Tăng T-34 - vũ khí bẻ gãy cuộc xâm lược Liên Xô của phát xít Đức

Một chiếc xe tăng T-34 của Hồng quân Liên Xô. Ảnh: Wikimedia
Một chiếc xe tăng T-34 của Hồng quân Liên Xô. Ảnh: Wikimedia
Sự xuất hiện của tăng T-34 đã chặn đứng đà tiến công của phát xít Đức trong chiến dịch Barbarossa quy mô lớn nhất trong lịch sử nhằm vào Liên Xô.

Ngày 22/6/1941, phát xít Đức phát động chiến dịch Barbarossa, cuộc tổng tấn công nhằm vào Liên bang Xô viết và là cuộc xâm lược quy mô lớn nhất trong lịch sử loài người.

Đức đã huy động ba triệu binh lính với 150 sư đoàn bộ binh và 3.000 xe tăng, chia làm ba mũi đồng loạt tấn công trên chiến tuyến trải dài hơn 2.896 km trong chiến dịch này.

Phát xít Đức tin rằng chiến dịch sẽ nhanh chóng giành thắng lợi, bởi đối thủ yếu hơn họ về mọi mặt. Những chiến thắng như đi dạo trên chiến trường Ba Lan và Pháp khiến ông trùm Adolf Hitler và nhiều sĩ quan chỉ huy cao cấp trong quân đội Đức củng cố niềm tin rằng Hồng quân Liên Xô sẽ sớm bị đánh bại.

Trong những tháng đầu tiên của cuộc xâm lược, quân Đức thắng như chẻ tre hết trận này sang trận khác. Nhưng sau đó, đà tấn công bỗng chững lại bởi sự xuất hiện một loại xe tăng mới của Liên Xô trên chiến trường khiến quân đội Đức choáng váng, theo WarIsBoring.

Xe tăng này là T-34, loại xe bọc thép mới của Liên Xô sử dụng pháo uy lực 76 mm với lớp giáp nghiêng dày và di chuyển với vận tốc hơn 56 km/h. Ngoài ra, T-34 còn sở hữu nhiều tính năng thiết kế tiên tiến thời đó, đủ sức phá hủy các xe tăng Panzer của Đức – loại xe chiến đấu bọc thép từng là nỗi kinh hoàng với quân Đồng minh trên chiến trường khi đó.

Theo sử gia Philip Kaplan, dù còn một số hạn chế như thiết kế thô kệch, tầm quan sát của kíp tăng hạn chế, tăng T-34 vẫn được coi là một trong những loại xe tăng tốt nhất trong chiến tranh.

Ewald Von Kleist, thống chế Đức trong Thế chiến II nhận xét ngắn gọn hơn, rằng đây là "chiếc xe tăng tốt nhất thế giới" khi mô tả về T-34.

Nguồn gốc ra đời của tăng T-34 khá đơn giản. Hồng quân Liên Xô muốn tìm kiếm giải pháp thay thế cho BT-7, một loại xe thiết giáp di chuyển nhanh có lớp giáp mỏng để tiện cơ động tác chiến. Trong cuộc chiến tranh biên giới 1938-1939 với Nhật Bản, tăng BT-7 không thể hiện được nhiều, thậm chí dễ dàng bị tiêu diệt bởi các xe tăng Type 95 của Nhật trang bị hỏa lực yếu hơn.

Tăng T-34 vẫn giữ nguyên thiết kế bánh treo Christie của BT-7, nhưng được thay thế động cơ chạy xăng bằng động cơ diesel V-2 34 V12 giúp nó chạy nhanh hơn 16 km/h so với các xe tăng Panzer III và Panzer IV của Đức.

Tăng T-34 - vũ khí bẻ gãy cuộc xâm lược Liên Xô của phát xít Đức ảnh 1

Hồng quân Liên Xô tiến quân bên cạnh một chiếc T-34. Ảnh: Wikimedia

Hơn nữa, khẩu pháo bắn nhanh 76 mm trang bị trên T-34 có thể tiêu diệt bất kỳ xe tăng nào trên thế giới thời đó.

"Năm 1941, khi Hitler phát động chiến dịch Barbarossa, T-34 rõ ràng là xe tăng uy lực nhất trên thế giới", Jason Belcourt, một cựu binh quân đội Mỹ từng phục vụ trong lực lượng thiết giáp, nói. "Sự kết hợp của lớp giáp nghiêng, pháo nòng lớn, tốc độ cao và khả năng cơ động linh hoạt cho thấy loại tăng này được cả về số lượng lẫn chất lượng".

Với chi phí sản xuất khá rẻ, đến giữa năm 1941, Liên Xô đã có hơn 22.000 xe tăng T-34, nhiều hơn tổng số lượng tăng của tất cả quân đội trên thế giới cộng lại và nhiều gấp 4 lần số xe tăng của Đức. Đến khi kết thúc chiến tranh, Liên Xô đã kịp sản xuất gần 60.000 tăng T-34.

Quân Đức bị tổn thất nặng khi chạm mặt T-34. Các súng chống tăng tiêu chuẩn của Đức như Kwk36 37 mm và Kwk 38 50 mm không tài nào xuyên thủng được lớp giáp dày của T-34, mà chỉ để lại một vết lõm trên thân xe tăng T-34 ngay cả khi tấn công trực diện từ phía trước.

Điều này khiến Đức có rất ít chiến thuật khắc chế và loay hoay trong tấn công. Các xe tăng Đức từng gắng sử dụng pháo tấn công mạn sườn, bộ binh Đức thì đặt mìn, thậm chí còn liều mạng ôm bộc phá hay bom xăng tấn công tầm gần.

Trong cơn tuyệt vọng, quân đội Đức thậm chí sử dụng cả pháo phòng không cải tiến 88 mm để tấn công trực tiếp hòng cản đà tấn công của tăng T-34. Chiến dịch đánh nhanh thắng nhanh Barbarossa phá sản, quân Đức dần rơi vào thế bị động và cuối cùng bị đánh bại trên chiến trường Liên Xô.

Tuy nhiên, khi sản xuất ồ ạt tăng T-34, Hồng quân Liên Xô lại không kịp huấn luyện đủ các kíp tăng để điều khiển chúng. Đến khi họ có đủ kíp tăng được đào tạo bài bản để lái T-34, phát xít Đức đã đưa vào chiến trường các xe tăng trang bị súng bắn nhanh và các vũ khí chống tăng tốt hơn như Panzerfaust, một vũ khí chống tăng không giật với đầu đạn có sức công phá lớn.

Dù vậy, người Nga luôn có số lượng tăng T-34 nhiều hơn các tăng Panzer hay Tiger của Đức. "Yếu tố mang tính quyết định thành công đối với xe tăng nằm ở mặt trận sản xuất. Từ tháng 6/1941 đến khi kết thúc chiến tranh, Liên Xô đã sản xuất ra ồ ạt những chiếc xe tăng có chất lượng không hề thua kém các xe tăng đời cũ", Belcourt nói.

Tăng T-34 - vũ khí bẻ gãy cuộc xâm lược Liên Xô của phát xít Đức ảnh 2

Một chiếc xe tăng T-34 khai hỏa. Ảnh: Military

Với sức sản xuất hơn hẳn, T-34 đã giúp cán cân sức mạnh nghiêng về Liên Xô trên mặt trận thiết giáp, góp phần đẩy quân xâm lược ra khỏi biên giới bằng các chiến thắng vang dội, trong đó có trận đại chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử với quân Đức ở Kursk.

"Tăng T-34 rõ ràng là thiết kế mang tính cách mạng trên chiến trường, dù nó chỉ là sự kết hợp của các thiết kế đời cũ như lớp giáp nghiêng dày, động cơ diesel, bánh xích lớn và pháo nòng lớn tương đối mạnh. Chúng đều xuất hiện trên những chiếc xe tăng trước đó, nhưng chưa bao giờ được kết hợp trên một cỗ máy như T-34", Belcourt nhận định.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.