Trường Sa mùa xuân về

Canh gác, giữ biển trời Tổ quốc ở Trường Sa. Ảnh: Trường Phong
Canh gác, giữ biển trời Tổ quốc ở Trường Sa. Ảnh: Trường Phong
TP - Từng mùa xuân đến, những người lính Trường Sa nối tiếp nhau bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc. Dịp Tết Mậu Tuất 2018, trên đảo Tiên Nữ, điểm cực Đông quần đảo Trường Sa phấp phới đôi câu đối “Canh giữ đảo để nhân dân đón Tết - Gác biển trời cho Tổ quốc vào xuân”.

Bài cuối: Gác biển trời cho Tổ quốc vào xuân 

Đảo anh hùng

Ngày hoàn thành nhiệm vụ, trước khi rời đảo về lại đất liền, cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài B lần lượt thắp hương trước ban thờ liệt sĩ Nguyễn Quốc Huy được đặt trang trọng tại hội trường lớn của đảo. Anh Huy hy sinh năm 1997 khi đang là Điểm trưởng đảo Thuyền Chài B. Đến nay, câu chuyện về anh vẫn truyền cảm hứng cho các thế hệ cán bộ chiến sĩ ra đảo sau này về lòng kiên trung, tinh thần đoàn kết, quả cảm của mình.

Trong món quà gửi ra đảo Thuyền Chài B đợt này, nhà thơ trẻ Viễn Hải - một người gắn bó với lính đảo Trường Sa  - đã kết nối với gia đình liệt sĩ Huy và nhờ CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương mang theo di ảnh liệt sĩ Nguyễn Quốc Huy ra đảo. Viễn Hải kể, qua tâm sự với chiến sĩ trên đảo, anh em đều mong muốn có di ảnh rõ nét hơn của anh Huy để anh em chăm sóc, hương khói hàng ngày. Vượt qua muôn trùng sóng gió biển Đông, vừa nhận được món quà, Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài B đã xin phép làm lễ thay di ảnh cho anh Huy...

Trên đảo Tiên Nữ, điểm cực Đông quần đảo Trường Sa, sau cơn say sóng, Võ Quốc Cường (Diễn Châu, Nghệ An), tân binh của đảo thấy mọi người gần gũi, chan hòa hơn. “Đã ra đây ai cũng có quyết tâm bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ. Chính những ngày tháng này sẽ giúp người trẻ như chúng em hoàn thiện, trưởng thành hơn, chững chạc trong suy nghĩ, hành động sau này”.

Cường nói

Câu chuyện về người Điểm trưởng hiền lành, điềm đạm nhưng dũng cảm đương đầu với những con sóng dữ vẫn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo kể cho nhau nghe suốt 20 năm qua.

Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 kể, năm 1997, khi đó anh Nguyễn Quốc Huy đang là Điểm trưởng Thuyền Chài B. Một hôm, đồng chí Điểm phó bơi ra cắm bia để anh em tập luyện thì bị sóng cuốn, hụt hơi. Thấy thế, đồng chí Huy không quản nguy hiểm bơi ra để cứu giúp đồng đội. Đồng chí Điểm phó sau đó vào được bờ, nhưng anh Huy bị sóng cuốn, hụt hơi và hy sinh, đồng đội không tìm thấy. Anh em cán bộ, chiến sĩ từ đó lập ban thờ trên đảo.

“Vừa rồi qua trao đổi, nguyện vọng gia đình muốn xin một viên san hô lấy từ đảo về, coi như là “nắm đất” nơi con mình hy sinh để thờ cúng. Gia đình cũng gửi ảnh của anh Huy để anh em cán bộ, chiến sĩ có di ảnh mới thay lên ban thờ hương khói”, ông Quang cho biết.

Nói về lý do phải trải qua 20 năm mới thay được di ảnh cho anh Huy, ông Quang trầm ngâm, những năm trước đây thông tin giữa biển đảo với đất liền rất khó khăn, đơn vị cũng thường xuyên kết nối, làm chế độ chính sách cho gia đình liệt sĩ, nhưng có những nguyện vọng gia đình giờ mới nói...

Giống như ở Thuyền Chài B, rời đảo Phan Vinh trở về đất liền, Trương Hữu Lý cùng đồng đội chạy ra bờ biển làm lễ, thắp hương miếu Ba cô rồi vòng lên tầng 2 tòa nhà Sở chỉ huy để thắp hương anh hùng Phan Vinh. Lý và đồng đội vẫn quen gọi anh hùng Phan Vinh một cách thân thuộc là chú, là anh. Hỏi về cảm xúc, Lý và đồng đội bảo rất khó nói, nhưng trước khi trở lại đất liền, muốn thắp thêm một nén nhang trước người anh hùng đã được đặt tên cho đảo.

Thượng tá Ngô Đình Xuyên, Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh chỉ vào tấm bảng được bọc kính treo trang trọng trên tường hội trường lớn trên đảo bảo, anh em cán bộ, chiến sĩ ra đây, thông qua các buổi sinh hoạt chính trị trên đảo đều hiểu biết rõ về người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh. Anh Xuyên gợi lại một vài ký ức năm 1978, Tư lệnh Giáp Văn Cương ra thăm, kiểm tra đảo, biểu dương tinh thần khắc phục khó khăn, xây dựng đảo những ngày đầu tiên và đổi tên đảo Hòn Sập thành đảo mang tên người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh để vinh danh công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ trên đoàn tàu không số huyền thoại C235... Anh Xuyên bảo, đó là một vinh dự lớn khi được viết tiếp nên những trang sử hào hùng, truyền thống vẻ vang của cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số và Bộ đội Trường Sa...

Trường Sa mùa xuân về ảnh 1 Chia tay đồng đội ở Trường Sa. Ảnh: Trường Phong.

Tổ quốc là trên hết

Thượng tá Ngô Đình Xuyên chia sẻ, các cấp lãnh đạo đã ghi nhận, đúc rút truyền thống cho đảo Phan Vinh thông qua 16 chữ: Đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền. 3 năm công tác trên đảo, với vai trò là Chỉ huy trưởng, ngày rời đảo, anh Xuyên bảo, vẫn còn nuối tiếc khi chưa kịp làm cho đảo thêm khang trang, sạch đẹp, vững vàng hơn. “Cũng nhắn nhủ với các đồng chí cán bộ chiến sĩ ra thay quân đợt này, một năm có bốn mùa xuân hạ thu đông, chúng ta sẽ nối tiếp nhau để xây dựng đảo. Những đồng chí mới ra phải phát huy kết quả đạt được của các thế hệ đi trước, tiếp tục xây dựng đảo tốt hơn, nâng cao chất lượng hoạt động để xứng danh đảo mang tên người anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh và cũng để chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập đảo”, anh Xuyên nói.

Vừa chân ướt chân ráo ra đảo, Trung sĩ Nguyễn Thành Luân, Khẩu đội trưởng súng máy phòng không 12 li 7 ngay lập tức đối diện với tình huống báo động phòng không. Luân quê ở Bình Dương, không quen với biển nên đi tàu vẫn còn say sóng. Lúc vào hải quân, lúc huấn luyện, rồi bây giờ khi ra đảo vẫn còn sợ biển, hồi hộp, xen lẫn niềm vui và tự hào. Vừa ra đảo, gặp tình huống báo động phòng không, Luân được khẩu đội trưởng kéo đi cùng, chỉ dẫn từng vị trí chiến đấu trước khi kết thúc nhiệm vụ về bờ. “Em thấy hoàn cảnh thực tế khác so với huấn luyện. Lúc có báo động, anh Khẩu đội trưởng ngay lập tức vác súng ra khu vực chiến đấu. Em cũng chạy theo để học hỏi. Khi gặp trường hợp tương tự, em nghĩ mình sẽ làm nhanh nhất có thể để tác chiến bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo của Tổ quốc”, Luân chia sẻ.

Cái Tết đầu tiên xa gia đình, bạn bè, người thân, Luân bảo, có một chút nhớ nhà, hồi hộp, nhưng vẫn luôn sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Giống như Luân, Phạm Tuấn Tú (Quảng Nam) là tân binh của đảo Núi Le B. “Mình đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc lên hàng đầu, ra đi để giữ gìn Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc trước rồi trở lại với gia đình sau”, Tú khẳng khái nói.

MỚI - NÓNG