Xúc động chương trình giao lưu tưởng nhớ 30 năm hải chiến Gạc Ma

Phút ngẫu hứng của các cựu binh Gạc Ma với ca khúc Chút thư tình của người lính biển. Ảnh: Giang Thanh
Phút ngẫu hứng của các cựu binh Gạc Ma với ca khúc Chút thư tình của người lính biển. Ảnh: Giang Thanh
TPO - Những ký ức bi tráng của cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo cách đây 30 năm trên quần đảo Trường Sa, những câu chuyện xúc động về cuộc sống của những người lính trở về, những người mẹ đau đáu chờ con... khiến cho hàng trăm đoàn viên, thanh niên nghẹn ngào.

Tối 13/3, tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng) diễn ra chương trình giao lưu, nghệ thuật với chủ  đề “Biển gọi” để tưởng nhớ 30 năm hải chiến Gạc Ma (14/3/1988 - 2018). Chương trình do Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DaNangTv), Nhà hát Trưng Vương, Hội Cựu chiến binh, Thành Đoàn Đà Nẵng và Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng phối hợp tổ chức.   

Cách đây tròn 30 năm, ngày 14/3/1988, những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã ngã xuống khi quyết bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta. Họ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Xúc động chương trình giao lưu tưởng nhớ 30 năm hải chiến Gạc Ma ảnh 1 Chương trình có sự tham gia của nhiều cựu binh từng chiến đấu ở Gạc Ma. Ảnh: Giang Thanh

Những câu chuyện cảm động, những kỷ niệm buồn vui sau cuộc chiến được các cựu chiến binh -những người trực tiếp chỉ huy và tham gia chiến dịch xây dựng đảo Gạc Ma năm ấy kể lại lắng đọng trong trái tim mỗi người.

Xúc động chương trình giao lưu tưởng nhớ 30 năm hải chiến Gạc Ma ảnh 2 Các cựu binh chia sẻ những kí ức bi tráng về trận chiến đấu để bảo vệ đảo đá Gạc Ma vào tháng 3/1988. Ảnh: Giang Thanh

Cựu binh Nguyễn Văn Chương, Trung đội trưởng Trung đội, Đại đội 9 – Trung đoàn 83, nguyên chỉ huy trưởng phân đội công binh xây dựng đảo đá Gạc Ma tháng 3/1988, vẫn nhớ như in hình ảnh đồng đội kết thành vòng tròn để bảo vệ lá cờ Tổ quốc mà nhiều người sau này gọi là “Vòng tròn bất tử”.

Xúc động chương trình giao lưu tưởng nhớ 30 năm hải chiến Gạc Ma ảnh 3 Mẹ Lê Thị Muộn (mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự) tặng chiếc áo còn lại duy nhất của con trai mà mẹ luôn mang theo bên mình cho Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: Giang Thanh

“Chiến sĩ của chúng ta luôn tâm niệm phải bảo vệ chủ quyền đất nước. Dù lực lượng chúng ta mỏng, nhưng chúng tôi chiến đấu bằng tinh thần đoàn kết, quyết tử vì Tổ quốc, không bao giờ để mất cờ Tổ quốc, mất đảo”, cựu binh Chương cho biết.

30 năm sau, câu chuyện về 64 người lính ngã xuống để bảo vệ đảo Gạc Ma vẫn sống mãi trong những đồng đội, những thân nhân liệt sĩ. Cựu binh Nguyễn Văn Dũng sau khi trở về từ quân ngũ, vẫn đau đáu tìm lại người mẹ của liệt sĩ Phan Tấn Dư – người đồng đội đã thay anh lên tàu ra đảo Gạc Ma năm đó.

“Tôi đang sống cuộc sống của 2 người, của tôi và của anh Phan Tấn Dư. Tôi mất 4 năm để tìm được mẹ Niệm, để xin được trở thành con của mẹ, dành phần đời còn lại của mình để bù đắp và chăm sóc cho mẹ, thay Dư”, cựu binh Dũng rưng rưng.

Đó là mẹ liệt sĩ Lê Thị Muộn (mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự) ở Đà Nẵng, người 30 năm luôn mang theo bên mình chiếc áo duy nhất mà con để lại, may thành áo cụt và đi đâu cũng mặc “cho đỡ nhớ con”.

Xúc động chương trình giao lưu tưởng nhớ 30 năm hải chiến Gạc Ma ảnh 4 BTC trao quà cho 10 thân nhân liệt sĩ Gạc Ma đang sống tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Giang Thanh

Đó là chia sẻ xúc động của cựu binh Nguyễn Văn Lực (Quảng Trạch, Quảng Bình): “Tôi may mắn hơn những đồng đội tôi vì 30 năm sau trận chiến Gạc Ma, tôi vẫn có thể được ngồi ở đây, cùng những người đồng đội còn sống sót để kể câu chuyện về trận chiến mà quân ta, chỉ dùng tinh thần đoàn kết và quyết tử vì Tổ quốc để chiến đấu.

Xúc động chương trình giao lưu tưởng nhớ 30 năm hải chiến Gạc Ma ảnh 5 Các tiết mục nghệ thuật với chủ đề biển đảo được dàn dựng công phu. Ảnh: Giang Thanh

Những câu chuyện, những chia sẻ của những nhân chứng sống, những thân nhân liệt sĩ Gạc Ma khiến 500 người trẻ có mặt ở Nhà hát Trưng Vương nghẹn ngào.

Xúc động chương trình giao lưu tưởng nhớ 30 năm hải chiến Gạc Ma ảnh 6 Chương trình có sự tham gia của 500 bạn đoàn viên thanh niên trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: Giang Thanh

Trung úy Bùi Thị Minh Hằng (Công an TP Đà Nẵng) không giấu nổi xúc động: “Đối với những người trẻ không biết chiến tranh là gì như chúng tôi, những lời kể cả các chú, các bác cho chúng tôi cảm thấy đầy tự hào và biết ơn. Điều đó, càng thôi thúc thế hệ trẻ phải cố gắng để xứng đáng với sự hi sinh của thế hệ đi trước, để giữ gìn đất nước hòa bình mà các thế hệ cha anh đã đánh đổi bằng máu của mình”.

Xúc động chương trình giao lưu tưởng nhớ 30 năm hải chiến Gạc Ma ảnh 7 Ông Pedro Mas Rubio, Giám đốc điều hành Risemount Premier Resort DaNang - nhà tài trợ chương trình - trao hai sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 50 triệu đồng cho bà Trần Thị Ninh (vợ liệt sỹ Gạc Ma Phan Huy Sơn) và cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Lực. Ảnh: Giang Thanh

Cũng trong chương trình, BTC đã trao 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 50 triệu đồng tặng bà Trần Thị Ninh (vợ liệt sỹ Gạc Ma Phan Huy Sơn) và Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Lực. Đây là món quà củ nhà tài trợ chương trình là Risemount Premier Resort DaNang

Bà Trần Thị Ninh, đến từ Diễn Châu, Nghẹ An xúc động chia sẻ: “Chồng tôi đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo biên cương của Tổ quốc. Là một người vợ, tôi luôn cố gắng chăm sóc các con của chúng tôi thật tốt như mong muốn của chồng tôi trước khi đi chiến đấu”.

Trước đó, trong sáng 13/3, Ban Liên lạc Truyền thống Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng tổ chức Đại lễ cầu siêu các liệt sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa tháng 3/1988.

Tại buổi lễ, các cựu chiến binh Trường Sa cùng thân nhân liệt sĩ và tăng ni Phật tử thành kính mặc niệm, dâng hương tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã ngã xuống bảo vệ đảo Gạc Ma cách đây 30 năm.

MỚI - NÓNG