Một tàu sân bay chưa giúp Trung Quốc sánh ngang Nga, Mỹ

Quang cảng lễ hạ thuỷ tàu sân bay tại Nhà máy đóng tàu Đại Liên thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thuyền hạng nặng Trung Quốc. Ảnh: Sina
Quang cảng lễ hạ thuỷ tàu sân bay tại Nhà máy đóng tàu Đại Liên thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thuyền hạng nặng Trung Quốc. Ảnh: Sina
TPO - Sáng hôm qua 26/4, Trung Quốc đã làm lễ hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên do họ tự đóng với ký hiệu “001A” tại Nhà máy đóng tàu Đại Liên thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thuyền hạng nặng Trung Quốc.

Tham dự buổi lễ có ông Phạm Trường Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quân ủy, các quan chức lãnh đạo Hải quân và Tập đoàn Công nghiệp tàu thuyền Trung Quốc cùng hàng ngàn đại biểu các ngành, các giới.

Trung Quốc quảng bá sức mạnh tàu sân bay nội địa

“001A” là chiếc tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc sau chiếc Liêu Ninh được cải tạo từ tàu sân bay cũ mang tên Varyard mua lại của Ukraine.

Được khởi công từ tháng 11/2013, bắt đầu lên ụ từ tháng 3/2015, đến nay phần thô tổng thể chiếc tàu “001A” đã xong với hệ thống động lực và điện.

Theo số liệu được tiết lộ ban đầu, tàu có lượng giãn nước 70 ngàn tấn, dài 315m – bằng chiều dài 3 sân bóng đá, rộng 75m.

Một số nguồn tin cho biết tàu có thể mang được tối đa 36 máy bay J-15 (trong khi chiếc Liêu Ninh chỉ có thể mang tối đa 24 chiếc); độ dài đường băng tăng thêm, độ chếch cũng tăng từ 1 lên 14 độ nâng cao độ an toàn bay; mặt boong được bố trí hợp lý hơn, tăng thêm diện tích sử dụng để đỗ máy bay và chỗ làm việc cho nhân viên; hệ thống radar kiểu mới với 4 khối anten; hệ thống điện tử nhỏ gọn; hệ thống chỉ huy cũng hiện đại hơn tính đồng bộ hóa cao; khả năng phòng không mạnh mẽ hơn với các tên lửa phòng không HQ-10, pháo hạm cỡ nòng lớn…

Việc hạ thủy thành công con tàu, trên thực tế, chỉ là một bước quan trọng trong việc đóng tàu sân bay. Bước then chốt tiếp theo sẽ là thi công lắp đặt các thiết bị, hiệu chỉnh và chạy thử.

Hiện tàu chưa lắp đặt trang thiết bị. Có tin tàu sẽ mang tên Sơn Đông, và chỉ có thể đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc vào giữa năm 2019.

Giới bình luận quân sự Trung Quốc lạc quan cho rằng: “Hải quân Trung Quốc đã bước vào chu kỳ phát triển hoàng kim, đã đứng vào hàng đầu quốc tế cả về tổng lượng giãn nước của các loại tàu lẫn kỹ thuật”, rằng “Hải quân Trung Quốc hiện đã  vượt Nga, Nhật, Ấn Độ và Anh, đứng hàng thứ 2 thế giới, chỉ sau Hải quân Mỹ”.

Một tàu sân bay chưa giúp Trung Quốc sánh ngang Nga, Mỹ ảnh 1  Ảnh: Sina

Truyền thông Trung Quốc cũng cho rằng, việc hạ thủy tàu sân bay “001A” do Trung Quốc tự thiết kế, chế tạo chỉ sau hơn 2 năm khởi công, đã lập nên kỷ lục mới về tốc độ đóng tàu sân bay.

Nếu như tàu Liêu Ninh chủ yếu sử dụng cho công tác huấn luyện thì chiếc tàu sân bay thứ 2 này có khả năng thực hiện một số hoạt động chiến đấu, cứu trợ nhân đạo, sẽ giúp Trung Quốc thực hiện giấc mơ làm chủ đại dương, trở thành một cường quốc hải quân sánh ngang Mỹ, Nga.

Nguồn tin Trung Quốc cũng cho biết, tiêm kích đa năng J-15B sử dụng radar chủ động sẽ được sản xuất hàng loạt để trang bị cho tàu sân bay “001A”. Họ cho rằng: “với loại radar chủ động mới này, J-15B sẽ có cự ly phát hiện mục tiêu và khả năng tác chiến không kém F-35B của Mỹ, giúp cho tàu sân bay Trung Quốc đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ tranh giành quyền chế ngự vùng biển, vùng trời với hải quân các nước”.

Hai tàu sân bay chưa giúp Trung Quốc trở thành cường quốc biển

Tuy nhiên, có vẻ báo chí Trung Quốc quá lạc quan khi tuyên truyền về con tàu sân bay tự chế tạo đầu tiên của họ.

Tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc vẫn tụt hậu nhiều so với các tàu sân bay hiện có của Mỹ. Hai công nghệ quan trọng là máy phóng thủy lực và động cơ chạy năng lượng hạt nhân không được áp dụng cho thiết kế của con tàu “001A”. Lượng giãn nước của tàu mới chỉ khoảng 70.000 tấn, nhỏ hơn 30% so với tàu sân bay lớp Nimitz với lượng choán nước hơn 100.000 tấn.

Có lẽ Trung Quốc phải cần nhiều thập kỷ nữa mới có thể đóng được những tàu sân bay tương tự của Mỹ. Tàu sân bay “001A” được thiết kế với đường băng kiểu “nhảy cầu” tương tự Liêu Ninh nên không thể triển khai hoạt động các máy bay cánh cố định tải trọng lớn. Ngoài ra, các máy bay chiến đấu buộc phải giới hạn tải trọng vũ khí, nhiên liệu mang theo nên hiệu suất chiến đấu không cao.

Thực tế, việc hạ thủy tàu sân bay mới của Trung Quốc chỉ là sự kiện mang tính tượng trưng, vì họ phải mất thêm ít nhất 2 năm để lắp đặt thêm thiết bị, vũ khí cũng như tiến hành các hoạt động thử nghiệm, đánh giá, hiệu chỉnh hệ thống.

Do đó, có thể nói việc hạ thủy tàu sân bay tự đóng chỉ là bước khởi đầu của Bắc Kinh trong nỗ lực xây dựng lực lượng “hải quân nước xanh” có khả năng tác chiến trên khắp các đại dương, chứ chưa thể giúp Trung Quốc sánh ngang cùng các cường quốc biển như Nga hay Mỹ.

MỚI - NÓNG