Người Kurd cầu cứu Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ ‘giải phóng’ Afrin

Lực lượng dân quân người Kurd ở Hasaka, đông bắc Syria, trong một cuộc mít tinh vào ngày 23/1. Ảnh: Reuters
Lực lượng dân quân người Kurd ở Hasaka, đông bắc Syria, trong một cuộc mít tinh vào ngày 23/1. Ảnh: Reuters
TPO - Các quan chức người Kurd tại Afrin đã yêu cầu Damascus gửi quân đội để bảo vệ chủ quyền của Syria từ “kẻ chiếm đóng Thổ Nhĩ Kỳ”. Trong khi Ankara khẳng định sẽ “giải phóng” khu vực này khỏi “khủng bố” và trả lại cho “chủ sở hữu ban đầu”.

Chính quyền khu vực Afrin, vùng tự trị của người Kurd ở tây bắc Syria, đã đưa ra thông điệp cầu cứu đến chính quyền Damascus vào hôm thứ Năm (25/1) trước chiến dịch quân sự khắc nghiệt của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi khẳng định lại rằng, khu vực Afrin là một phần không thể tách rời của Syria và lực lượng của chúng tôi là các đơn vị bảo vệ nhân dân”, chính quyền tự trị người Kurd viết trong một thông báo, cáo buộc hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin đe doạ sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Syria, cũng như cuộc sống của dân thường.

Nhấn mạnh chiến dịch “Nhành Ô-liu” của Ankara đã bước vào ngày thứ sáu, chính quyền Afrin kêu gọi chính phủ trung ương Syria phải cử lực lượng đến bảo vệ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các cuộc tấn công do “kẻ chiếm đóng” Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, các đơn vị người Kurd sẽ tiếp tục đẩy lùi cuộc tấn công quân sự và chống lại nỗ lực xâm chiếm thành phố từ Ankara.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lập tức bác bỏ cáo buộc xâm chiếm lãnh thổ Syria. Ông nhấn mạnh, Ankara không quan tâm đến việc chiếm đoạt đất đai, mà chỉ đơn thuần đảm bảo an ninh biên giới.

Ông Erdogan lập luận, ngay khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đánh đuổi “khủng bố” ra khỏi Afrin, họ sẽ nhanh chóng trả lại thành phố cho “chủ sở hữu ban đầu”.

Người đứng đầu chính quyền Ankara nói thêm, sau khi kết thúc hoạt động tại Afrin, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đàn áp nhóm dân quân người Kurd ở Manbij, phía tây Euphrates, điểm nóng then chốt ở Syria. Không chỉ vậy, Thổ Nhĩ Kỳ còn dự tính chiến đấu với người Kurd dọc theo biên giới với Iraq.

Thời điểm khởi động chiến dịch quân sự “Nhành Ô-liu”, Ankara cho biết, hoạt động này nhằm chống Nhà nước Hồi giáo (IS) và ngăn chặn “khủng bố” người Kurd giành được chỗ đứng lâu dài và quyền tự trị.

Xung đột Thổ Nhĩ Kỳ-Kurd cũng khiến mâu thuẫn trong quan hệ Ankara-Washington nghiêm trọng hơn.

Liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu công khai ủng hộ lực lượng người Kurd, trong đó gồm Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG). Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, YPG là lực lượng mở rộng của Đảng Lao động người Kurd (PKK), bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Thông tin Mỹ có kế hoạch tạo ra lực lượng an ninh biên giới mới, trong đó người Kurd đóng vai trò chủ đạo, có thể xem là “giọt nước tràn ly” cho hoạt động vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin.

Căng thẳng thậm chí gia tăng sau cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 24/1. Tất cả bắt nguồn từ hai phiên bản thông báo khác nhau từ chính quyền hai nước về nội dung cuộc họp.

Trong khi, Nhà Trắng cho biết, ông Trump cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ “thận trọng” và tránh các hoạt động ở Syria làm gia tăng mâu thuẫn hai nước. Ankara lại khẳng định, Washington không hề lên tiếng “lo lắng” về bạo lực leo thang ở Afrin.

Theo Theo RT
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.