Trung Quốc trình làng nhiều ‘hàng khủng’ tại Triển lãm Chu Hải 2018

Tên lửa đạn đạo DF-21D (Đông Phong-21D) của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Tên lửa đạn đạo DF-21D (Đông Phong-21D) của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
TPO - Tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2018 tại Quảng Đông (Trung Quốc), nước này đã trình làng nhiều chủng loại vũ khí khủng được đánh giá là những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.

Máy bay không người lái tàng hình CH-7

Hàng khủng đầu tiên gây sự quan tâm bậc nhất của giới quân sự tại Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải, Trung Quốc là máy bay chiến đấu không người lái (UAV) tàng hình thế hệ mới CH-7.

CH-7 được mệnh danh là UAV hiện đại nhất do Tập đoàn Công nghiệp Khoa học Không gian Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo. Giới phân tích nhận định CH-7 chính là phiên bản sao chép từ máy bay không người lái tàng hình X-47B của Mỹ chuyên dùng cho hoạt động trên hàng không mẫu hạm.

CH-7 dài 10m, sải cánh 22m, trọng lượng cất cánh tối đa 13 tấn, độ cao hành trình từ 10 đến 13 km, vận tốc phi trình nhanh hơn vận tốc âm thanh từ 0,5 đến 0,6 lần, và có thể bay liên tục trên không trong 15 giờ.

Nhiệm vụ tác chiến chính của CH-7 là do thám trên không, trinh sát thực địa. Ngoài ra, CH-7 còn thiết kế khoang chứa vũ khí bên trong để có thể phóng nhiều loại vũ khí gồm: tên lửa chống phóng xạ, tên lửa không đối đất hoặc tên lửa chống hạm và bom điều hướng chính xác tầm xa…

Động cơ WS-10B3 trên tiêm kích J-10B

Một động thái mới thu hút sự quan tâm của giới quân sự là Trung Quốc lần đầu trình làng động cơ WS-10B3 trang bị cho máy bay tiêm kích thế hệ thứ tư J-10B.

WS-10B3 là động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều, với vòi phun có thể chỉnh hướng phụt, khi được lắp đặt cho máy bay tiêm kích J-10B sẽ giúp cho dòng máy bay được mệnh danh là thế hệ thứ tư này của không quân Trung Quốc nâng cao tính cơ động và mở rộng phạm vi tác chiến.

Tổ hợp phòng thủ tầm ngắn JRNG-6

Tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2018, ngoài các loại máy bay, Trung Quốc cũng trình làng nhiều hệ thống tên lửa phòng không hiện đại, trong đó đáng chú ý nhất là Tổ hợp phòng thủ tầm ngắn JRNG-6.

Tổ hợp JRNG-6 của Trung Quốc được trang bị 8 tên lửa đánh chặn, 2 khẩu pháo bắn nhanh cỡ nòng 30mm, radar điều khiển hỏa lực và thiết bị ngắm bắn quang học.

Tổ hợp phòng thủ tầm ngắn JRNG-6 được thiết kế dựa trên ý tướng thiết kế của moden tên lửa-pháo phòng không Pantsir-M được phát triển cho hải quân Nga và hiện đang được trang bị trên một số tàu chiến của hải quân Nga.

Tên lửa đạn đạo chống hạm CM 401

Tên lửa đạn đạo chống hạm tầm ngắn CM 401 được cho là biến thể giản lược của tên lửa đạn đạo DF-21D (Đông Phong-21D) được mệnh danh là sát thủ hàng không mẫu hạm.

Tên lửa chống hạm CM 401 đã được Trung Quốc nghiên cứu, giản lược, hạ tầm bắn xuống còn khoảng 290km để đảm bảo không vi phạm Hiệp ước Kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR).

Tên lửa CM 401 có tốc độ tối đa Mach 6 (tương đương 7.200km/h), thực hiện đường bay phức tạp để đánh lừa hệ thống phòng không đối phương.

Ngoài ra, CM 401 còn được trang bị đầu dò radar chủ động để khóa mục tiêu khi tên lửa ở giai đoạn công kích mục tiêu đối phương, qua đó nhằm mang lại độ chính xác cao.

Đây là chủng loại tên lửa đạn đạo chống hạm tầm ngắn có khả năng thay đổi cuộc chơi trong tác chiến hải quân hiện đại.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng, Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2018 tại Quảng Đông là dịp để nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trình làng những thành tựu phát triển vượt bậc của mình trong lĩnh vực quốc phòng.

MỚI - NÓNG