Ngày giỗ thầm lặng của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn

Ngày giỗ thầm lặng của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn
TPO - Sáng Mồng 2 Tết Mậu Tuất, những cựu chiến sỹ Đội 5 thuộc Biệt động Sài Gòn đã tề tựu về nhà ông Bảy Hôn (ấp Sa Nhỏ, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM) để dự đám giỗ cho đồng đội hy sinh trong thời chiến và mất trong thời bình.

Ôn lại chiến tích

Đám giỗ năm nay gồm có bà Vũ Minh Nghĩa (tức Chín Nghĩa), ông Nguyễn Văn Đực, Nguyễn Đức Hòa. Họ là 4 trong tổng số 16 người đến nay còn sống. Ngoài ra, còn có vợ và con trai của ông Năm Lai (tỷ phú Mai Hồng Quế) là bà Đặng Thị Thiệp, ông Trần Kiến Xương cũng về tham dự.

Ngày giỗ thầm lặng của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn ảnh 1

Ông Đực (phải), ông Bảy Hôn và ông Trần Kiến Xương (con trai ông Năm Lai) thắp hương trong ngày giỗ 

Rót ly rượu xuân mời đồng đội, ông Bảy Hôn nhớ lại: “Rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, toàn bộ 16 người trong Đội 5 không còn bịt mặt như thường ngày mà được cấp trên cho biết mặt nhau ở ấp Chánh, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Hôm đó mọi người cắt tiết một gà trống thiến rồi uống máu ăn thề cho trận quyết tử vào Dinh Độc Lập. Trước khi G, đồng chí Trần Hải Phụng - Tư lệnh trưởng Tư lệnh Phân khu 6 Sài Gòn – Gia Định tới và động viên anh em, Đảng ta nuôi quân ngàn thuở và sử dụng một giờ, giờ phút này là giờ phút lịch sử của dân tộc, ngàn cân treo sợi chỉ, nên đảng, nhà nước cần các đồng chí quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Nữ biệt động Vũ Minh Nghĩa bồi hồi: “Đội 5 Biệt động thành gồm 16 người tập kết tại nhà anh Năm Lai (số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, nay là Di tích lịch sử cấp Quốc gia) vào đúng mùng 1 Tết, ngay sát nách các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Và hơn 1 giờ sáng mùng 2 Tết, chúng tôi bước vào trận đánh để đời.

“Thời điểm này sát giờ nổ súng lắm mà xe cộ ngày Tết không chạy, nên từng người phải di chuyển bằng xe gắn máy, một người phải chở nhau hai người, về cứ điểm tại căn nhà có hầm chứa vũ khí của anh Năm Lai. Ðêm mùng một Tết Mậu Thân, mọi phương án tiến công đã thông qua và Bộ Tư lệnh Biệt động thành đã duyệt. Ðội lấy hướng tiến công theo đường Nguyễn Du đánh cổng phía nam của Dinh, rồi triển khai đánh chiếm cổng chính, chờ đại quân ta đánh tràn vào”, bà Chín Nghĩa nhớ lại.

Chiến công oai hùng

Khi xe vừa tấp đến Dinh Độc lập, ông Bảy Hôn ngồi ở xe đi tiên phong, hai tay dùng hai súng K54 hạ gục hết nhóm lính gác cổng. Tiếp đến, xe tải nhỏ chở khối thuốc nổ đến cổng kích nổ rồi đâm thẳng vào cổng của Dinh. Trên nóc dinh, các ổ súng đại liên của địch lia xuống liên tục. Chỉ huy đội 5 Ba Thanh hi sinh tại chỗ. 4 chiến sĩ biệt động khác lọt vào khu vực Dinh, chiếm được trận địa bằng B40, nhưng sau đó địch củng cố, tăng cường và phản công lại, 7 chiến sĩ khác hi sinh. Lúc này, lực lượng chi viện không thể vào trung tâm Sài Gòn do đối mặt với địch từ vòng ngoài.

Ngày giỗ thầm lặng của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn ảnh 2 Đám giỗ tuy đơn giản nhưng mang nặng tình cảm đồng đội

Đúng 5 giờ 30’ sáng mùng 2 Tết, 8 thành viên đội 5 phải rút vào một cao ốc xây dở ven đường Nguyễn Du cố thủ trong vòng vây của hàng ngàn quân địch. Rồi thêm một chiến sĩ hi sinh. Đến rạng sáng mùng 3 Tết, 7 người bám theo đường ống nước của cao ốc tuột xuống rồi trốn trên căn gác gỗ của một căn nhà. Nhưng ngay sáng hôm đó, tất cả đều sa vào tay địch trong cuộc lùng sục quy mô.

Ngày giỗ thầm lặng của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn ảnh 3 Mỗi khi có dịp gặp nhau, các chiến sỹ Biệt đồng thành say sưa hàn huyên với nhau

“Ðội 5 Biệt động thành đã chiến đấu tới cùng trong suốt ngày mùng 2 Tết Mậu Thân, chúng tôi đã chiến đấu anh dũng và hy sinh tới giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, những thành viên đội 5 được chuyển về các nhà tù ở Sài Gòn để chuẩn bị trao trả. Riêng ông Bảy Hôn tổ chức cuộc vượt ngục vào cuối năm 1973 ở nhà lao Hố Nai (Biên Hòa), số còn lại cũng được trao trả vào năm 1974”, cựu binh Nguyễn Văn Đực nhớ lại.

MỚI - NÓNG