Sức mạnh khủng khiếp của súng cối M240 Nga

Một khẩu cối M240 do Liên Xô sản xuất. Ảnh: Wikipedia
Một khẩu cối M240 do Liên Xô sản xuất. Ảnh: Wikipedia
Với những quả đạn dài 1,5 mét chứa 75 kg thuốc nổ, cối M240 có uy lực rất khủng khiếp trong việc tấn công đối phương trong công sự.

Súng cối M240 240 mm của Nga là một trong những loại vũ khí có cỡ nòng lớn nhất thế giới vẫn được sử dụng trên chiến trường ngày nay, với uy lực hủy diệt vô cùng khủng khiếp, theo WarIsboring.

Loại đạn khổng lồ của nó được thiết kế riêng cho mục đích nghiền nát các cứ điểm quân sự kiên cố, nhưng chúng lại thường xuyên được sử dụng để bắn phá các khu vực đô thị đông dân cư.

Quân đội các nước trên thế giới thường tỏ ra hoài nghi với các khẩu súng lớn bởi các thiết kế nguyên mẫu của chúng luôn bị xem là thiếu tính thực tế nên hiếm khi được sản xuất và sử dụng phổ biến trên chiến trường. Tuy nhiên, cối M240 là một ngoại lệ.

Liên Xô lần đầu sản xuất cối khổng lồ M240 trong thập niên 1950. Kể từ đó, nó được quân đội Liên Xô, Nga, Ai Cập và Syria sử dụng trong nhiều cuộc xung đột khác nhau như chiến tranh Yom Kippur 1973, nội chiến Lebanon trong thập niên 1980, cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan, cuộc chiến tranh Chechnya năm 1999 và các cuộc chiến hiện nay ở Syria.

Súng cối là vũ khí cá nhân trang bị cho bộ binh. Khác với lựu pháo hạng nặng và dã pháo, cối hạng nhẹ có thể được các binh sĩ tháo lắp, mang vác và tùy nghi sử dụng mà không cần có một kíp pháo thủ vận hành.

Súng cối sử dụng đầu đạn nổ có cỡ tương đương đạn pháo nhưng có hỏa lực lớn hơn dù tầm bắn ngắn hơn. Một súng cối hạng trung hoặc hạng nặng hiện đại có tầm bắn 5-6,5 km với đạn thường trong khi lựu pháo hạng nặng thông thường có tầm bắn từ 24 km trở lên.

Tuy nhiên, M240 khó có thể được coi là súng cối theo các tiêu chuẩn này. Rất hiếm loại cối nào sử dụng đạn trên 120 mm, trong khi đạn cối M240 có đường kính gấp đôi. Đây cũng không phải là vũ khí hạng nhẹ bởi trọng lượng của cối M240 lên tới hơn 4 tấn, và một khẩu đội cối phải mất 25 phút mới có thể triển khai tác chiến. Mỗi quả đạn cối dài 1,5 m của nó nặng gần 128 kg và chứa tới 75 kg thuốc nổ có sức công phá lớn.

Khẩu cối lớn này có thể bắn từ khoảng cách từ 800 m-8 km với tốc độ một phát/ phút, và tầm bắn của nó có thể lên tới 24 km nhờ cơ chế phản lực đặc biệt của đạn.

Mỗi phát bắn của cối M240 có tiếng kêu giống một chiếc chuông khổng lồ ngân vang khi quả đạn dài của nó được phóng ở góc gần như thẳng đứng lên trời, khác với tiếng kêu ngắt quãng đặc trưng của hầu hết súng cối khác.

Với hỏa lực cực mạnh và tầm bắn tương đối ngắn, cối M240 là một vũ khí lý tưởng dùng để tấn công các mục tiêu bị vây hãm. M240 có trọng lượng nhẹ hơn nhiều so với các vũ khí khác có cùng cỡ nòng, chẳng hạn như lựu pháo M1 240 mm nặng 32 tấn, và tầm bắn ngắn của nó cũng không gây trở ngại trong việc bắn phá các mục tiêu kiên cố trong thành trì của đối phương.

Trong chiến tranh Yom Kippur 1973, Liên Xô đã cung cấp cối M240 cho quân đội Ai Cập và Syria, và đây cũng là lần đầu tiên vũ khí này được thử lửa trong thực chiến. Cối M240 của Ai Cập đã nghiền nát các công sự kiên cố của Israel dọc kênh đào Suez, trong khi các khẩu đội cối của quân đội Syria đè bẹp các tiền đồn ở điểm cao Hermon và Ted Fares trên Cao nguyên Golan, cắt đứt mạng lưới liên lạc, xóa sổ các trạm quan sát pháo binh và thu thập tin tức tình báo của Israel.

Sức mạnh khủng khiếp của súng cối M240 Nga ảnh 1

Đạn cối M240 (phải) so với một quả đạn cối thông thường. Ảnh: YouTube

"Khi cối 240 mm khai hỏa, việc báo động hay ẩn náu thực sự không còn ý nghĩa, bởi nếu bạn nằm trong tầm bắn của nó, bạn sẽ thiệt mạng hoặc bị thương bởi các mảnh đạn khổng lồ và các mảnh vỡ của nó văng ra", Alon Harksberg, một cựu chiến binh trong cuộc chiến trên Cao nguyên Golan nhớ lại.

Phóng viên New York Times cũng nhận xét trong một bài báo là đạn M240 "giống một quả bom hơn là đạn cối bởi nó tạo ra một hố sâu đường kính hơn 4,5 m".

Liên Xô lần đầu tiên sử dụng cối M240 trong cuộc chiến ở Afghanistan. Konstantin Scherbakov, một pháo thủ thuộc Tiểu đoàn Pháo binh số 1074 nhớ lại vụ tấn công năm 1985 vào một pháo đài ở Thung lũng Panjshir của lãnh chúa Afghanistan Ahmad Shah Massoud. Khi đó, tiểu đoàn 1074 đã sử dụng cối M240 gắn trên xe kéo bọc thép MT-LB và đạn dẫn đường bằng laser Smel’Chak để tấn công pháo đài.

"Sau khi bị đối phương chặn đà tiến công bằng súng máy hạng nặng DShK khai hỏa từ một cứ điểm kiên cố bên trong pháo đài của Massoud, chỉ huy tiểu đoàn đã điều động cối M240 phá hủy ụ súng địch sử dụng đạn thường và đạn dẫn đường laser. 12 phút sau khi M240 khai hỏa, pháo đài trở thành đống đổ nát", Scherbakov nói.

Cuộc chiến này đã chứng tỏ ưu điểm của cối M240. Giống các loại cối khác, M240 có thể bắn đạn cầu vồng theo góc cao, vượt qua các bức tường của pháo đài, trong khi đạn pháo 122 mm bắn ở góc cao nhất đều trúng vào tường. Ngoài ra, độ chính xác của cối được cải thiện đáng kể nhờ thiết bị dẫn đường bằng laser.

Sức mạnh khủng khiếp của súng cối M240 Nga ảnh 2

Cối M240 gắn trên xe bánh xích 2S4. Ảnh: Wikipedia

Tuy nhiên, vũ khí này sẽ trở nên nguy hiểm nếu pháo thủ không được huấn luyện bài bản. "Khi khai hỏa, điều đặc biệt quan trọng là cần lau sạch nòng sau mỗi phát bắn, nếu không đạn sẽ bị kẹt trong nòng và không thể đẩy hoặc kéo nó ra", Scherbakov cho hay.

Liên Xô đã cải thiện khả năng cơ động của M240 bằng cách gắn nó lên xe bánh xích tự hành 2S4 nặng 30 tấn với kíp pháo thủ 9 người. Cối tự hành 2S4 trên tiếp tục phát huy hiệu quả trên chiến trường Afghanistan, nơi chúng liên tục phá hủy các công sự và hang núi kiên cố của phiến quân.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cối tự hành 2S4 từng được trang bị cho các lữ pháo binh hỏa lực mạnh của Liên Xô, và thậm chí được trang bị cả đầu đạn hạt nhân. Đến nay, cối M240 vẫn được sử dụng trong cuộc xung đột tại Syria.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG