Ngày Thơ Việt Nam: Sinh viên vào cuộc

Ngày Thơ Việt Nam: Sinh viên vào cuộc
TP - Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 11 diễn ra trong 3 thay vì 1 ngày như mọi năm và huy động lực lượng làm thơ trong sinh viên. Các chủ đề của Ngày Thơ tập trung vào tình yêu đất nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ.

> Ngày Thơ sẽ đậm đặc thơ biển đảo và Tổ quốc
> Văn hóa đọc cũng cần một ngày hội?

Các hoạt động liên quan đến thơ bắt đầu diễn ra từ tối 22-2, mở đầu bằng thi trình diễn thơ của 11 trường: ĐH Văn hóa, Học viện Cảnh sát, ĐH Thái Nguyên, ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Học viện Phòng không- Không quân.

Có 3 hạng mục giải thưởng sẽ được trao: Sáng tác, biểu diễn và trưng bày thơ- tạo thành các “lều” như kiểu cắm trại.

Các phần dự thi do các trường tự dàn dựng với nội dung đề cao lòng tự hào dân tộc, tình yêu đất nước. Một BGK gồm 7 thành viên: Vũ Quần Phương, Đỗ Trung Lai, Lê Thành Nghị, Nguyễn Đức Mậu, Ngô Thế Oanh, Trần Hữu Việt và trưởng ban Hữu Thỉnh sẽ chấm cuộc thi của các trường ĐH.

BGK chọn ra 1 giải Nhất (trị giá 3 triệu đồng), 2 giải Nhì và 3 giải Ba cho mỗi hạng mục. Tổng điểm sẽ quyết định vị trí của các trường ĐH trong bảng sắp hạng. Các tiết mục xuất sắc nhất sẽ được đứng chung sân khấu với các nhà thơ thành danh vào đêm Rằm tháng Giêng 24-2.

Một cuộc thi tương tự dành cho 20 CLB Thơ ở Hà Nội và địa phương khác diễn ra trong sáng và chiều 23-2. Buổi tối cùng ngày là phần thi của các trường ĐH còn lại.

Nhà thơ Trần Hữu Việt, thành viên BTC hy vọng rằng ngày thơ năm nay sẽ là hội thơ thực sự chứ không chỉ là ngày hội của các nhà thơ. “Phong trào sáng tác văn thơ trong sinh viên phát triển rất mạnh những năm trước đây nay trở nên trầm lắng.

Ngoài lý do về thời thế ra, một phần trách nhiệm thuộc về các nhà tổ chức văn học. Đây chính là dịp tốt để khởi động lại phong trào thơ văn trong giới trẻ”, Hữu Việt nói. Anh cũng hy vọng thành phần các nhà thơ sinh viên sẽ thu hút các “fan” của họ đến làm đông đảo thêm lớp công chúng của ngày thơ.

Ngày thơ Việt Nam 2013 chính thức khai mạc hồi 9h ngày 24-2. Sân thơ truyền thống với chủ đề Đất nước- Mùa xuân diễn ra tại sân Thái miếu có sự góp mặt của 17 nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Nhuận Cầm, Dương Thuấn, Hoàng Trần Cương... Đại diện BTC cũng hé lộ về những tiết mục đặc biệt của Đại đức Thích Trường Xuân - trụ trì chùa Long Đẩu hay nhà thơ Mỹ Bruce Weight.

Sân thơ trẻ diễn ra sau lễ khai mạc chính thức, khởi động bằng tiết mục nhảy techno của các em thiếu nhi của CLB Đọc sách cùng con. Tinh thần đương đại, phá cách của mọi năm sẽ nhường chỗ tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội của các công dân làm thơ.

Tiết mục chính thức mở hàng sân thơ trẻ với chủ đề Tuổi trẻ với Tổ quốc là bài hát Bay qua biển Đông gây hiệu ứng mạnh mẽ qua mạng internet của Lê Việt Khánh.

Giai điệu Bay qua biển Đông qua tiếng đàn ghi ta của chính tác giả sẽ tiếp tục vang lên trong suốt thời gian các nhà thơ trình bày tác phẩm của mình- tạo thành tổ khúc Tổ quốc.

Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Lê Tâm vừa đàn vừa hát sáng tác mới của anh về Trường Sa- bài hát anh mới viết sau chuyến đi thăm đảo.

Các nhà thơ còn có sáng kiến trưng bày phiên bản bản đồ cổ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam trong ngày thơ. Dự kiến các phiên bản cỡ nhỏ sẽ được phát cho những người đến dự hội thơ.

Nhân kỷ niệm 70 năm Văn hóa cứu quốc, BTC Ngày thơ cho trưng bày bộ sưu tập các hiện vật có liên quan sưu tầm được từ nhiều địa phương. 19 tượng lớn của các tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh cũng được trưng bày cho khách thơ chiêm ngưỡng. Cũng như các năm trước, ngày thơ năm nay sẽ đồng loạt được tổ chức tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG