Toan tính của Mỹ-Nga sau hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ

TPO - Lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ về phía mình, tìm kiếm lợi ích tối đa trong "ván cờ" Syria thời kỳ hậu chiến là những toan tính của Mỹ và Nga trong việc "làm ngơ" trước các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào khu vực Afrin, tỉnh Aleppo thuộc miền Bắc Syria.

Toan tính của người Mỹ

Ban đầu ý đồ của Mỹ là lợi dụng lực lượng vũ trang người Kurd tại khu vực Afrin, tỉnh Aleppo (Syria) để hòng thay đổi cục diện tại chiến trường Syria.

Tuy nhiên, sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự lớn mang tên "Nhành Ôliu" vào thị trấn Afrin, tỉnh Aleppo thuộc miền Bắc Syria, Mỹ đã ngay lập tức thay đổi chiến thuật, nhanh chóng đạt thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc đảm bảo sẽ không đối kháng trực tiếp với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Hành động của Mỹ được thể hiện qua một loạt các phát biểu và động thái quân sự của Mỹ tại khu vực mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tấn công.

Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động tấn công quân sự Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố, "Thổ Nhĩ Kỳ rất thẳng thắn, trước khi phát động tiến công quân sự Syria, họ đã cảnh báo cho chúng tôi. Chúng tôi đang thông qua các kênh ngoại giao để tiếp tục tiến hành thương lượng về vấn đề này".

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Heather Nauert thì cho rằng, "Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, bảo đảm hành động quân sự giới hạn trong phạm vi và thời gian nhất định, hết sức tránh gây thương vong cho dân thường".

Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag, thậm chí còn khẳng định, hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không động chạm tới quân đội Mỹ. Bởi vì, trong khu vực hành động của chúng tôi không có nhân viên quân đội Mỹ.

Ngoài ra, một quan chức Mỹ cũng cho biết, tại khu vực Thổ Nhĩ Kỳ tấn công quân sự không có nhân viên quân sự và binh sĩ Mỹ.

Các chuyên gia về tình hình Syria cho rằng, người Mỹ đang dần bị người Nga loại khỏi cuộc chơi tại Syria, vì vậy Mỹ đang tìm mọi cách để chống lại Nga và tìm kiếm lợi ích tại Syria.

Do đó, việc khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là sự lựa chọn tất yếu của Mỹ trong ván cờ Syria.

Việc Mỹ không thể hiện sự phản đối gay gắt trước hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, trên thực tế là đã hy sinh lợi ích của người Kurd để đổi lại việc tránh đổ vỡ quan hệ với Ankara, qua đó lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ ngả về phía Mỹ và cạnh tranh ảnh hưởng với Nga.

Vậy người Nga đang tính gì?

Nga cũng được cho là đã "làm ngơ" trước các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin (Syria).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/1 trong một Hội nghị đã tiết lộ, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã trao đổi với phía Nga về hành động quân sự của nước này tại Afrin, và hai bên đã "có hiệp định".

Việc Nga không phản đối hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria là nhằm đảm bảo lợi ích tối đa của Nga trong ván cờ Syria thời kỳ hậu chiến, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ luôn tìm cách phá hoại các nỗ lực của Nga, hạn chế vai trò ảnh hưởng của Nga và tố cáo Nga ủng hộ chế độ Bashar al-Assad ở Syria.

Trong một bài phát biểu đáp lại những lời chỉ trích của Mỹ nhằm vào Nga liên quan tới các hành động quân sự của Nga tại Syria, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng bất cứ khi nào có tiến bộ trong các nỗ lực hòa bình, thì y như rằng Mỹ lại tung “các bản tin được dàn dựng, không được chứng thực” về các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.

Đặc biệt, để chống lại sự chống phá của Mỹ, duy trì lợi ích tối đa tại Syria và xa hơn nữa là khôi phục vị thế ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông, Nga rất cần sự ủng hộ của các nước trong khu vực đặc biệt là những nước có vai trò then chốt tại Syria là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Chính vì vậy, Nga-một quốc gia đã phải mất rất nhiều công sức mới giành lại được Thổ Nhĩ Kỳ từ tay người Mỹ về phe mình, không có lý do gì lại phản đối hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ-một hành động quân sự được cho là nhằm vào Mỹ.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.