8.000 công nhân ngành than phải cách ly tại nhà để phòng dịch COVID-19

Theo Bộ Công Thương, hiện có 8.000 công nhân TKV đang phải cách ly tại nhà bởi dịch COVID-19.
Theo Bộ Công Thương, hiện có 8.000 công nhân TKV đang phải cách ly tại nhà bởi dịch COVID-19.
TPO - Bộ Công Thương cho hay, tại phiên họp Thường kỳ của Chính phủ diễn ra sáng nay (ngày 2/2), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có báo cáo về việc hiện có đến 8.000 công nhân Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang phải cách ly tại nhà bởi dịch COVID-19. 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam đã có báo cáo về việc thực hiện cách ly tại nhà đối với các công nân để đề phòng dịch COVID-19. Theo đó, nếu dịch bệnh không nhanh chóng được khống chế mà tiếp tục lan rộng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người lao động và nguy cơ bị đình trệ sản xuất kinh doanh của các tập đoàn. Về lâu dài, nguy cơ này sẽ còn ảnh hưởng cả đến cả hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam.

“Bối cảnh hiện tại rất cần có sự chỉ đạo xuyên suốt thống nhất để có giải pháp phòng tránh và kiểm soát dịch bệnh, cụ thể với đặc thù của từng khu vực sản xuất. Đặc biệt là chúng ta phải huy động các doanh nghiệp tham gia sâu vào chiến dịch này với cam kết cụ thể cùng với chính quyền các cấp để đảm bảo tham gia phòng tránh dịch bệnh”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Về việc bình ổn thị trường dịp Tết, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 15 thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Bộ Công Thương cũng đã làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết. Bộ Công Thương cũng cùng các bộ, ngành làm việc với Hà Nội, TP.HCM, Yên Bái, Đà Nẵng về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Đến nay, nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hộ gia đình bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn Châu Phi, tuy nhiên các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán.

“Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định. Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm. Nhu cầu tiêu dùng thị trường cũng đã có xu hướng tăng từ 10-15% so với các tháng thường trong năm”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.

MỚI - NÓNG