Giúp đồng đội sinh tồn

Đặc công nước Hải quân thử nghiệm bộ trang bị nâng cao khả năng sinh tồn do Viện Công nghệ mới chế tạo
Đặc công nước Hải quân thử nghiệm bộ trang bị nâng cao khả năng sinh tồn do Viện Công nghệ mới chế tạo
TP - Nhằm giảm bớt vất vả, rủi ro cho bộ đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo, những nhà khoa học trẻ ở Viện Khoa học - Công nghệ (KH-CN) quân sự đã tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả. 

Tăng cơ hội sống sót

Chủ nhiệm đề tài “Hoàn thiện bộ trang bị nâng cao khả năng sinh tồn cho bộ đội trong điều kiện hoạt động độc lập trên biển” là một nữ sĩ quan còn rất trẻ - trung úy Tô Lan Anh (SN 1994, Trợ lý nghiên cứu thuộc Phòng Công nghệ sinh học ở Viện Công nghệ mới, Viện KH-CN quân sự). Sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2016, Lan Anh xin về đầu quân cho Phòng Công nghệ sinh học khi đơn vị đang tuyển cộng tác viên.

Ngay năm đó, dù là “lính mới”, nhưng cô gái 9X quê lúa Thái Bình đã được chỉ huy tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia nhóm nghiên cứu và chế tạo bộ trang bị nâng cao khả năng sinh tồn cho bộ đội trong điều kiện hoạt động độc lập trên biển. Cuối năm 2017, trung úy Lan Anh tiếp quản vai trò chủ nhiệm đề tài này cùng hai cộng sự (thiếu tá Nguyễn Khánh Hoàng Việt và thiếu tá Trịnh Đình Cường) tiếp tục hoàn thiện “phao cứu sinh” giúp những người lính Hải quân có cơ hội sống sót khi gặp sự cố. Đề tài đã đoạt giải Nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 20.

“Dù phải thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất trong phòng thí nghiệm, nhưng tôi còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội đang hàng ngày căng mình trên thao trường nắng gió và dấn thân tại rừng sâu, núi cao hay các tuyến biển, đảo. Chính họ là nguồn cảm hứng cho tôi trong các đề tài nghiên cứu”, Trung úy Tô Lan Anh  

Các sản phẩm được tích hợp khoa học ở 2 dạng áo phao cứu sinh dùng trong trường hợp cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh các tình huống khẩn cấp (CSAP-CNM) và dạng áo mang trang bị chiến đấu đa năng (STAM-CNM) có khả năng tích hợp một số vũ khí trang bị theo yêu cầu đặc thù của các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt như đặc công nước.

Theo Lan Anh, bộ trang bị được chế tạo gọn nhẹ, cơ động, với các sản phẩm chính là bộ lọc khử muối khẩn cấp với 8 túi cung cấp hơn 3,2 lít nước uống từ nguồn nước biển sẵn có. Khẩu phần ăn cứu sinh dạng tuýp (16 tuýp) cung cấp năng lượng, dinh dưỡng thiết yếu dễ chuyển hóa và hấp thu. Rượu cấp cứu nhiễm lạnh và sản phẩm chống nhiễm lạnh được sản xuất từ các nguyên liệu thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Các hoạt chất sinh học được tách chiết có tác dụng tăng sinh nhiệt nhanh, giữ ấm cơ thể khi bị trôi dạt và ngâm mình dưới nước.

“Mỗi bộ trang bị được tích hợp các sản phẩm sử dụng cho tối thiểu 3-5 ngày. Chúng tôi đang tiếp tục cải tiến nhằm tiến tới đưa Bộ trang bị sinh tồn CSAP-CNM và Bộ trang bị tác chiến STAM-CNM ứng dụng rộng rãi cho các lực lượng trong và ngoài quân đội trong điều kiện hoạt động độc lập trên biển”, trung úy Lan Anh nói.

Nghiên cứu vì đồng đội

Dù mới “bén duyên” với nghiên cứu khoa học quân sự, trung úy Lan Anh đã ghi dấu ấn với nhiều đề tài, sáng kiến hữu dụng. Ngoài đề tài trên, chị còn làm chủ nhiệm hai đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tách chiết và tinh sạch enzyme cellulase phân hủy cellulose trong điều kiện nước mặn” và “Nghiên cứu sản xuất enterocin tái tổ hợp để bảo quản thực phẩm tươi sống cho bộ đội Hải quân”. Ngoài ra, chị tham gia nghiên cứu 2 đề tài, trong đó một đề tài đoạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2017; một đề tài đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 19.

Chia sẻ về công việc, trung úy Lan Anh cho biết những lần đi thực tế tại các đơn vị giúp chị cảm nhận rõ hơn về những vất vả, khó nhọc cực độ của những người lính trực tiếp làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Chính những người lính nơi tuyến đầu thôi thúc chị phải có những nghiên cứu thiết thực nhất, vì đồng đội.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Viện KH-CN quân sự cho biết: Đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ của đơn vị hiện nay chiếm 30% quân số, giữ vai trò quan trọng, tham gia vào tất cả các mặt trong lĩnh vực nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Không chỉ tham gia mà nhiều cán bộ trẻ như trung úy Lan Anh đã chủ trì nhiều đề tài, dự án các cấp được nghiệm thu và đánh giá tốt. Trong những năm qua, đơn vị đều dành kinh phí để hỗ trợ các đề tài nghiên cứu; tính đến năm 2020, đã hỗ trợ được hơn 10 tỷ đồng.

Giúp đồng đội sinh tồn ảnh 1 Trung úy Tô Lan Anh đang nghiên cứu mẫu tại phòng thí nghiệm ở Viện Công nghệ mới. Ảnh: PV
MỚI - NÓNG