Hải đội 2 và những cuộc đấu trí với tội phạm trên biển

 Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 thảo luận phương án tác chiến trước giờ xuất kích. Ảnh: T.Đ
Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 thảo luận phương án tác chiến trước giờ xuất kích. Ảnh: T.Đ
TP - Khu vực biển đảo tỉnh Kiên Giang giáp biên giới Campuchia mà Hải đội 2 thuộc Bộ đội biên phòng Kiên Giang phụ trách, dài hàng trăm cây số, có 143 đảo lớn nhỏ, trong đó nhiều hòn đảo không người ở, là nơi trú ngụ lý tưởng của những thành phần bất hảo.

Trung tá Nhan Bá Quân, Chính trị viên Hải đội, cho biết, những năm gần đây, tuyến biển, đảo đơn vị phụ trách cơ bản ổn định, nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhóm vũ trang nước ngoài xâm phạm chủ quyền, cưỡng đoạt tiền, tài sản của ngư dân.

Hoạt động vượt biên, vượt biển, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm phức tạp, khó lường. Hàng buôn lậu đa dạng từ thực phẩm, vải vóc, quần áo đến rượu mạnh, xe máy, phổ biến nhất là đường, thuốc lá…

Xua đuổi các nhóm vũ trang

Năm 2013, Hải đội 2 mật phục 169 lượt với sự tham gia của gần 1.200 lượt cán bộ, chiến sĩ. Tháng 3/2013, tàu tuần tra của Hải đội 2 bắt sống một nhóm vũ trang 5 người, trang bị 4 súng AK cùng hàng trăm viên đạn tại khu vực Rạch Tràm, Phú Quốc. Có hai vụ, đơn vị truy đuổi lực lượng nước ngoài vượt đường trung tuyến đuổi bắt ngư dân đưa về bên kia biên giới, giải vây cho 7 tàu cào cùng 19 ngư dân. Cũng trong năm, đơn vị bắt một vụ gồm 15 tàu thuyền với 58 người Campuchia hành nghề lưới thưng, đánh bắt trái phép trên vùng biển Việt Nam…

Hải đội 2 và những cuộc đấu trí với tội phạm trên biển ảnh 1

Tàu chiến biên phòng là điểm tựa vững chắc của ngư dân trên biển

Thiếu tá Lý Xuân Chiến, Chính trị viên phó Hải đội 2, cho biết, có hai loại đối tượng nước ngoài đe dọa, cưỡng đoạt tài sản ngư dân, gồm cả giả danh lẫn chính thức. Khi hành sự, chúng thường mang vũ khí nóng như AK, xâm phạm vùng biển Việt Nam, bắt tàu cá Việt Nam kéo về bên kia biên giới, thu lưới cụ, hải sản, bắt ngư dân nộp tiền chuộc. Ngư dân Campuchia chúng cũng không tha. Chúng thường ra tay vào dịp trước tết năm mới của người Khmer “để có tiền ăn Tết”, thiếu tá Chiến nói. Để đối phó những tên tội phạm nguy hiểm, có vũ khí, ban chỉ huy hải đội thường cử những cán bộ có bản lĩnh, nhiều kinh nghiệm và sử dụng thành thạo vũ khí.

Trung tá Phạm Văn Kỷ, Hải đội trưởng Hải đội 2, nhớ lại vụ xua đuổi tàu vũ trang nước ngoài bắt giữ tàu cá của ngư dân ở đảo Hòn Thơm hồi tháng 3/2013: “Bộ đội biên phòng chúng tôi có một lợi thế rất lớn là gần dân nên bất cứ có chuyện gì bất thường xảy ra trên biển, bà con đều báo tin. Vụ tàu nước ngoài vượt đường trung tuyến sang bắt ngư dân cũng vậy, họ điện báo ngay bộ đội biên phòng. Lúc đó, tàu cá của ngư dân đang đánh bắt tại khu vực Đông Đông Bắc Hòn Thơm, Phú Quốc, cách bờ chỉ có 3 hải lý.

Ngay sau khi nhận được tin báo, xin ý kiến Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh, chúng tôi cử ngay tàu ra ngăn chặn”. Khi phát hiện tàu biên phòng, nhóm vũ trang bỏ cuộc, xuống tàu của họ và tháo chạy. Những vụ việc như vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Để giữ tình hòa hiếu vùng biên, bộ đội biên phòng chỉ xua đuổi chứ không cố gắng truy bắt.

Sáng kiến “đánh” buôn lậu

Chống buôn lậu trên bộ đã khó, trên biển còn khó hơn. Biển cả mênh mông đâu dễ đón lõng, mật phục như trên bờ. Chưa kể nếu phát hiện tàu biên phòng từ xa, tàu buôn lậu dễ dàng tẩu tán hàng lậu, mà cách đơn giản nhất là quăng xuống biển phi tang.

Cách mà những tay buôn lậu có máu mặt hay dùng để trốn thoát lực lượng biên phòng là lẩn vào các đảo hoang, nhiều rạn, luồng lạch cạn, chỉ tàu nhỏ như tàu cá mới vào được, tàu biên phòng tải trọng lớn sẽ không dám vào vì nguy cơ mắc cạn cao. Ở đó, họ lẫn trong các tàu cá, cũng giả vờ giăng lưới, thả câu, ung dung uống rượu nín thở qua cầu…Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn.

Bộ đội biên phòng nghĩ ra nhiều cách “đánh” khiến những tay buôn lậu sừng sỏ cũng bất ngờ, thúc thủ. Điển hình là vụ buôn lậu 329 can chứa gần 9.000 lít dầu DO từ Campuchia về Việt Nam ngày 13/9/2013. Đây cũng là vụ truy bắt đầy kịch tính của cán bộ, chiến sĩ biên phòng tàu BP.20.12.04 thuộc Hải đội 2.

Trung tá Phạm Văn Kỷ, Hải đội trưởng, cho biết, theo nguồn tin cơ sở báo có hai người Việt chở lậu dầu DO từ Campuchia về Việt Nam, đang ẩn hiện ở vùng biển thuộc quần đảo Hải Tặc. Ban chỉ huy Hải đội 2 xin ý kiến Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh, sau đó phát lệnh xuất kích cho tàu BP.20.12.04 đậu ở Căn cứ pháo đài Hà Tiên do thiếu tá, phó thuyền trưởng Phạm Hồng Văn chỉ huy.

Ngoài phó thuyền trưởng chỉ huy, tàu BP.20.12.04 còn có 9 cán bộ, chiến sĩ trang bị AK. Vũ khí trên tàu có một khẩu pháo 12 ly 7, súng B40, B41, lựu đạn… Sau 40 phút chạy hết tốc lực, tàu biên phòng tiếp cận khu vực mục tiêu. Nhưng mọi việc không dễ dàng. Bọn buôn lậu hàng ngàn lít dầu thường là những ông trùm lớn, cũng có mạng lưới tai mắt riêng, theo dõi ngược bộ đội biên phòng.

Khi phát hiện bị tàu biên phòng truy đuổi, họ liền điều khiển tàu luồn lách vào vô số đảo hoang khu vực quần đảo Hải Tặc, lẫn vào các tàu cá. Với kích thước 5x20m, tải trọng 60 tấn, tàu BP.20.12.04 không thể vào các luồng lạch nhỏ, nông, nhiều rạn…

Hải đội 2 và những cuộc đấu trí với tội phạm trên biển ảnh 2

Thiếu tá Phạm Hồng Văn

Thiếu tá Phạm Hồng Văn kể: “Phát hiện ý đồ của họ, một mặt, chúng tôi để đại bộ phận anh em ở lại tàu, án ngữ lối ra, khiến tàu buôn lậu không thể vào đất liền được. Mặt khác, chúng tôi cử trung úy chuyên nghiệp Huỳnh Hảo Hớn, thượng úy chuyên nghiệp Huỳnh Thanh Phụng xuống ghe cào của dân truy đuổi.

Sau cả giờ luồn lách tìm kiếm mới phát hiện ra ba chiếc tàu cá giống nhau, trong đó có một chiếc tình nghi. Trong thời gian đó, điều chúng tôi lo ngại nhất là chúng có thể tẩu tán hàng lậu. Trên chiếc tàu tình nghi, anh em phát hiện hai người đang uống bia nhưng thái độ thập phần phấp phỏng, lo sợ... Anh em áp giải cả người và tàu về đất liền, bàn giao cho đơn vị gần nhất là Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên xử lý”.

Trung tá Nguyễn Việt Quân, đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, kể: “Sau khi nhận bàn giao người và tang vật từ Hải đội 2, chúng tôi lập tức tiến hành điều tra, xác minh họ chỉ là người chở thuê cho chủ hàng người Campuchia. Toàn bộ số dầu buôn lậu tịch thu được chúng tôi bàn giao cho tỉnh bán đấu giá, sung công”.

Kết tình huynh đệ

Cuộc đời hàng chục năm làm người lính biên phòng tuần du trên mênh mông biển đảo biên cương phía cực Nam của Tổ quốc, tuy còn nhiều khó khăn, vất vả, không ít phen hiểm nguy, nhưng cũng có những niềm vui cả đời hiếm gặp.

Chuyện bắt đầu vào năm 1995, lúc đó sĩ quan Phạm Hồng Văn là thuyền trưởng, cũng là thời điểm biên giới biển chưa ổn định như bây giờ. Ngày định mệnh đó, ngư dân Năm Trệt đang đánh bắt trên biển thì bị những tên cướp vũ trang nước ngoài tấn công. Khi mà ngư dân Năm Trệt chỉ còn trông chờ vào sự màu nhiệm thì đột nhiên tàu biên phòng Việt Nam xuất hiện. Mấy tên cướp biển hoảng hốt bỏ chạy.

Sau sự kiện đó, ngư dân Năm Trệt coi Phạm Hồng Văn như người trong gia đình. Tình huynh đệ kéo dài từ đó đến nay giữa một ông già Nam Bộ với người lính dạn dày nắng gió gốc miền Trung. Hiện ông Năm Trệt vẫn làm nghề ghe cào và vẫn sống tại Hòn Tre, Tiên Hải, cách Hà Tiên khoảng 10 hải lý. Mỗi khi đánh được con cá ngon đều không quên đem cho “chú em bộ đội”.

MỚI - NÓNG