‘Kẻ lộ mật’ Edward Snowden và những chuyện chưa từng biết

‘Kẻ lộ mật’ Edward Snowden và những chuyện chưa từng biết
“Tôi là một thành viên cấp cao của cộng đồng tình báo…”. Một ngày đầu tháng 6.2013, nhà báo Glenn Greenwald của tờ Guardian, nhận được một email bí ẩn có đoạn mở đầu như thế. Ở thời điểm đó, ít ai ngờ quả bom làm rúng động hệ thống tình báo Mỹ đã được kích hoạt...

“Kẻ lộ mật”. “Kẻ thù nước Mỹ”. Hàng loạt những biệt danh đã được đặt cho cựu điệp viên Edward Snowden khi anh tiết lộ chương trình do thám toàn cầu của Mỹ. Và để có cái nhìn cận cảnh về nhân vật đã làm rúng động cộng đồng tình báo Mỹ này, nhà báo Luke Harding của báo Guardian vừa xuất bản quyển sách “Hồ sơ Snowden: Bên trong câu chuyện của người bị truy nã gắt gao nhất thế giới.

Ông viết lại câu chuyện của Snowden từ một gián điệp Internet đến người tiết lộ bí mật lớn nhất trong lịch sử thế giới. Chúng tôi xin trích dịch giới thiệu cùng bạn đọc.

Khách sạn Mira, phố Nathan, Hồng Công (Trung Quốc). Thứ hai, ngày 3 tháng 6 năm 2013.

Câu chuyện bắt đầu bằng một bức thư điện tử.

“Tôi là một thành viên cấp cao của cộng đồng tình báo…”.

Không tên tuổi, không nghề nghiệp, không chi tiết. Nhà báo Glenn Greenwald của báo Guardian thường trú tại Brazil bắt đầu trao đổi thư từ với nguồn tin bí mật này. Ông ta là ai? Nguồn tin không nói gì về mình. Ông ta là một thực thể vô hình, một bóng ma online? Có thể đó là một câu chuyện viễn tưởng?

Đằng sau tất cả, sự thật đến đâu? Chưa bao giờ có một vụ rò rỉ thông tin lớn vượt ra ngoài Cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ (NSA). Mọi người đều biết cơ quan tập hợp các hoạt động tình báo quan trọng nhất, có trụ sở tại Fort Meade gần thủ đô Washington DC, là bất khả xâm phạm. Những gì NSA làm rất bí mật. Không có gì lọt ra ngoài.

Người xa lạ này dường như đã nắm được những tài liệu tuyệt mật. Nguồn tin cũng gửi cho Greenwald một vài hồ sơ của NSA được xếp vào loại tối mật. Những tài liệu cho thấy Nhà Trắng không chỉ do thám kẻ thù của mình (những kẻ xấu, Al-Qaeda, khủng bố, người Nga) và thậm chí cả những đồng minh của mình như Đức, Pháp, mà còn do thám liên lạc của hàng triệu công dân Mỹ.

Tham gia cùng với Mỹ trong vụ do thám này là nước Anh. Đối tác ở Anh của NSA chính là cơ quan an ninh và tình báo Anh (GCHQ), đặt đại bản doanh ở ngoại ô Cheltenham. Cay nghiệt mà nói, nước Anh là con chó xù đáng tin cậy của Mỹ. Đáng báo động là Mỹ đã chi hàng triệu đô la cho các hoạt động theo dõi của Anh.

Và giờ đây Greenwald sắp sửa gặp nguồn tin giấu tên của anh ấy. Hứa hẹn sẽ cung cấp thêm nhiều hồ sơ mật, nguồn tin yêu cầu Greenwald bay từ Rio de Janeiro đến Hồng Công của Trung Quốc cách xa hàng ngàn dặm. Greenwald cảm thấy điểm hẹn hơi kỳ cục và bối rối: Liệu ông ta có một trạm liên lạc nước ngoài cao cấp ở đó?

Điểm hẹn là khách sạn Mira ở khu Cửu Long của Hồng Công, ngay trung tâm khu du lịch. Đi cùng với Greenwald còn có Laura Poitras, cũng là người Mỹ, một nhà làm phim tài liệu và là cái gai đáng chú ý bên trong quân đội Mỹ. Cô ấy là người liên lạc, là người đầu tiên chỉ cho Greenwald hướng đến bóng ma kỳ lạ đó.

Hai nhà báo đã đi theo hướng dẫn của nguồn tin. Họ hẹn sẽ gặp ở khu vực ít người qua lại nhưng không bị che khuất hoàn toàn của khách sạn, bên cạnh con cá sấu bằng nhựa khổng lồ. Họ sẽ trao đổi một vài câu đã thỏa thuận trước. Nguồn tin sẽ cầm khối rubik. Và! tên ông ấy là Edward Snowden.

Trong trí tưởng tượng của Greenwald, nguồn tin bí ẩn phải là một điệp viên già dặn kinh nghiệm và tinh thông. Greenwald hình dung có lẽ ông ấy khoảng 60 tuổi, mặc chiếc áo màu xanh với các nút vàng sáng chói, tóc màu xám hất ra sau trán, giày đen bóng, đeo kính, cà vạt… Greenwald có cảm giác đã gặp ông ta rồi. Có thể ông ta là trưởng chi nhánh CIA ở Hồng Công và đã hết nhiệm kỳ.

Theo lý thuyết, sai lầm nằm ở 2 vấn đề: cấp độ đặc quyền tiếp cận thông tin tối mật mà ông ta có, hai là sự tinh thông về những phân tích chính trị của ông ta.

Đúng theo kế hoạch, hai nhà báo tiến đến con cá sấu nhựa. Họ ngồi xuống, chờ đợi. Không có gì xảy ra. Nguồn tin đã không đến. Thật kỳ lạ!

Cuộc hẹn đầu tiên thất bại, kế hoạch tiếp theo được đề nghị sau đó cũng vào buổi sáng và cũng tại một hành lang tương tự, nối liền khu mua sắm bên trong khách sạn Mira và nhà hàng của khách sạn. Greenwald và Poitras trở lại. Họ chờ đợi vài giây.

Và họ đã nhìn thấy con người ấy - một thanh niên rất trẻ trông ngờ nghệch và có vẻ lo lắng với tay chân xanh xao. Greenwald khá sốc. Anh ta dường như không đủ tuổi để cạo râu nữa. Anh ta mặc áo sơ mi trắng, quần jeans. Tay phải đang cầm khối rubik. Có sai lầm gì chăng? “Anh ta chỉ khoảng 23 tuổi. Tôi hoàn toàn lúng túng”, Greenwald nhớ lại.

Họ trao đổi mật khẩu theo hướng dẫn của nguồn tin:

Greenwald: Nhà hàng mở cửa lúc mấy giờ?

Nguồn tin: Buổi trưa. Nhưng đừng đến đó, thức ăn dở tệ…

Greenwald - hồi hộp - kể lại rằng anh đã cố gắng để giữ gương mặt không thể hiện tình cảm.

Khi đó, Snowden nói rất đơn giản: Hãy theo tôi.

Đó thật sự là một điệp vụ kỳ lạ. Nhưng giờ đây có cảm giác họ đang đeo đuổi một điều vô vọng. Chàng thanh niên gầy gò này còn quá non nớt để có thể tiếp cận những tài liệu siêu nhạy cảm? Greenwald hy vọng rằng anh ta là con trai của nguồn tin hoặc trợ lý của ông ấy. Nếu không, cuộc gặp gỡ chỉ phí thời gian, một trò chơi khăm của Jules Verne chăng.

Tuy nhiên, cả ngày hôm đó, Snowden kể lại câu chuyện của mình. Anh ấy là một nhân viên 29 tuổi của NSA. Snowden làm việc tại trung tâm NSA ở Kunia trên đảo Hawaii. Hai tuần trước, anh từ nhiệm, buông bỏ tất cả, nói lời tạm biệt với bạn gái và bí mật bay đến Hồng Công.

Anh ta mang theo bên mình 4 máy tính xách tay. Các máy tính đã được mã hóa đầy dữ liệu. Nhưng từ đó, Snowden đã có được tài liệu từ các máy chủ của NSA và GCHQ. Thật vậy, hàng chục ngàn tài liệu. Hầu hết đều đánh dấu tuyệt mật. Những gì anh ta mang theo, Snowden khẳng định, là sự tiết lộ bí mật tình báo lớn nhất trong lịch sử.

Nếu Snowden đúng như anh ta nói thì bất cứ phút giây nào đội chiến thuật và vũ khí đặc biệt (SWAT) của CIA cũng sẽ làm nổ tung căn phòng này, tịch thu laptop và kéo lê anh ta đi.

Họ bắt đầu cảm nhận Snowden không phải là giả. Công việc như một người điều hành hệ thống có nghĩa là - anh ấy giải thích rõ ràng, thuyết phục và tỉnh táo - anh ấy có khả năng giám sát cực siêu và rằng anh có thể nhìn xuyên bóng tối nơi cơ quan an ninh Mỹ đang dò đến.

“NSA có thể do thám tất cả mọi người, từ tổng thống trở xuống”, Snowden nói. Trên lý thuyết, cơ quan tình báo hỗ trợ tập hợp tin tức tình báo từ các mục tiêu nước ngoài, được biết đến dưới cái tên SIGINT. “Trong thực tế, đó là một câu chuyện hài”, Snowden nói với Greenwald, “họ đã tập hợp siêu dữ liệu của hàng triệu người Mỹ. Nội dung ghi âm các cuộc điện thoại, tiêu đề thư điện tử đều được lưu trữ mà không có sự đồng ý. Từ những dữ liệu đó anh có thể xây dựng một câu chuyện về cuộc đời một cá nhân nào đó - về bạn bè, người yêu, sở thích và cả nỗi buồn của họ”.

Cùng với GCHQ, NSA đã bí mật theo dõi cả thông tin liên lạc thông qua cáp quang ngầm dưới đáy đại dương. Điều này cho phép Mỹ và Anh có thể đọc được tất cả thông tin liên lạc toàn cầu. Những chỉ dụ đặc biệt đã được gửi đến các nhà cung cấp mạng điện thoại, yêu cầu phải chuyển giao dữ liệu khách hàng. Còn gì nữa? “Phần lớn Thung lũng Silicon đều dính dáng đến NSA”, Snowden khẳng định, “Google, Microsoft, Facebook và thậm chí Apple của Steve Job”.

“NSA đang vi phạm Hiến pháp Mỹ và quyền tự do cá nhân. Họ thậm chí cài đặt các cửa sau bí mật vào phần mềm mã hóa trực tuyến - thường sục vào tài khoản ngân hàng - làm suy yếu hệ thống”.

Và Snowden cũng tiết lộ tại sao anh quyết định công khai mọi chuyện. Anh đã vứt bỏ cuộc sống và sự nghiệp của mình. Anh nói với Greenwald rằng anh không muốn sống trong một thế giới nơi những gì mình nói, mọi thứ mình làm, mọi người mà mình trò chuyện, mỗi sự thể hiện tình yêu hay tình bạn đều bị ghi âm.

Còn tiếp

Theo Việt Khoa

Theo Sài Gòn Giải Phóng
MỚI - NÓNG