Những điều thú vị về tàu sân bay Mỹ đang thăm Đà Nẵng

TPO - Tàu sân bay Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đang cập cảng Tiên Sa của Đà Nẵng có số phận long đong – dự án đóng tàu ban đầu bị hủy, nhưng được hồi sinh sau vụ khủng hoảng con tin Iran, va chạm với tuần dương hạm, tham gia nhiều chiến dịch quân sự, chống khủng bố...

USS Theodore Roosevelt hiện là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz thứ 4 trong Hải quân Mỹ. Đây cũng là con tàu thứ tư được đặt tên nhằm vinh danh vị tổng thống thứ 26 của Mỹ.

Hô hiệu của tàu là “Rough Rider” (nghĩa là Kỵ sĩ giỏi có thể cưỡi được ngựa bất kham). “Rough Rider” là biệt hiệu của đơn vị kỵ binh tình nguyện của Tổng thống Roosevelt trong Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ.

Biệt hiệu (nickname) của USS Theodore Roosevelt là “Big Stick” (nghĩa là “Gậy to” trong ý “cây gậy và củ cà rốt”). Chính sách đối ngoại của Tổng thống Theodore Roosevelt được gọi là chính sách “gậy to” với nội dung “nói nhẹ nhàng và mang theo cây gậy to, bạn sẽ đi xa”.

Tàu sân bay CVN-71 có chi phí xây dựng 4,5 tỷ USD (tỷ giá năm 2007), chính thức được khai trương năm 1984, được phiên chế năm 1986 và có hoạt động chiến đấu đầu tiên khi tham gia Chiến dịch “Bão táp Sa mạc” năm 1991 trong Chiến tranh vùng Vịnh. 

Những điều thú vị về tàu sân bay Mỹ đang thăm Đà Nẵng ảnh 1 Khoảng 9h30 ngày 5/3, tàu USS Theodore Roosevelt neo đậu ở phao số 0, trước bãi Cát Vàng ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Long đong

Ban đầu, Tổng thống Mỹ Gerald Ford hủy đơn đặt hàng đóng tàu sân bay hạt nhân CVN-71 hồi năm 1976 và thay bằng hai tàu sân bay truyền thống, kích thước trung bình lớp CVV. Hai tàu sân bay này dự kiến phục vụ dòng máy bay V/STOL (viết tắt của “Vertical/Short Take-Off and Landing, nghĩa là cất cánh và hạ cánh thẳng đứng/ngắn).

Máy bay có thể hạ cánh, cất cánh thẳng đứng hoặc dùng đường băng ngắn phổ biến hiện nay là V-22 Osprey, Yak-38 Forger, Harrier và F-35B Lightning II. Tuy nhiên, trên thực tế, không có tàu sân bay cỡ trung bình lớp CVV nào được đóng.

Việc phê chuẩn đóng tàu CVN-71 tiếp tục bị hoãn khi Tổng thống Jimmy Carter phủ quyết dự luật năm tài khóa 1979 dành cho Bộ Quốc phòng vì đưa siêu tàu sân bay lớp Nimitz này vào chương trình đóng tàu của Hải quân Mỹ.

Sau vụ khủng hoảng con tin Iran (52 nhà ngoại giao, công dân Mỹ bị giữ làm con tin trong Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran trong 444 ngày – từ 4/11/1979 tới 20/1/1981), Mỹ nhận thấy cần tăng cường triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay tới Thái Bình Dương. Tổng thống Carter thay đổi quyết định về đóng tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz. Sau đó, việc đóng tàu CVN-71 được phê chuẩn trong dự luật năm tài khóa 1980 dành cho Bộ Quốc phòng.

Tham chiến

CVN-71 là tàu sân bay đầu tiên được lắp ráp theo phương pháp xây dựng mô-đun. Các mô-đun lớn được xây dựng độc lập ở các khu vực riêng biệt, rồi được kéo vào vị trí tập hợp và được hàn lại với nhau.

Thời điểm đó Mỹ bắt đầu áp dụng kỹ thuật phương pháp xây dựng mô-đun vì đã chế tạo được cần trục khổng lồ có thể nâng được 900 tấn, giảm thời gian đóng tàu CVN-71 được 16 tháng. Kể từ đó, Mỹ áp dụng kỹ thuật này với mọi tàu sân bay.

Ngày 3/11/1981, Bộ trưởng Hải quân John Lehman tuyên bố tàu sân bay mới được đặt tên theo Tổng thống Theodore Roosevelt.

Sau các chuyến chạy thử và tập luyện, USS Theodore Roosevelt thực bắt đầu chuyến triển khai đầu tiên vào ngày 30/12/1988 với sự tham gia của đơn vị không quân CVW-8. Tàu tuần tra ở Địa Trung Hải rồi trở về ngày 30/6/1989.

Ngày 28/12/1990, USS Theodore Roosevelt và CVW-8 được triển khai cho Chiến dịch “Lá chắn Sa mạc”, tới vịnh Ba Tư ngày 16/1/1991. Chiến dịch “Bão táp Sa mạc” bắt đầu ngày 15/1/1991, tàu bắt đầu các hoạt động chiến đấu.

Cụ thể, đã thực hiện tổng cộng hơn 4.200 chuyến bay, nhiều hơn bất kỳ tàu sân bay nào của Mỹ, thả hơn 2.177 tấn bom trước khi Tổng thống Mỹ George H.W. Bush tuyên bố ngừng bắn ngày 28/2/1991. Sau đó, USS Theodore Roosevelt tham gia một số chiến dịch khác liên quan Chiến tranh Iraq, cũng như nhiều hoạt động chống mạng lưới khủng bố al-Qaeda, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq, Syria…

Đầu tháng 11/2015, USS Theodore Roosevelt cùng với tàu khu trục tên lửa dẫn hướng USS Lassen được triển khai tới biển Đông trong một hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ.

Tháng 11/2017, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tham gia cuộc tập trận với hai nhóm tác chiến tàu sân bay khác tại biển Nhật Bản.

Tháng 5 năm ngoái, USS Theodore Roosevelt tham gia cuộc tập trận Northern Edge 2019. Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ, một tàu sân bay Mỹ tham gia tập trận Northern Edge. Cũng trong năm 2019, đơn vị không quân CVW-11 được chuyển giao cho tàu sân bay này.

Những điều thú vị về tàu sân bay Mỹ đang thăm Đà Nẵng ảnh 2 Bốn tàu sân bay Mỹ lập đội hình sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. USS Theodore Roosevelt ở phía trên bên phải, Midway ở phía trên bên trái, Ranger ở phía dưới bên trái và America ở phía dưới bên phải. Ảnh: US Navy.
MỚI - NÓNG