Quan hệ quân sự Nga Trung: Có qua có lại, có xuống có lên

Quan hệ quốc phòng Nga-Trung đang trong xu hướng đi lên
Quan hệ quốc phòng Nga-Trung đang trong xu hướng đi lên
TPO - Quan hệ quốc phòng Nga - Trung Quốc, hai nước lớn của thế giới, luôn là chủ đề quan trọng của giới nghiên cứu và chính trị, ngoại giao.

Viện nghiên cứu Quốc phòng và an ninh quốc tế RKK (Estonia) vừa có bài phân tích dài về mối quan hệ tác động lớn đến các vấn đề địa chính trị thế giới này. Sau đây là tóm lược.

Từ những năm 1950 đến cuối những năm 1980, Liên Xô và Trung Quốc đã có tranh chấp biên giới và tranh giành quyền lãnh đạo phe cộng sản trong Chiến tranh Lạnh.

Sau cuộc xung đột biên giới Trung-Xô năm 1969, đặc biệt là cuộc đụng độ tháng 3 năm 1969 gần đảo Damansky (Trung Quốc gọi là Trân Bảo) trên sông Ussuri (Ô Tô Lý), giai đoạn 1985 - 1991 có thể được mô tả là sự tan băng quan hệ. Trước đó, trong một bài phát biểu tháng 2/1981 tại Đại hội 26 của Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng Bí thư Leonid Brezhnev đã đề xuất bình thường hóa quan hệ Xô-Trung, và ông đã lặp lại đề xuất này trong một bài phát biểu tại Tashkent vào năm sau. Kết quả là vào năm 1984, một hiệp định liên chính phủ về hợp tác kinh tế đã được ký kết. Trong một bài phát biểu tại Vladivostok vào ngày 28/7/1986, Mikhail Gorbachev tuyên bố sẵn sàng rút hầu hết quân đội Liên Xô khỏi Mông Cổ và sáu trung đoàn khỏi Afghanistan vào cuối năm đó, tổ chức các cuộc đàm phán với Trung Quốc và giảm quân số đóng trên biên giới Xô - Trung. Năm 1989, Gorbachev đến thăm Trung Quốc và quan hệ giữa hai nước bắt đầu được bình thường hóa.

Sau nhiều năm đàm phán, Hiệp định Biên giới Trung-Xô đã được ký kết vào năm 1991. Hiệp ước đã thống nhất các đầu việc được thực hiện để phân định hầu hết các tranh chấp và công nhận một số thay đổi lãnh thổ nhỏ dọc biên giới. Nga kế thừa hầu hết biên giới Xô-Trung trước đây và phê chuẩn hiệp định vào tháng 2/1992. Trong những năm 1990, hai nước đã thực hiện một số biện pháp xây dựng lòng tin, và vào năm 1997 đã ra đời thỏa thuận về việc cắt giảm quân đội ở biên giới giữa Trung Quốc và bốn nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ: Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan; thỏa thuận thiết lập trần cho số lượng quân đội, hệ thống vũ khí, các cơ chế kiểm tra.

Đồng thời, hợp tác quân sự giữa hai nước được thiết lập lại. Từ năm 1989, đây là thành phần quan trọng nhất của mối quan hệ song phương. Cho đến những năm 2000, buôn bán vũ khí và các vấn đề an ninh khu vực và biên giới là những khía cạnh chính của quan hệ Nga-Trung. Nhưng kể từ đó, tăng cường quan hệ kinh tế đã lấn át hợp tác quân sự. Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng vẫn còn quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và Mỹ một mặt và mặt khác là Trung Quốc và Mỹ.

Hợp tác quân sự trong những năm gần đây

Sau khi bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh vào năm 1989, việc buôn bán vũ khí bắt đầu diễn ra. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mua máy bay chiến đấu hạng nặng thế hệ thứ tư Su-27 trong khi các đồng minh đáng tin cậy nhất trong Hiệp ước Warsaw và Ấn Độ, đối tác chủ chốt của Liên Xô ở châu Á, chỉ được mua máy bay chiến đấu MiG-29 kém tinh vi hơn.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga tiếp tục bán vũ khí cho Trung Quốc. Cần lưu ý rằng ngành công nghiệp quốc phòng Nga thời hậu Xô viết phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc để tồn tại. Cho đến giữa những năm 2000, buôn bán vũ khí là thành phần chính của quan hệ song phương, nhưng kể từ đó, các lĩnh vực khác đã lấn át nó. Tuy nhiên, từ năm 2001 - 2009, giá trị hợp tác quân sự với Trung Quốc lên tới 16 tỷ đô la, mặc dù trong năm 2008 đã giảm 18% .

Sau vài năm suy giảm, buôn bán vũ khí đã nối lại xu hướng tăng trong những năm 2010. Những năm gần đây, Moscow đã bán các vũ khí tối tân cho Bắc Kinh như hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35, máy bay trực thăng và động cơ máy bay. Năm 2016, Nga và Trung Quốc đã thực hiện các hợp đồng trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự với tổng trị giá khoảng 3 tỷ đô la. Hai năm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu tuyên bố rằng 12% vũ khí xuất khẩu của Nga được bán cho Trung Quốc, nhưng ông không nói trong khoảng thời gian nào. Theo chuyên gia về Trung Quốc Vasily Kashin, nếu Shoygu đề cập năm 2017, thì điều đó có thể có nghĩa là việc chuyển giao hàng hóa và dịch vụ liên quan đến quốc phòng của Nga cho Trung Quốc đã giảm xuống còn 1,8 tỷ đô la , có thể vì một số hợp đồng cũ đã chấm dứt và những hợp đồng mới vẫn chưa được triển khai.

Phó giám đốc điều hành cơ quan xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport, Alexander Scherbinin, cho biết gần đây rằng hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Trung Quốc đã lên tới vài tỷ đô la mỗi năm. Tuy nhiên, một số chỉ số quan trọng khác được đưa ra, bao gồm cả tính nhất quán. “Chúng tôi có mức độ hợp tác như vậy trong một khoảng thời gian khá dài”, ông Scherbinin nói. Ông cũng lưu ý rằng Nga và Trung Quốc đang phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự trong các lĩnh vực mới, như công nghệ cao…

Tuy nhiên, việc sao chép trái phép vũ khí và thiết bị của Nga diễn ra ở Trung Quốc. Theo một quan chức Rostec [tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước của Nga chuyên hợp nhất các công ty quan trọng cấp chiến lược, chủ yếu trong các ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao], hơn 500 trường hợp sao chép trái phép đã được xác định trong 17 năm qua. Trung Quốc đặc biệt thành công trong việc sao chép động cơ máy bay Nga, máy bay Sukhoi, máy bay chiến đấu trên tàu sân bay, hệ thống phòng không, phòng không vác vai và hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir.

Trong những năm gần đây, nhu cầu linh kiện điện tử và động cơ diesel hải quân mà Nga không còn mua được được từ phương Tây đã được Trung Quốc đáp ứng.

MỚI - NÓNG