35.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, VCCI kiến nghị gì?

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
TPO - Đại dịch COVID-19 đã khiến 35.000 DN trên cả nước rời khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm 2020 và đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, gần 30% số DN chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc cho biết, những ngày này, đất nước ta đang giữa hai cuộc chiến: Cuộc chiến y tế với mục tiêu đẩy lùi dịch COVID-19 bảo vệ sức khỏe người dân và cuộc chiến kinh tế với mục tiêu đẩy lùi suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. 

Cả hai cuộc chiến đó đều khốc liệt. “Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu”, ông Lộc nói. Theo thống kê, trước thời điểm xảy ra dịch bệnh này, cả nước ta có gần 800.000 DN và trên 5 triệu hộ kinh doanh trong cả nước. 

 Thế nhưng, trong 3 tháng đầu năm 2020, đã có tới gần 35.000 DN rời khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN đăng ký thành lập mới. 

Khảo sát nhanh của VCCI (cuối tháng 3 đầu tháng 4/2020), tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% DN trong diện khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% khiến DN thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh… 

 Đáng lưu ý, tới 82% DN cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có tới 30% DN dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%. 

 Cũng khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số DN chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm…. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

 DN cần gì lúc này?

Theo sát của VCCI, tới 73% số DN đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Trên 60% DN đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% DN không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực, 41% DN tổ chức làm việc tại nhà. 

35.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, VCCI kiến nghị gì? ảnh 1 VCCI dự báo hàng triệu lao động có thể mất việc làm nếu tình hình dịch COVID-19 diễn biến xấu

Đến nay, chỉ khoảng 20% DN cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% DN cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động. “Đó là những ứng xử linh hoạt đầy trách nhiệm”, Chủ tịch VCCI nói.

Theo Chủ tịch VCCI, chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay, khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng trước mắt. 

 Vậy DN cần gì lúc này? Chủ tịch VCCI kiến nghị: Trừ một số ngành, lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường... Đây là cách để DN có thể tự cứu mình, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, giảm bớt gánh nặng trợ cấp của nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất eo hẹp như hiện nay.

 VCCI cũng kiến nghị, với việc cho phép chuyển lỗ cho 5 năm tiếp theo, đề nghị cho phép khấu trừ các khoản lỗ của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVDI-19 vào năm lợi nhuận của năm 2019. 

 Điều này cho phép DN chi trả nộp thuế trong vòng 2 năm 2019-2020 và giúp tránh phá sản cho những DN có lợi nhuận trong năm 2019 nhưng lại thua lỗ nhiều trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVDI-19. 

 Về chính sách tín dụng, VCCI  kiến nghị ngoài giải pháp hiện hành như tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí; DN đề nghị có mức giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau. 

 VCCI cũng kiến nghị tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020. 

 Cùng đó, kiến nghị Chính phủ trình ra Quốc hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% trước mắt cho năm 2020.

MỚI - NÓNG