Quốc đảo nhỏ mời Mỹ mở căn cứ quân sự để đẩy lùi Trung Quốc

Quần đảo Palau
Quần đảo Palau
TPO - Palau, quốc đảo nhỏ bé trên Thái Bình Dương, vừa thúc giục Mỹ xây dựng căn cứ trên lãnh thổ của mình, tại khu vực mà Washington đang nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. 

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đến thăm Palau và cáo buộc Bắc Kinh đang tiến hành “các hoạt động gây bất ổn” trên Thái Bình Dương. 

Tổng thống Palau Tommy Remengesau sau đó cho biết ông đã nói với Bộ trưởng Esper rằng quân đội Mỹ được chào đón đến Palau để xây cơ sở quân sự. Quần đảo Palau nằm cách Philippines khoảng 1.500km về phía đông. 

“Đề nghị của Palau với quân đội Mỹ rất đơn giản: xây cơ sở sử dụng chung, sau đó họ đến và dùng thường xuyên”, Tổng thống Remengesau nói về bức thư ông gửi đến Bộ trưởng quốc phòng Mỹ mà văn phòng của ông công bố trong tuần này. 

Bức thư nói rằng quốc gia có 22.000 dân này sẵn sàng cho phép quân đội Mỹ xây dựng cơ sở trên đất liền, cảng biển và sân bay quân sự. 

Ông Remengesau cũng gợi ý Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đến hiện diện ở Palau để giúp tuần tra vùng biển rộng lớn của nước này, với diện tích tương đương với Tây Ban Nha mà quốc đảo nhỏ bé quản lý không xuể.

Dù là một quốc gia độc lập, Palau không có quân đội và Mỹ phụ trách bảo đảm quốc phòng cho nước này theo Hiệp ước Liên kết tự do. 

Theo thỏa thuận, quân đội Mỹ được tiếp cận các đảo của Palau, dù Mỹ đến nay chưa có lực lượng đồn trú ở đây. 

“Chúng ta nên sử dụng các cơ chế của Hiệp ước để thiết lập sự hiện diện thường xuyên của quân đội Mỹ ở Palau”, ông Remengesau nói. 

“Quyền của quân đội Mỹ được lập cơ sở quân sự ở Cộng hòa Palau đã được quy định theo Hiệp ước – thỏa thuận đến nay vẫn chưa được tận dụng hết”, ông nói thêm. 

Nhà lãnh đạo Palau khẳng định rằng các căn cứ ở Palau sẽ không chỉ giúp tăng sự chuẩn bị quân sự của Mỹ mà còn giúp hỗ trợ nền kinh tế địa phương, trong bối cảnh quần đảo đang chật vật vì đại dịch COVID-19 tấn công ngành du lịch và cũng là ngành kiếm tiền chính của nước này. 

Palau từng là chiến trường đẫm máu giữa quân Mỹ và Nhật Bản trong Thế chiến 2, nhưng sau đó Washington tập trung vào các căn cứ quân sự ở Philippines và Guam. 

Mỹ đã định làm một cơ sở radar quân sự ở Palau nhưng kế hoạch đang phải dừng do COVID-19, vì Palau muốn không muốn bị dịch bệnh tấn công. 

Không chỉ thân thiết với Mỹ, Palau còn là một trong bốn đồng minh còn lại của Đài Loan trên Thái Bình Dương. 

Trung Quốc đang nỗ lực cắt đứt quan hệ ngoại giao của Đài Bắc với các đồng minh ở Thái Bình Dương, đến nay đã thuyết phục thành công quần đảo Solomon và Kiribati chuyển phe. Tuy nhiên, Palau khước từ mời gọi đó, dẫn đến việc Bắc Kinh cấm người dân đến du lịch ở quần đảo này. 

Dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, Tổng thống Remengesau nói với ông Esper rằng “các nhân tố gây bất ổn đang bước lên để tận dụng” cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến đại dịch mà các quốc đảo nhỏ bé đang phải trải qua. 

“Ngài Bộ trưởng, thật tuyệt vời khi nghe tin rằng ông, và các quan chức Mỹ cấp cao khác, nhận thấy thực tế phức tạp của an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khi nó đang bị đe dọa bởi kiểu làm ăn kinh tế săn mồi và sự hung hăng về quân sự”, ông Remengesau viết. 

Trong chuyến thăm Palau kéo dài chỉ 3 giờ đồng hồ của ông Esper vào tuần trước, ông Remengesau nói rằng Trung Quốc đang mời Palau vay vốn ưu đãi để nước này trung thành với Bắc Kinh. 

Theo theo CNA
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.