần “Đâu cần thanh niên có - Đâu khó có thanh niên”.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.