Nga trang bị cho tiêm kích Su-57 động cơ Saturn 30 mạnh nhất từ trước đến nay

Tiêm kích Su- 57 đang được sản xuất hàng loạt
Tiêm kích Su- 57 đang được sản xuất hàng loạt
TPO - Military Watch dẫn lại báo chí nhà nước Nga cho biết Không quân Nga sẽ nhận được các biến thể dòng tiêm kích thế hệ tiếp theo Su-57 được trang bị động cơ Saturn 30 mới, sớm nhất là vào năm 2022.

Su-57 hiện đang sử dụng một biến thể sửa đổi của loại động cơ AL-41 vốn đã được trang bị cho tiêm kích Su-35, nhưng tất cả các khía cạnh bao gồm tầm bay, tốc độ leo cao, khả năng tăng tốc và nhiều khía cạnh khác sẽ cải thiện đáng kể với động cơ mới hơn.

Không quân Nga nhận được những chiếc Su-57 được sản xuất loạt đầu tiên vào tháng 12 năm 2020. Tốc độ sản xuất sẽ tăng lên hơn 15 chiếc/năm để phục vụ nhu cầu của không quân Nga và có khả năng sản xuất sẽ được mở rộng nhiều hơn nữa để hướng đến xuất khẩu. Algeria được cho là đã đặt hàng Su-57, trong khi các bên khác như Trung Quốc và Myanmar tỏ ra rất quan tâm. Su-57 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1 năm 2010.

Việc chậm trễ đưa máy bay phản lực vào sản xuất hàng loạt có thể phần nào thể hiện nỗ lực giảm thiểu số lượng máy bay dùng động cơ AL-41 cũ hơn được đưa vào trang bị, mặc dù đây vẫn là một trong những động cơ tiêm kích mạnh nhất trên thế giới.

Động cơ AL-41 được cho là chỉ kém 9% so với động cơ F119 cung cấp động lực cho cho tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ, hiện là động cơ mạnh nhất được tích hợp trên các tiêm kích hai động cơ trên thế giới. Các nguồn tin của Nga đưa tin rộng rãi rằng Saturn 30 sẽ là động cơ tiêm kích mạnh nhất thế giới - danh hiệu mà động cơ F135 trang bị cho tiêm kích F-35 một động cơ của Mỹ đang nắm giữ.

Trong khi Nga dẫn đầu đáng kể so với Mỹ trong Chiến tranh Lạnh về sức mạnh của động cơ, thể hiện rõ ở các máy bay phản lực thế hệ thứ tư của Nga luôn có công suất động cơ lớn hơn các loại tương đương của phương Tây, thì sự suy giảm của lĩnh vực quốc phòng trong 15 năm sau khi Liên Xô sụp đổ khiến Nga rơi vào thế bất lợi - mặc dù có thể chỉ là tạm thời. F135 mạnh hơn khoảng 33% so với AL-41, có nghĩa là Saturn 30 sẽ cần phải vượt qua hơn 1/3 sức mạnh của AL-41.

 Có thể Saturn 30 sẽ vượt qua F119 về sức mạnh, đây là một mục tiêu rất có thể đạt được và nó sẽ trở thành động cơ mạnh nhất cho các tiêm kích hai động cơ. Nhưng F135 là động cơ lớn hơn đáng kể và động cơ đôi trên hầu hết các máy bay phản lực hai động cơ sẽ phải vật lộn sản sinh công suất mạnh mẽ tương tự. Và nếu Saturn 30, động cơ cho tiêm kích 2 động cơ, vượt qua động cơ đơn F135của F-35, đó sẽ là một cuộc cách mạng.

Cũng có thể các biến thể Saturn 30 đời đầu có công suất ngang bằng với hai động cơ thế hệ tiếp theo của Mỹ, chỉ những biến thể sau này mới có thể vượt qua F135 về sức mạnh. Động cơ mới này có thể được sử dụng để cung cấp động lực cho các máy bay thế hệ tiếp theo khác của Nga, bao gồm cả một tiêm kích thế hệ thứ năm một động cơ được cho là đang được phát triển.

Lớp tiêm kích mới này ra đời với mục tiêu bổ trợ cho Su-57 và máy bay đánh chặn hạng nặng MiG-41 sắp ra mắt. Máy bay dự kiến sẽ chia sẻ nhiều tính năng chung với Su-57 và sử dụng cùng động cơ Saturn 30, nhưng được chế tạo với cấu hình một động cơ thay vì hai động cơ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.