Nấm Hồng chi Đà Lạt chữa được bệnh hiểm nghèo

TP - Tác dụng trong điều trị hội chứng rối loạn Lipid máu của nấm Hồng chi Đà Lạt không thua kém so với nấm Hồng chi của Nhật Bản và Hàn Quốc trong khi giá thành lại rẻ hơn nhiều.  Hiện nấm của Đà Lạt chỉ có 200.000đồng/kg.
Nấm Hồng chi Đà Lạt

Hội đồng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng vừa nghiệm thu, đánh giá cao đề tài “Đánh giá tác dụng của nấm Hồng chi Đà Lạt trong điều trị hội chứng rối loạn Lipid máu” do BS Phạm Thị Bạch Yến triển khai nghiên cứu cùng các cộng sự tại Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Phạm Ngọc Thạch và  Đại học Y Dược Hà Nội.

Sau khi cùng các nhà khoa học y dược trong nước sang Trung Quốc tìm hiểu về những loại thuốc quý điều chế từ nấm, BS Phạm Thị Bạch Yến - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng nảy sinh ý tưởng tìm kiếm phát hiện tác dụng điều trị bệnh hiểm nghèo của một số loài nấm quý tại Đà Lạt.

Năm 2005, nấm Hồng chi Đà Lạt (Ganoderma lucidum) ở dạng cao lỏng được sử dụng thử nghiệm trên chuột và thỏ với liều lượng tăng dần. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu lâm sàng ở 80 bệnh nhân có biểu hiện của hội chứng rối loạn lipid máu tại Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.

Nhóm bệnh nhân dùng viên nấm Hồng chi Đà Lạt cho kết quả điều trị tốt là 62,5% , cao hơn 7,7% so với nhóm bệnh nhân dùng Lipanthyl  (Fenofibráte) -  biệt dược có tác dụng điều trị rối loạn lipid máu do hãng Founier của Pháp sản xuất.

100% bệnh nhân sau 40 ngày dùng viên nấm Hồng chi Đà Lạt đều không bị ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Một số bệnh nhân ở nhóm dùng viên Lypanthyl, chức năng gan và thận bị ảnh hưởng.

Kết quả phân tích thành phần hoá học của nấm Hồng chi Đà Lạt chủng DL1 cho thấy có 6 nhóm chất (Saponin, Sterol, Flavonoid, Acid amin, Polysaccarid, Alcaloid) như nấm Linh chi của Nhật Bản, trong đó Saponin và Steron có tác dụng ức chế sinh tổng hợp cholesterol máu. Về tác dụng sinh học, các nhà khoa học đã chứng minh nấm Hồng chi Đà Lạt có thể chống oxy hóa với hoạt tính khá cao.

Lưu hành rộng rãi nấm Hồng chi dạng viên

Hội chứng rối loạn lipid máu là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự hình thành và phát triển của bệnh xơ vữa động mạch, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng con người như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não…Ở Mỹ hàng năm có khoảng 1 triệu người chết về bệnh lý tim mạch, trong đó, bệnh xơ vữa động mạch gây tử vong liên quan tới 42,6%. Ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong do xơ vữa động mạch chủ yếu là tai biến mạch máu não, chiếm 85,1%,động mạch vành 14,86%... 

Theo BS Bạch Yến, để khẳng định thương hiệu nấm Hồng chi Đà Lạt chủng DL1 trên thị trường trong và ngoài nước, Sở Y tế và Sở KH&CN Lâm Đồng nên tiếp tục tạo điều kiện nghiên cứu trên lâm sàng tại các bệnh viện địa phương và trung ương với cỡ mẫu lớn hơn, ở các liều khác nhau để chọn ra một liều thuốc có hiệu quả nhất.

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học sẽ xây dựng quy trình sản xuất và đề nghị Bộ Y tế cho phép lưu hành rộng rãi nấm Hồng chi Đà Lạt dưới dạng viên.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy Đà Lạt - Lâm Đồng là nơi có số loài nấm Linh chi phong phú nhất Việt Nam (hơn 20 loài), trong đó Linh chi màu đỏ - Hồng chi (hay còn gọi là xích chi, đơn chi…) đã được phát hiện trong điều kiện tự nhiên từ những năm 1990 với ký hiệu được công nhận quốc tế là DL.

Tác dụng chữa bệnh của nấm Hồng chi Đà Lạt không thua kém so với nấm Hồng chi của Nhật Bản và Hàn Quốc trong khi giá thành lại rẻ hơn nhiều.  Hiện nấm của Đà Lạt chỉ có 200.000đồng/kg, trong khi sản phẩm của Nhật Bản và Hàn Quốc từ 1 – 1,5 triệu đồng/kg.

Đà Lạt có khí hậu, thời tiết quanh năm mát mẻ, thích hợp cho việc nuôi trồng nấm Linh chi, đặc biệt là Hồng chi. Các nhà chuyên môn cho rằng chính quyền địa phương nên tiến hành qui hoạch diện tích thích đáng tạo điều kiện phát triển nghề này.

Anh Trần Hữu Dũng - Giám đốc Cty TNHH Khôi Nguyên (Đà Lạt) – người  có thâm niên 20 năm sản xuất nấm cho chúng tôi xem những túi nấm Hồng chi với mũ nấm hình bán nguyệt, trên mặt có vân hình vòng tròn tỏa, cuống phân nhánh.

“Cuối thế kỷ XX, các nhà khoa học đã xác định rất nhiều thành phần hoá học chứng minh tác dụng dược liệu của nấm Hồng chi như tăng lực, giải độc, tăng trí nhớ, trẻ hóa các mô, chữa trị tức ngực, trị chứng đàm thấp...Nay với phát hiện mới về loài  nấm “siêu dược liệu” này, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất Hồng chi” - Anh Nguyên hào hứng nói.