12 dự án nghìn tỷ thua lỗ: Ánh sáng cuối đường hầm?

Dự án nhà máy đạm Hà Bắc vẫn đang thua lỗ (mới chỉ giảm lỗ 210 tỷ so cùng kỳ)
Dự án nhà máy đạm Hà Bắc vẫn đang thua lỗ (mới chỉ giảm lỗ 210 tỷ so cùng kỳ)
TP - Cho phá sản một dự án của ngành dầu khí, giải cứu gấp 2 dự án khác của ngành hóa chất và thép; cùng đó sẽ tìm kiếm giải pháp cho một số dự án thua lỗ khác có sự chuyển dịch về mặt kinh doanh là những vấn đề mới được bộ Công thương báo cáo lên Chính phủ. 

Nhiều dự án được hỗ trợ chính sách, lãi suất 

Trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ về gỡ khó cho 12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ, Bộ Công Thương cho biết, nhiều chính sách về cơ chế, hỗ trợ lãi suất đã được các bộ ngành áp dụng đã giúp các doanh nghiệp vượt qua nhiều khó khăn.

Với lĩnh vực xăng dầu, Bộ Công Thương khẳng định các biện pháp hỗ trợ gián tiếp về chính sách và cả tài chính đã giúp các dự án thua lỗ vượt qua nhiều khó khăn.

Bộ Công Thương đã thực hiện chủ trương của Chính phủ về lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, góp phần tạo điều kiện về thị trường đầu ra cho các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, ban hành các biện pháp phòng vệ thương mại phân bón DAP/MAP nhập khẩu khi thấy có dấu hiệu tác động gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Cùng với các biện pháp về chính sách, Bộ Tài chính cũng đã xử lý giãn mức trích khấu hao từ năm 2017 - 2019 đối với 4 dự án phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), góp phần giảm áp lực về tài chính từ 180 - 310 tỷ đồng/năm cho các dự án. Cụ thể, dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng được giảm trích khấu hao các năm 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 40%, 30% và 20%. Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai được trích giảm 50%  mức khấu hao trong 3 năm 2017 - 2019.

Gánh nặng lớn nhất của ngành hóa chất là Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình được giãn trích khấu hao 30% trong năm 2017. Các năm 2018 - 2019 được giãn trích 50%, và bắt đầu phải trích bù từ sau năm 2022. Cơ quan quản lý cũng cho giãn trích khấu hao tới 60% đối với dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc trong năm năm 2017. Các năm 2018, 2019 tiếp tục được giãn trích khấu hao tới 50%.

Ngành ngân hàng, theo Bộ Công Thương, cũng chung tay hỗ trợ khá nhiều về mặt lãi suất với các dự án thua lỗ. Với dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Vietcombank đã cấp hạn mức tín dụng vốn lưu động năm 2017 ở mức tối đa 495,8 tỷ đồng. Lãi suất cho vay kỳ hạn 11 tháng của Vietcombank áp dụng với Đạm Ninh Bình chỉ 7%/năm. Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai cũng được BIDV áp dụng lãi suất cho vay 8%/năm kỳ hạn 9 tháng và sẽ tiếp tục giải ngân mới cho doanh nghiệp để đảm bảo thực hiện sản xuất kinh doanh...

Tuy vậy, trong số 12 dự án đầu tư nghìn tỷ, đến nay một số dự án, doanh nghiệp đã bị âm vốn chủ sở hữu nên gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn kinh phí để thực hiện các công việc nhằm khởi động, vận hành lại nhà máy: Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (Công ty DQS).

Phải chấp nhận cho phá sản

Về xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Có những dự án bán không được phải chấp nhận phá sản, giải thể vì nếu giữ lại những dự án không hiệu quả cũng không hề tốt cho nền kinh tế.

Theo ông Tiến, dù đã được hỗ trợ nhiều về chính sách, gỡ khó về lãi suất, thời hạn vay, thực tế12 dự án này trong thời gian tới sẽ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Với những dự án không khởi động được, không bán được phải chuyển sang hình thức khác và phải chấp nhận cho phá sản. “Nếu anh không cạnh tranh được với các thành phần kinh tế tư nhân. Hãy giải phóng nguồn lực, lùi lại để tư nhân phát triển”, ông Tiến nêu ý kiến.

Theo Bộ Công Thương: Trong số 6 nhà máy sản xuất kinh doanh thua lỗ, đến nay có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng (lợi nhuận ước đạt 146,827 tỷ đồng), Nhà máy thép Việt - Trung (lợi nhuận ước đạt 686 tỷ đồng. Có 4 dự án dù được hỗ trợ về chính sách, lãi vay cũng đã từng bước khắc phục khó khăn là Nhà máy đạm Hà Bắc (giảm lỗ 210 tỷ đồng so với cùng kỳ); Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai (lỗ 125,6 tỷ đồng, giảm lỗ 310 tỷ đồng so với cùng kỳ); Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình (lỗ 431,85 tỷ đồng) và Công ty DQS doanh thu thực hiện ước đạt 295,4 tỷ đồng, nộp Ngân sách nhà nước 4,68 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG