Vì sao tàu sân bay Nga được trang bị tên lửa chống hạm ‘cực khủng’?

Ống phóng tên lửa chống hạm trên tàu Kuznetsov
Ống phóng tên lửa chống hạm trên tàu Kuznetsov
TPO - Một vài bức ảnh về tàu sân bay duy nhất của Nga, Đô đốc Kuznetsov tiết lộ một thứ có vẻ kỳ lạ. 12 ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa chống hạm P-700 cực kỳ uy lực, nằm ngay dưới boong tàu phía trước của con tàu dài hơn 300m. 

Các bản lề giúp máy bay cất cánh thường che đi các ống phóng, cho phép máy bay của Kuznetsov, sử dụng toàn bộ chiều dài của boong tàu để cất cánh. Hải quân Nga được nói là đã ngừng nạp tên lửa cho các ống phóng này kể từ đầu những năm 2000. Ngày nay, các nhà quan sát nước ngoài hiếm khi thấy các cửa hầm tên lửa mở ra. Gần bốn thập kỷ sau khi Kuznetsov được hạ thủy, nhiều người đã quên con tàu này mang theo tên lửa chống hạm hạng nặng.

Nhưng tên lửa của tàu sân bay là một dấu tích của hải quân Liên Xô. Chúng thể hiện phương pháp tiếp cận chiến tranh trên biển của Moscow.

Khi Chiến tranh Lạnh tạo ra một thế giới vũ trang hạt nhân, học thuyết quân sự của Liên Xô vẫn tập trung vào hai thứ- các trận chiến trên không, trên bộ dọc biên giới và răn đe hạt nhân. Cả hai thứ này đều không đòi hỏi có tàu sân bay.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 đã thay đổi điều đó. Lần đầu tiên, cuộc khủng hoảng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh hải quân tầm xa, ngay cả trong đối đầu hạt nhân. Và hạm đội Liên Xô bắt đầu được trang bị các tàu sân bay.

Nhưng hạm đội không thể làm lung lay hoàn toàn tư duy phòng thủ. “Trong tư duy của phương Tây, hải quân Liên Xô tập trung kiểm soát các vùng biển tiếp giáp với Liên Xô và từ chối tiếp cận trên biển ở những khu vực xa hơn nhưng vẫn nằm trong phạm vi tấn công của Liên Xô, Cục Tình báo Trung ương Mỹ nhận định, theo bài của National Interest.

Kết quả là hai lớp tàu sân bay ra đời, bao gồm tàu Kuznetsov. Tàu mang theo phi đội tiêm kích nhưng cũng được trang bị các tên lửa chống hạm tầm xa. Ngược lại, các tàu sân bay của Mỹ và Anh được thiết kế chủ yếu để phát động sức mạnh, triển khai quân lực nhưng bản thân tàu không có tên lửa chống hạm.

Nói cách khác, tàu sân bay của Liên Xô là nền tảng phòng thủ chống hạm có thể đi xa hơn các tàu khác của Liên Xô, đồng thời phóng các máy bay chiến đấu để bảo vệ chính nó. Mặt khác, các tàu sân bay phương Tây là các nền tảng tấn công bờ có thể triển khai bất cứ nơi nào trên thế giới, có lực lượng hộ tống lớn với nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ tàu sân bay.

Một tàu sân bay của Liên Xô triển khai xa nhà để đánh chìm tàu sân bay Mỹ tiến về phía Liên Xô. Do đó, tên lửa chống hạm được trang bị cho tàu Kuznetsov.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và mối đe dọa của tàu sân bay Mỹ đối với Nga dường như lắng xuống, Moscow đã loại bỏ các tên lửa P-700 của Kuznetsov.

Đó là một thập kỷ trước. Với căng thẳng giữa Mỹ và Nga một lần nữa gia tăng, đã có báo cáo nói rằng Moscow có thể lắp đặt tên lửa chống hạm mới dưới boong tàu của Kuznetsov như một phần của chương trình hiện đại hóa con tàu cũ này.

MỚI - NÓNG