Nhìn gần hệ thống phòng không S-200 bắn rơi máy bay quân sự Nga

TPO - S-200 là mẫu tên lửa phòng không cuối cùng kết hợp động cơ chính nhiên liệu lỏng và tầng đẩy sơ tốc nhiên liệu rắn, cũng là tổ hợp cuối cùng của Lực lượng phòng không Liên Xô (PVO) được đặt trên các bệ phóng cố định. 

Chiếc Il-20 của quân đội Nga đã bị hệ thống phòng không S-200 của Syria bắn rơi trong lúc lực lượng này đang chống trả các đợt tấn công của Israel từ ngoài khơi Syria, Sputnik dẫn lời thiếu tá Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga nói.

Theo ông Konashenkov, các chiến đấu cơ của Israel đã cố tình tạo ra một tình huống nguy hiểm ở Latakia. Ông nhấn mạnh rằng hệ thống kiểm soát không lưu Israel hoàn toàn có thể nhận thấy chiếc máy bay Nga đang hạ cánh.

Tổ hợp phòng không tầm xa S-200 Angara/Vega (NATO định danh: SA-5 Gammon) được Liên Xô phát triển vào thập niên 1960 để bảo vệ các khu vực hành chính, công nghiệp và quân sự tối quan trọng khỏi các cuộc tập kích đường không.

Phiên bản S-200A Angara (SA-5a) có tầm bắn 180 km được biên chế cho PVO vào năm 1966, trong khi mẫu S-200 Vega (SA-5b) ra đời trong thập niên 1970 được nâng tầm bắn lên tới 300 km.

Tên lửa S-200 áp dụng cơ cấu dẫn đường bằng radar bán chủ động (SARH) kết hợp với cập nhật pha giữa bằng tín hiệu vô tuyến. Sử dụng phương thức SARH trên toàn hành trình giúp tăng độ chính xác của S-200 ở khoảng cách lớn.

Mỗi tiểu đoàn S-200 gồm có 6 tên lửa và được trang bị radar. Tên lửa trang bị cho S-200 có chiều dài 11m và có thể đạt tốc độ 700-1.200m/s, và có tầm bắn lên tới 300km, có khả năng tiêu diệt mục tiêu hiệu quả ở độ cao tới 27km. S-200 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Mỗi tên lửa của S-200 được đẩy lên bằng 4 tên lửa phụ. Sau khi các tên lửa phụ này tách ra (từ 3 - 5 giây) tên lửa chính sẽ bay bằng nhiên liệu của chính nó. S-200 dùng hệ thống dẫn đường bán tự động với hiệu chỉnh đường bay pha giữa và dùng radar bán tự động ở pha cuối, giúp tăng độ chính xác của S-200 ở khoảng cách lớn.

Theo Theo DefenceNews
MỚI - NÓNG