10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2017

TP - Năm 2017 sắp qua, một năm có nhiều niềm vui, nhưng cũng lắm muộn phiền. Tuy nhiên, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng một sự đổi thay nhiều hơn trong năm mới… báo Tiền Phong xin giới thiệu 10 vấn đề kinh tế nổi bật năm 2017.

1, GDP tăng cao hơn dự đoán

Năm 2017 đánh dấu sự tăng trưởng bất ngờ của GDP, GDP cả năm đạt 6,81%. Trong 2 quý đầu năm, tăng trưởng GDP đều đặn và đánh dấu bước tăng trưởng bứt phá với mức 7,46% vào quý 3 năm 2017.

Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, bước tăng trưởng này đạt được nhờ vào sự tăng trưởng của ngành thủy sản, chuyển dịch cơ cầu từ cây lúa sang nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, mức tăng trưởng này cũng nhờ vào việc Tập đoàn Samsung mở rộng sản xuất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Riêng việc Samsung ra mắt sản phẩm Galaxy Note 8 đã góp phần giúp ngành công nghiệp điện tử trong quý 3 tăng trưởng tới 45%. Bên cạnh đó, việc Formosa khắc phục xong sự cố môi trường, đi vào sản xuất cũng mang lại động lực tăng trưởng khả quan cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Mức tăng trưởng GDP 6,81% đã vượt mốc kế hoạch Quốc hội đề ra trong năm 2017. 

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2017 ảnh 1 Xuất khẩu có bước tiến mạnh mẽ, lần đầu tiên kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 400 tỷ USD.

2, Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 400 tỷ USD

Ngày 19/12, Tổng cục Hải quan tổ chức lễ ghi nhận xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD. Vượt qua những khó khăn, thách thức cả chủ quan lẫn khách quan, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong hoạt động XNK. Cụ thể, bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch XNK của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. Tháng 12/2007, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch XNK đạt hơn 100 tỷ USD. Hơn 4 năm sau (2011), quy mô XNK đã tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD. Bốn năm sau đó (2015) đã lên 300 tỷ USD. Hai năm tiếp theo, tổng kim ngạch XNK đã đạt 400 tỷ USD. Như vậy, sau 10 năm gia nhập WTO, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đã tăng 4 lần.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, nhờ những kết quả trên mà thứ hạng về XNK của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) tăng lên rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của nước ta từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng từ vị trí 41 trong năm 2007 lên 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có xuất siêu trong quan hệ thương mại với các nước. Xu thế này có thể được duy trì trong năm 2018. Cộng đồng các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN FDI đã tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2017 ảnh 2

3, Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục 

2017 được đánh giá là một năm rất thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Hàng loạt dấu ấn trong điều hành được ghi nhận như thị trường lãi suất ổn định và giảm nhẹ góp phần hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; thanh khoản hệ thống dồi dào sự bơm vào - hút ra của NHNN trên thị trường luôn nhịp nhàng, cân đối; Tỷ giá VND/USD theo đó cũng có một năm “lặng sóng” với giá USD giảm tới 1,4% (mức giảm lớn nhất từ trước đến nay) đi kèm dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục cao chưa từng có (xấp xỉ 50 tỷ USD); 
Cũng trong năm 2017, kỷ luật kỷ cương lĩnh vực ngân hàng được siết chặt. Mặc dù đây cũng là năm số vụ đại án ngân hàng đưa ra xử lý nhiều “nhất”, như: Đông bị cáo nhất (Hà Văn Thắm - Ngân hàng Đại Dương và các đối tượng liên quan) chiếm nhiều thời lượng giấy mực như vụ án Phạm Công Danh-Ngân hàng Xây dựng... 2017 cũng là năm ngành ngân hàng “ghi điểm” khi thông qua Đề án tái cơ cấu ngành 2016-2020; Xây dựng hàng loạt văn bản pháp luật “rào giậu” tốt hệ thống, được Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu thực sự khơi thông dòng vốn cho các ngân hàng và nền kinh tế. Đặc biệt với việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng, NHNN kỳ vọng hoạt động ngân hàng giai đoạn tới sẽ lành mạnh hơn. 

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2017 ảnh 3

Khối FDI có đóng góp lớn cho nền kinh tế.

4, Vốn FDI cao kỷ lục

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam năm 2017 đạt kỷ lục với số vốn đăng ký gần 36 tỷ USD, tăng gần 45% so với năm 2016. Số vốn này đã tăng gần gấp đôi so với 4 năm trước (năm 2014 đạt 20 tỷ USD). Không những đạt kỷ lục về vốn thu hút, số vốn FDI cũng cao nhất từ trước tới nay với con số 17,5 tỷ USD.

Một số chuyên gia cho rằng, có thể gọi 2017 là năm được mùa các dự án tỷ USD. Hàng loạt dự án ngành sản xuất phân phối điện, công nghiệp chế biến chế tạo hút dòng vốn FDI tỷ USD về Việt Nam như DA đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) vốn đầu tư 2,79 tỷ USD; DA Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Khánh Hòa) vốn đầu tư 2,58 tỷ USD; DA nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, vốn đầu tư 2,07 tỷ USD; DA Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh. DA đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD…

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2017 ảnh 4

5, Bitcoin - làm mưa làm gió 

Nếu cách đây 4-5 năm, Bitcoin còn là từ xa lạ, cho đến năm 2017, đồng tiền ảo này đã thực sự làm mưa làm gió “khuynh đảo” thị trường thế giới và làm “náo loạn” cả một bộ phận dân Việt. Gần những ngày các thị trường chứng khoán Mỹ và sàn giao dịch Nhật chấp nhận Bitcoin đưa vào trong hợp đồng phái sinh và như một kênh giao dịch, đồng tiền số Bitcoin tăng vọt cả về vị thế và số lượng giao dịch. Mức tăng giá của đồng tiền này thậm chí lên tới cả ngàn phần trăm với giá có lúc không tưởng hơn 20.000 USD/bitcoin, nhưng cũng có thể “bổ nhào” gần một nửa chỉ sau một phiên giao dịch. 

Tại Việt Nam, cơn sốt Bitcoin lan nhanh tới các thành phố lớn. Hàng trăm người đã bỏ tiền đầu tư sắm máy đào tiền ảo. Lượng điện tiêu thụ vào đào Bitcoin trên thế giới cao. Bất chấp cơ quan quản lý đã khuyến cáo không chấp nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán, nhưng nhiều người vẫn lao vào đầu tư đồng tiền số này. Thậm chí, Đại học FPT còn tuyên bố dự kiến thu học phí bằng bitcoin. Sau này khi NHNN khẳng định thanh toán bằng bitcoin là sai luật, đơn vị này lại “đổi” sang thành sinh viên nước ngoài có thể dùng bitcoin bán lấy tiền đóng học.
Đề án về quản lý tiền ảo, tiền điện tử đã được Thủ tướng giao cho Bộ Tư pháp cùng các bộ ngành có liên quan nghiên cứu chủ trì. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện đơn vị này vẫn khá bình chân như vại chưa lên tiếng và phát ngôn bất cứ điều nào về Bitcoin để xem đây là phương tiện thanh toán hay hàng hóa. Trong lúc chờ khung pháp lý, thị trường bitcoin “lậu” vẫn làm mưa làm gió. 

6, Năm “hung-cát” lịch sử của ngành Công Thương

Năm 2017 được coi là năm lịch sử với ngành công thương khi dồn dập diễn ra nhiều vấn đề nóng. Hàng trăm thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, xuất khẩu khoáng sản, xuất khẩu than, gạo, kiểm tra chuyên ngành, dán nhãn năng lượng... vốn bị đánh giá gây khó khăn cho doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương bãi bỏ. Với số lượng hàng trăm thủ tục hành chính được bỏ bớt, Bộ Công Thương được đánh giá là một trong những bộ có nhiều cải cách nhất trong năm. Tuy nhiên, ở khía cạnh doanh nghiệp, những thay đổi này vẫn chưa giải quyết hết những “bức xúc” mà doanh nghiệp phải gánh trong nhiều năm qua khi những quy định cốt tử vẫn chưa được bãi bỏ. Việc bãi bỏ Thông tư 20 về bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người dưới 9 chỗ và Thông tư 04, sửa đổi bổ sung Thông tư 20 của Bộ Công Thương và thay vào đó là Nghị định 116 cũng được coi là “sự xung đột mạnh mẽ” về việc mở - siết cửa thị trường nhập khẩu ô tô. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa đã chính thức đóng cửa, dừng hoạt động sau quyết định siết về mặt chính sách này.

Cải cách nhân sự, sắp xếp bộ máy quản lý lãnh đạo Bộ Công Thương cũng là vấn đề gây chú ý trong năm qua khi hàng loạt quan chức “thân tín” dưới thời ông Vũ Huy Hoàng bị tân Bộ trưởng Bộ Công Thương thay thế bằng những gương mặt mới. Việc sắp xếp nhân sự kéo dài suốt năm 2017 và đến nay vẫn chưa hoàn tất. Sự kiện Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa buộc phải nghỉ hưu sớm trước hạn sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra kết luận về hàng loạt sai phạm của bà Thoa. Đặc biệt, việc kê khai tài sản và sở hữu cổ phần bất minh của các thành viên trong gia đình bà Thoa tại Cty Cổ phần bóng đèn Điện Quang.

2017 là năm đặc biệt đen tối với ngành Dầu khí khi hàng loạt cán bộ chủ tịch, tổng giám đốc, ủy viên HĐTV, cựu lãnh đạo các đơn vị con của PVN qua các thời kỳ lần lượt bị bắt. Các trường hợp bị bắt đều liên quan những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến trách nhiệm, sai phạm về quản lý tài chính, đầu tư, tham nhũng xảy ra tại PVC và các dự án đầu tư thua lỗ nghìn tỷ ngành công thương, như: Ngân hàng Oceanbank, 2 Dự án Ethanol Dung Quất, Phú Thọ, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Nhiệt điện Thái Bình 2. Việc bắt giữ xử lý sai phạm tại các dự án này đến nay vẫn chưa kết thúc.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2017 ảnh 5

Lái xe trả tiền lẻ qua trạm thu phí BOT. Ảnh: Như Ý.

7, Tiền lẻ “đốn gục” các trạm thu phí BOT

Sau “cơn lốc” triển khai BOT, khi đi vào vận hành, sức ép phí đường bắt đầu bộc lộ. Sự phản ứng bằng cách trả tiền lẻ xuất phát từ trạm thu phí cầu Bến Thủy (ranh giới giữa Nghệ An, Hà Tĩnh) vào cuối năm 2016, rồi kéo dài, lan rộng. Trạm Hạc Trì (Phú Thọ), trạm Lương Sơn (Hòa Bình), trạm QL 32 (Phú Thọ), trạm Quán Hàu (Quảng Bình)... bị phản ứng trong nhiều tháng.

Tình hình lắng xuống khi Bộ GTVT giảm phí tại nhiều trạm, nhưng sau đó lại tiếp diễn. Cao trào xảy ra từ ngày 1/8, khi chủ phương tiện trả tiền lẻ tại trạm Cai Lậy (Tiền Giang) khiến trạm này phải dừng hoạt động. Ngày 30/11, sau khi BOT này thu phí trở lại, không chỉ trả tiền lẻ, lái xe còn đòi thối lại tờ 100 đồng gây ách tắc giao thông, an ninh trật tự phức tạp. Chiều tối 4/12, Thủ tướng họp khẩn, quyết định dừng thu phí trạm này trong một tháng.

Sau BOT Cai Lậy, trạm Ninh An (Khánh Hòa), Trạm Phú Gia - Phước Tượng (Thừa Thiên-Huế), trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa (Đồng Nai) và trạm thu phí QL 5 (qua Hưng Yên) tiếp tục bị phản ứng.

Hiện tại Bộ GTVT, các bộ ngành, địa phương đang lên phương án giải quyết bài toán BOT. Hai yếu tố quan trọng nhất cần giải quyết là việc làm BOT trên đường độc đạo, đường hiện hữu và chọn nhà đầu tư không qua đấu thầu của cơn lốc BOT trước đây. Đây là những nội dung mà hiện nay Quốc hội đã không cho phép thực hiện.

8, Nóng chuyện đề xuất tăng 5 loại thuế

Năm 2017, ngành Tài chính thu hút sự chú ý của cả xã hội khi đề xuất thay đổi hàng loạt sắc thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng, trong đó đa phần là đề xuất tăng. Điển hình trong các đề xuất tăng thuế là đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% hiện hành lên 12%; loại nhiều nhóm hàng hóa đang được ưu đãi miễn, hoặc giảm thuế VAT sang nhóm chịu thuế thông thường, như nước sinh hoạt, một số nhóm thiết bị y tế, giáo dục... Cùng đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá; nâng thuế với ô tô bán tải; sửa đổi lại khung thuế thu nhập cá nhân; tăng thuế và chia thang bậc với thuế thu nhập cá nhân của người trúng thưởng. Cùng đó, năm qua, đề xuất tăng khung thuế môi trường với xăng dầu bán lẻ của Bộ Tài chính cũng tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi, dù bộ này vẫn kiên định với ý kiến phải tăng dù nhiều ý kiến phản biện không đồng thuận với đề xuất này. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất trao quyền khởi tố điều tra cho cơ quan thuế, sáp nhập bộ phận thu thuế và thu bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng khiến dư luận xôn xao, với nhiều ý kiến trái chiều. Xuyên suốt những vấn đề trên trong năm qua cơ bản vẫn là các thảo luận không đồng thuận với các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính.

9, Năm của các thương vụ thoái vốn “khủng” 

Năm 2017 ghi dấu những thương vụ thoái vốn nhà nước kỷ lục và thành công. Vào tháng 11/2017, Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC quyết định bán 3,33% vốn điều lệ tại Vinamilk. Phiên đấu giá thành công đã thu về cho Nhà nước  8.990 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền một tập đoàn của Singapore đã chi ra mua trọn gói lô đấu giá này. Ngày 18/12, hơn 343 triệu cổ phần nhà nước tại Sabeco, tương đương 53% cổ phần cũng bất ngờ  được hai nhà đầu tư mua toàn bộ, trong đó có Công ty TNHH Vietnam Beverage, đơn vị có 49% cổ phần của ThaiBev của Thái Lan. Dù còn nhiều lời bàn ra tán vào về việc hơn 50% cổ phần của hãng bia danh tiếng chiếm 50% thị phần cả nước đã bị bán vèo nhưng thương vụ cuối cùng thu về gần 110.000 tỷ đồng cho nhà nước.

Hai phiên đấu giá thành công nêu trên đã chuyển đi một thông điệp: Nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong chờ những phiên thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn trong 2018. 

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2017 ảnh 6 Siêu bão đổ bộ vào miền Trung phá tan hoang bờ biển Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 15/9. Ảnh: Hồng Vĩnh.

10, Thiên tai “cuốn trôi” hơn 60.000 tỷ đồng

Năm 2017, tiếp tục là một năm thiên tai vô cùng khốc liệt, diễn ra ở hầu khắp các vùng miền trên cả nước. Bão Tembin (bão số 16)-cơn bão dị thường khép lại năm 2017 với dấu mốc lịch sử-lần đầu tiên Việt Nam dùng tới con số 16 để ghi nhận số cơn bão trên biển Đông.

Tổn thất do thiên tai năm qua rất nặng nề, với gần 390 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD) làm đình trệ sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế của đất nước.

Xu thế thiên tai ngày càng thể hiện tính dị thường và trái quy luật. Ngoài cơn bão Tembin, 2 cơn bão (số 10 và 12) mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây đổ bộ vào các tỉnh Trung bộ. Đặc biệt bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) và mưa lũ sau bão đã làm hơn 4,3 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 123 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 1 tỷ USD.

Cùng đó, mưa lớn trái mùa tại miền Bắc làm hồ Hòa Bình lần đầu tiên phải xả cấp tập 8 cửa xả đáy trong thời gian chưa đầy 1 ngày; lũ đặc biệt lớn tại các tỉnh Trung bộ làm mực nước các sông lên cao xấp xỉ mức lịch sử; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, những trận lũ quét, sạt lở kinh hoàng ở miền núi phía Bắc… Tất những thách thức đó, Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ để thích ứng với thiên tai trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.