Sẽ không có chạy đua vũ trang Mỹ-Nga khi Moscow có các vũ khí tối tân

Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
TPO - Chuyên gia quân sự, nhà chính trị học thuộc Học viện Khoa học quân sự Nga, ông Sergey Sudakov đã bình luận như vậy khi trả lời phỏng vấn hãng EA Daily về các dự án vũ khí của Nga được Tổng thống Vladimir Putin giới thiệu khi đọc Thông điệp Liên bang vừa qua.

Chuyên gia Sergey Sudakov cho rằng, những dự án nghiên cứu vũ khí mới nhất của Nga – đó là một từ ngữ mới trong lĩnh vực công nghệ và một bước đột phá mà trên thực tế đã tạo ra một nền công nghệ mới trên thế giới. Hiện Nga đã rời bỏ chiến thuật phô trương và đang nói về những điều thực tế.

Theo chuyên gia quân sự này, cuộc chạy đua vũ trang đã chấm dứt và hiện đang có một sự cạnh tranh nào đó về các hệ thống vũ khí một cách vô nghĩa. Sergey Sudakov nhấn mạnh, những tên lửa siêu thanh mới nhất và các vũ khí khác của Nga thực sự sẽ biến hạm đội tàu sân bay của Mỹ trở thành các “hộp nổi” mà Nga có thể bắn từ bất cứ nơi nào trên thế giới.

Người Mỹ hiện không có các công nghệ tương tự, mặc dù họp đang nghiên cứu các vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên, hiện Mỹ chỉ có Tomahawk giống như “những đầu máy xe lửa” bay một cách chậm chạp và dễ bị đánh chặn bởi tổ hợp phòng không Pantsir của Nga. Về phía mình, tên lửa của Nga có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào, cả hiện tại và tương lai, chuyên gia này kết luận.

Chuyên gia người Nga, Giám đốc Trung tâm Cục diện chiến lược, ông Ivan Konovalov bình luận với EA Daily về thông báo của Tổng thống Putin về việc xây dựng xung quanh chu vi nước Nga một rào chắn radar chắc chắn để cảnh báo sớm tấn công tên lửa.

Chuyên gia Konovalov cho biết, Nga đang xây dựng một hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa với chiều sâu nhiều tầng, trong đó sẽ có sự tham gia của các hệ thống vũ khí tối tân nhất của Nga gồm: Tổ hợp phòng không Pantsir, Buk, Vitryaz, S-400 và cả S-500 sau đó. Tuy nhiên, Moscow không quan tâm tới việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu như Mỹ. Vấn đề là ở chỗ, cơ sở hạ tầng cho phòng thủ tên lửa ở quy mô lớn là rất đắt đỏ, trong khi hiệu quả của nó còn thực sự chưa rõ ràng, ông Konovalov khẳng định.

Kết thúc cuộc phỏng vấn, chuyên gia này nhấn mạnh, những tư tưởng lỗi thời về hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu đang kìm hãm người Mỹ, còn Nga sẽ chỉ bảo vệ biên giới của mình.

Theo Theo Politexpert
MỚI - NÓNG