ACV lấy đâu hơn 4 tỷ USD để làm sân bay Long Thành?

Mô hình thiết kế sân bay Long Thành được lựa chọn theo hình hoa sen cách điệu.
Mô hình thiết kế sân bay Long Thành được lựa chọn theo hình hoa sen cách điệu.
TPO - Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội giao cho Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Qua các phân tích tài chính, dù số vốn cho giai đoạn 1 của dự án này lên tới hơn 4 tỷ USD, ACV vẫn tự tin có thể thực hiện từ nguồn tài chính của mình, mà không dùng tới ngân sách nhà nước.

Theo Báo cáo Tiền khả thi Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn 1 cần tổng cộng hơn 4,7 tỷ USD. Chính phủ đưa ra 3 phương án về nguồn vốn đầu tư, là sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ; hoặc đấu thầu tìm nhà đầu tư; hoặc giao ACV đầu tư, khai thác bằng vốn doanh nghiệp. Sau khi phân tích các yếu tố về tài chính, sự điều hành của nhà nước, an ninh – quốc phòng, Chính phủ đề xuất Quốc hội chọn phương án giao ACV thực hiện, ACV tự thu xếp vốn, không sử dụng tiền ngân sách.

Theo phương án huy động vốn đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1, với 3 trên 4 hạng được đề xuất giao ACV đầu tư khai thác có tổng vốn cần huy động hơn 4,19 tỷ USD. Riên hạng mục kiểm soát không lưu được giao Tổng Cty Quản lý bay thực hiện.

Với ACV, dự kiến hết năm 2019, doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ hơn 95% cổ phần này có lượng tiền mặt tích lũy hơn 25.200 tỷ đồng; giai đoạn 2019 - 2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy thêm 12.339 tỷ đồng. Như vậy, ACV có vốn chủ sở hữu hơn 36.600 tỷ đồng (tương đương hơn 1,56 tỷ USD), chiếm 37% tổng vốn đầu tư cho 3 hạng mục sân bay Long Thành. 

Số còn lại khoảng 2,62 tỷ USD, ACV phải đi vay. Được biết, ACV đã làm việc với một số tổ chức tín dụng trong và ngoài nước và đã có 12 tổ chức tín dụng ký biên bản ghi nhớ thu xếp cho ACV khoản vốn khoảng 5 tỷ USD với lãi khoảng 5 - 5,5%/năm, thời hạn vay 15 năm.

Về kết quả kinh doanh dự kiến của sân bay Long Thành, Bộ GTVT đánh giá, dự án sẽ có lợi nhuận ngay từ năm đầu tiên đưa vào khai thác (năm 2026). Nên có thể thu hồi vốn đầu tư sau 12 năm 10 tháng khai thác.

Theo đó, năm đầu tiên (2026), sân bay Long Thành có thể đạt doanh thu hơn 47.400 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại sau khi trừ chi phí, cổ tức, vốn vay là hơn 116 tỷ đồng. Tính chung 5 năm đầu sân bay này đưa vào khai thác (2026 – 2030) tổng doanh thu có thể đạt hơn 297.300 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại sau khi trừ các khoản chi phí, trả nợ của ACV khoảng 43.891 tỷ đồng. 

Với khoản lợi nhuận này, ACV tiếp tục đủ nguồn lực để đầu tư giai đoạn 2 sân bay Long Thành, và nâng cấp mở rộng các sân bay khác.

Với giai đoạn 3, đầu tư mở rộng sân bay Long Thành đạt công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, dự kiến thực hiện từ năm 2038 - 2043. Với nhu cầu vốn tương đương hơn 7,4 tỷ USD.

Bộ GTVT tính toán, với tốc độ tăng trưởng và khả năng tích lũy dòng tiền khi giao cho ACV đầu tư, ACV vẫn tiếp tục tích lũy được khoảng 30.000 tỷ đồng/năm. Do đó, ACV đủ năng lực tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 sân bay Long Thành, thậm chí đủ cân đối vốn, ít phải dùng vốn vay.

“Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn từ 21 cảng hàng không cả nước để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay quốc tế. Do đó, việc ACV đầu tư, khai thác sân bay Long Thành sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án, không làm tăng nợ công”, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá.

Giai đoạn 1 sân bay Long Thành (Long Thành, Đồng Nai) có tổng mức đầu tư trên 111.600 tỷ đồng (tương đương hơn 4,7 tỷ USD). Với phương án vốn được kiến nghị là sử dụng vốn của doanh nghiệp và các loại vốn hợp pháp khác. Giai đoạn thực hiện xây dựng từ năm 2020-2025. Với quy mô xây dựng gồm 1 đường cất/hạ cánh, 1 nhà ga công suất 25 triệu hành khách/năm, và 1 nhà ga hàng hoá công suất 1,2 triệu tấn/năm.

MỚI - NÓNG