Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng

Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên, người sẽ trở thành Người đẹp Nhân ái đang trang điểm chuẩn bị đám cưới cho người khuyết tật ở TPHCM
Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên, người sẽ trở thành Người đẹp Nhân ái đang trang điểm chuẩn bị đám cưới cho người khuyết tật ở TPHCM
TP - Truyền thông và công chúng thường tiếp cận cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ khía cạnh các sân khấu lộng lẫy, âm nhạc hoành tráng, ánh sáng muôn màu, những thí sinh phục sức như những công chúa cùng những thị phi có thật và không có thật. Ít người nhìn nhận nó từ khía cạnh thực chất hơn thế rất nhiều. Cũng giống như người ta chỉ quen nhìn một mặt rực sáng của vầng trăng, ít ai để tâm tìm hiểu mặt bên kia sâu thẳm phía sau của nó.

1. Trong buổi ghi hình tại trường quay 2 tập Người đẹp nhân ái “Vang mãi bước quân hành” về các nhóm thí sinh Chung kết Hoa hậu Việt Nam đến các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng và người có công ở Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nam để chăm sóc các cô bác thương binh, lắng nghe câu chuyện của họ, hát cho họ nghe... và đến Nghĩa trang Liệt sĩ Việt Lào ở Anh Sơn Nghệ An để cùng rất đông bạn trẻ địa phương chăm sóc và thắp hương, nến trên gần 11.000 ngôi mộ, có một đoạn clip ghi hoạt động của nhóm của Trần Tiểu Vy, người sau này trở thành Hoa hậu, đã khiến tôi với tư cách Trưởng ban tổ chức cuộc thi phải đứng bật dậy trước đôi trăm con người ở trường quay, trong đó có cả các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và Ban Bình luận buổi ghi hình.

Hôm đó, trước rất đông người, tôi  bật nói với ê kíp thực hiện các dự án nhân ái và thí sinh Hoa hậu: “Tôi xin lỗi là đã không tin các bạn. Các bạn đã nghĩ ra những điều chúng tôi không nghĩ tới, đã làm được những điều chúng tôi không dám mong đợi”.

Trong clip, Tiểu Vy cùng các bạn chăm sóc một phụ nữ bị di chứng chiến tranh nặng nề ở Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Thanh Hoá. Người chị quằn quèo như cành cây, lúc nào cũng giật tưng tưng. Phải rất cố gắng, chị nói đứt quãng cực kỳ khó nhọc được vài lời và phải có nhân viên của Trung tâm phiên dịch lại người khác mới hiểu. Kỳ diệu là người phụ nữ đó trong một bi kịch đầy may mắn lại có một đứa con trai hoàn toàn lành lặn tên là Cường. Khi Vy và các thí sinh hỏi chị có mong muốn gì, người phụ nữ tội nghiệp ấy đáp: “Ước mua được một bộ quần áo cho con”.

Nhóm của Tiểu Vy đã liên lạc với Cường đang làm thuê ở Hà Nội, gọi cậu trở về. Họ mua một bộ quần áo để người mẹ tội nghiệp tặng con. Và cái ngày ấy đã đến. Cường trong bộ quần áo mẹ tặng cùng Tiểu Vy và nhóm thí sinh đưa người mẹ đã được tắm rửa sạch sẽ lên xe đẩy ra sân của Trung tâm. Người mẹ hôm đó cũng rất tươm tất, và chị bỗng ngồi thẳng được, không  giật nữa trong giây lát.

Tôi đứng dậy nói: “Thưa các bạn trong trường quay. Tôi đã đến Trung tâm thương binh này mấy lần trong các dịp 27/7. Đã hai lần thăm người mẹ này. Đã nghe câu chuyện về chị và đứa con còn chưa đến tuổi thành niên đang tha phương kiếm sống. Nhưng tôi không nghĩ ra là phải đưa nó về bên mẹ. Đó đúng là món quà lớn nhất mà chúng ta có thể làm được cho họ. Tôi và chị Dung Tổng Giám đốc Công ty Sen Vàng (đối tác tổ chức cuộc thi Hoa hậu của báo Tiền Phong) xin hứa với các bạn ở đây là báo Tiền Phong và Công ty Sen Vàng sẽ có trách nhiệm với cuộc đời cháu bé này”.

Trở về Hà Nội, tôi kể cho Tổng Giám đốc Công ty Tiền Phong (công ty cổ phần của báo) Phạm Ngân Hà nghe câu chuyện và nói: “Em xem có đưa được cháu bé về bên mẹ nó không, bố trí cho nó vào làm ở nhà sách Tiền Phong ở thành phố Thanh Hoá”.

Tôi gọi điện cho Cường lúc đó đang làm thuê ở một sơ sở làm đá xây dựng ở Đông Anh, Hà Nội, phân tích cho Cường là về thì thành nhân viên của một công ty nhà nước, tương lai đảm bảo hơn và quan trọng nhất là gần mẹ - điều mà mẹ cần nhất.

Tổng Giám đốc Hà quá ưu ái Cường. Mới 17 tuổi nhưng cậu ta vẫn được nhận vào làm, được hưởng lương chính thức luôn, không qua giai đoạn tập sự. Hà lại chỉ đạo Nhà sách Thanh Hóa tìm và giúp Cường  thuê một nơi ở ngay gần nhà sách để đi làm cho tiện.

Từ TPHCM, Tổng Giám đốc Dung cho nhân viên ra tận Thanh Hóa, mua một chiếc xe máy mới coóng. Và Trần Tiểu Vy, lúc này đã là Hoa hậu Việt Nam, trao chìa khoá chiếc xe máy đó của Cường.

Một hôm, tôi nhận được điện thoại của Cường: “Chú ơi, cháu đi xe máy bị công an bắt, chú xin giúp cháu”. Giọng người công an vang lên: “Thằng này là cháu anh à? Nó đi xe máy không có bằng, cũng chả có giấy tờ gì; tóc tai, quần áo, nói năng lấc cấc”. Tôi nói: “Xin anh tha cho nó, tôi sẽ có trách nhiệm uốn nắn nó”.

Tổng Giám đốc Hà chuyển tiếp cho tôi tin nhắn than phiền về Cường của Nhà sách Thanh Hoá và nói thêm: “Hình như nó cậy có anh nên nó không sợ ai ở đây cả”. Tôi nói với Hà chỉ đạo cán bộ trong đó hãy thật nghiêm khắc với Cường. Tôi nhắn cho Tổng Giám đốc Dung: “Thế là ta lại thêm một mối lo rồi em”. Từ TPHCM, Dung nhắn: “Thôi, ta cố lên anh”.

Ngày 26/12/2018, Cường cùng toàn thể hơn 200 nhân viên từ 5 thành phố phía Bắc về Hà Nội dự Lễ kỷ niệm trọng thể 20 năm Công ty Cổ phần Tiền Phong. Trong bữa liên hoan chen lẫn văn nghệ rất vui sau lễ, Cường lúc này tóc tai nghiêm chỉnh, áo trắng, quần sẫm, đến bên tôi hứa: “Cháu sẽ cố gắng phấn đấu sửa mình để đúng là nhân viên của công ty”. Không ai trong cuộc vui biết chi tiết đó.

Năm 2019 này, Cường tròn 18 tuổi. Đang viết dở bài này, tôi bấm máy cho Cường hỏi: “Mày đi học lấy bằng xe máy chưa con?” Cường đáp: “Cháu chuẩn bị bác ạ”.

2.  Sau khi bàn với Dung đưa một số nhóm thí sinh đi làm dự án nhân ái ở các trung tâm thương binh, tôi rất lo là các thí sinh và ê kíp thực hiện trẻ người non dạ sẽ không hiểu, không cảm được ý nghĩa của công việc nên sáng ngày 23/7/2018, nghĩa là ngay sáng hôm sau đêm chung khảo xác định 25 thí sinh khu vực phía Bắc lọt vào chung kết, tôi cho tập hợp cả 25 cô gái lại nói: “Hôm nay, chúng ta sẽ bắt tay ngay vào các dự án nhân ái. Bình thường thì ê kíp giao nhiệm vụ cho các bạn, nhưng có một dự án tôi thấy mình phải trực tiếp giao nhiệm vụ. Ai may mắn mới bắt thăm được dự án này vì nó vượt tầm một dự án nhân ái. Đây là một dự án tri ân”.

Tôi đã nói với họ về những cuộc chiến tranh dân tộc đã đi qua, về tầm cỡ của chiến thắng và kèm với nó là những mất  mát to lớn. Về các trung tâm trong đó các thương binh nặng được nhà nước và nhân dân nuôi dưỡng suốt đời. Về cuộc chiến đấu hàng ngày mà các thương binh vẫn đang phải vật lộn bất chấp chiến tranh đã lùi xa bốn năm mươi năm. Vẫn không yên tâm, sau đó tôi nói Dung gọi những người phụ trách ê kíp nhân viên thực hiện dự án đến để tiếp tục "rao giảng". Đó là hai bạn còn rất trẻ. Gặp họ xong, tôi còn lo hơn nữa.

Nhưng đến hôm ngồi trong trường quay cùng sản xuất hai tập “Vang mãi bước quân hành” về dự án này để phát lên VTV 9 tuyên truyền cho công tác đền ơn đáp nghĩa và cuộc thi Hoa hậu, tôi kinh ngạc khi thấy các thí sinh cùng ê kíp đã biết làm những việc như với Cường và mẹ; làm cho những thương binh mất gần 100% sức khoẻ cười sảng khoái, hạnh phúc cũng như rơi những giọt nước mắt xúc động chứ không phải buồn đau. Những cô gái xinh đẹp chỉ quen hát nhạc trẻ đó đã tập nhanh các bài ca thời khói lửa để hát cho thương binh nghe; gặp nhóm từ thiện đến trung tâm nấu bữa ăn tặng thương binh cũng biết xáp vô góp tay bí, tay bầu gói nem rán chả,  bày biện khay ăn rồi sau đó cả nhóm lại lặng lẽ rút ra một quán ăn gần đó để ăn bữa trưa lúc xế chiều. Họ đã dám nhìn vào và phụ giúp các y tá thay băng những vết thương đã mấy chục năm rồi vẫn còn rò chảy máu mủ. Chính họ cùng ê kíp thực hiện chứ không phải chúng tôi ở Ban tổ chức đã đưa ra đề nghị đi chăm sóc và thắp hương nến trên mộ cả chục nghìn liệt sĩ ở Nghĩa trang Việt - Lào...

Họ đã làm các thành viên Ban Tổ chức, Ban Bình luận và nhiều khán giả trong trường quay xem những đoạn clip đó rơi nước mắt.

Hôm ấy, trước rất đông người, tôi bật nói: “Tôi xin lỗi là đã không tin các bạn. Các bạn đã nghĩ ra những điều chúng tôi không nghĩ tới, đã làm được những điều chúng tôi không dám mong đợi”.

3. Không chỉ có “Vang mãi bước quân hành”, các thí sinh Vòng Chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 đã làm thêm 7 dự án khác nữa trong hành trình Người đẹp Nhân ái. Họ đã khởi công xây cầu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đã tìm ở nhiều tỉnh những cặp vợ chồng khuyết tật chưa từng nghĩ sẽ tổ chức được đám cưới, mời họ về TPHCM, trang điểm cho họ, thuê cho họ những trang phục áo cưới đúng nghĩa, tổ chức cho họ lễ cưới tập thể trang trọng mà rất nhiều người chứng kiến và xem các đoạn ghi hình không cầm được nước mắt. Họ cũng tổ chức phẫu thuật trả lại vẻ đẹp cho hàng chục em bé khuyết tật, tự họ trở thành những đứa trẻ để chơi đùa, mang lại niềm vui cho các em bé không may. Họ cũng đã lên các vùng núi non ở Hà Giang cùng người dân ở đây tu sửa hai ngôi trường. Đã cùng các chiến sĩ Biên phòng xuyên rừng, leo qua vách núi, lội sông, qua suối trên gầu máy xúc để đến với bản heo hút của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình để tổ chức buổi chiếu phim cho các em nhỏ và khởi công đào giếng nước sạch cho dân bản.

Họ cũng đã đến giao lưu với các chiến sĩ Hải quân ở Quảng Ninh để động viên, tuyên truyền cho công cuộc bảo vệ biển đảo, bảo vệ Tổ quốc. Đã nhặt rác sau bão ở bãi biển Cửa Lò để vận động bảo vệ môi trường. Và trong nắng, trong mưa, họ đã đến để quảng bá cho văn hoá, lịch sử, cho tiềm năng phát triển kinh tế du lịch của Bình Định, của Nghệ An, của Quảng Ninh, của Đà Nẵng...

Khi tôi phát biểu trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 rằng các thí sinh đã lên rừng xuống biển, nỗ lực làm rất nhiều việc có ích cho các địa phương và đất nước chúng ta thì trên mạng có những người ném đá, cười nhạo kiểu như: “Cái mẹ gì mà lên rừng, xuống biển!”.

Khi đọc những dòng đại loại như thế trên mạng xã hội, tôi cũng nghĩ theo đúng cái “khẩu khí” của họ: “Mẹ, ai mới thật là kẻ đáng bị cười đây!”

Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng ảnh 1 Trần Tiểu Vy và Cường bên người mẹ nạn nhân chiến tranh ở Trung tâm Thương binh Thanh Hoá
Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng ảnh 2 Cường (áo xanh) đang hỗ trợ một khách hàng mua sách tại Nhà sách Thanh Hoá
Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng ảnh 3 Thành viên Ban bình luận Trác Thúy Miêu cố nén cảm xúc
Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng ảnh 4 Trấn Thành hay bông đùa cũng rơi lệ
Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng ảnh 5 Giám khảo Đỗ Mỹ Linh xem các đàn em thực hiện các dự án nhân ái và lặng lẽ lau nước mắt
Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng ảnh 6 Một cặp đôi khuyết tật hạnh phúc được dự án Nhân ái làm đám cưới
Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng ảnh 7 Á hậu 1 tương lai Bùi Thu Nga cùng các thí sinh, ê kíp thực hiện và bộ đội Biên Phòng vượt núi đến với đồng bào dân tộc Quảng Bình
Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng ảnh 8 Thí sinh Hoa hậu Việt Nam dọn rác sau bão trên bãi biển Cửa Lò, Nghệ An
Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng ảnh 9 Trưởng BTC Lê Xuân Sơn và phó ban Phạm Thị Kim Dung 
đầy xúc cảm xem clip các thí sinh thực hiện dự án nhân ái    
Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng ảnh 10 Giám khảo Lê Thanh Hòa cùng các bạn trẻ trong trường quay bị các câu chuyện nhân ái hút hồn
Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng ảnh 11

Hoa hậu Việt Nam, phía khuất của vầng trăng ảnh 12

Thí sinh Hoa hậu Việt Nam cùng các thương binh và ĐVTN Nghệ An thắp nến 
và hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào

MỚI - NÓNG