Mỹ, Anh lần đầu tập trận chung ở biển Đông

Tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của Anh cập cảng Tokyo ngày 3/8/2018. Ảnh: Getty Images
Tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của Anh cập cảng Tokyo ngày 3/8/2018. Ảnh: Getty Images
TP - Hôm qua 16/1, Mỹ và Anh thông báo kết thúc 6 ngày tập trận chung trên biển Đông.

Trong thông cáo đưa ra hôm 16/1, quân đội Mỹ nói tàu khu trục USS McCampbell và tàu khu trục HMS Argyll của Anh triển khai chiến dịch này trên biển Đông từ ngày 11-16/1.

Theo thông tin từ phía Mỹ, hai con tàu đã thực hiện các bài tập về trao đổi thông tin, chiến thuật phân chia và trao đổi nhân sự, nhằm “phát triển quan hệ” giữa hai hải quân hai nước. “Hợp tác chuyên môn với các đối tác Anh giúp chúng tôi có cơ hội đẩy mạnh quan hệ hiện có và học hỏi lẫn nhau”, Reuters dẫn lời tư lệnh Mỹ Allison Christy nói trong thông cáo báo chí.

Thông cáo cho biết tàu Argyll được phái đến khu vực để “hỗ trợ an ninh và ổn định khu vực”. “Chưa có ghi chép nào trong lịch sử gần đây về hoạt động chung như vậy, đặc biệt trên biển Đông”, phát ngôn Hải quân Mỹ cho biết. Cả Mỹ và Anh đều cùng Nhật Bản diễn tập chiến tranh chống tàu ngầm ở khu vực trong tháng 12 vừa qua.

Mỹ định kỳ thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải và tập trận trên biển Đông để nhấn mạnh quyền đi lại ở khu vực, nhưng Anh mãi gần đây mới gia tăng hiện diện trên vùng biển tranh chấp này. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí gần đây còn công bố ý tưởng thành lập một căn cứ quân sự mới của Anh ở Đông Nam Á.

Thông tin về cuộc tập trận chung của Mỹ và Anh được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Bắc Kinh phản ứng giận dữ trước việc tàu Mỹ USS McCampbell đi vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng cáo buộc Mỹ vi phạm lãnh hải của họ. Ngay sau đó, truyền hình nhà nước Trung Quốc hôm 8/1 thông báo nước này đã triển khai tên lửa đạn đạo DF-26 lên vùng cao nguyên tây bắc, và nói rằng vũ khí này có thể “tấn công các tàu cỡ lớn và vừa”.

Trong cuộc trả lời báo chí ngày 15/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói theo quan điểm của Việt Nam, biển Đông là mối quan tâm chung và các bên không được tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến sự cố gây xung đột, vì Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất. Lập trường của Việt Nam là các bên phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982. “Việt Nam tiếp tục thúc đẩy và hoan nghênh những sáng kiến nào đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình ở biển Đông”, Phó Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG