Ai sẽ rời 'ghế nóng' chủ tịch nhà băng?

TP - Những ngày cuối năm, giới chủ ngân hàng đang phải đau đầu, cân não khi buộc phải đứng trước lựa chọn sẽ ở lại hay rời khỏi vị trí của doanh nghiệp mình đã dày công gây dựng và sang hẳn vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị nhà băng nơi họ đang ngồi ghế nóng.

Sự lựa chọn khó khăn?

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, Chủ tịch các ngân hàng thương mại không được kiêm nhiệm vị trí tương tự tại các doanh nghiệp khác. Cũng vì vậy, một loạt các ông bà chủ ngân hàng sẽ phải đau đầu lựa chọn giữa việc ở lại làm chủ tịch và bỏ vị trí đứng đầu các doanh nghiệp khác. Hoặc phải lùi xuống một vị trí - Phó chủ tịch ngân hàng.

Đến thời điểm này, ông Đỗ Minh Phú, đã chính thức lên tiếng cho biết ông sẽ quyết định lựa chọn tiếp tục làm Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) và thôi vị trí này tại Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI.

Ai sẽ rời 'ghế nóng' chủ tịch nhà băng? ảnh 1 Các chủ ngân hàng phải lựa chọn “ghế nóng” chủ tịch nhà băng hay DN?

Lý giải về quyết định này, ông Phú chia sẻ: DOJI dù sao đã có một quá trình chuẩn bị đủ dài. “Chúng tôi đã có những thế hệ kế cận có thể đảm đương việc đó. Thách thức còn, khó khăn còn nhưng những người cộng sự đã làm với tôi cả thời gian qua ở DOJI có thể làm được”, ông nói. Còn với TPBank, ông Phú thừa nhận sau 5 năm đảm nhận TPBank (1 trong 9 NHTM phải tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015), bản thân ông đã được trải nghiệm nhiều thách thức nhất và ông vẫn còn nhiều việc phải làm với ngân hàng trong giai đoạn tới. 

Chỉ một ngày trước đó, tại buổi lễ kỷ niệm 26 năm thành lập của Ngân hàng TMCP Sacombank, ông Dương Công Minh, chủ tịch nhà băng cũng bất ngờ quyết định sẽ không ở lại vị trí Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Him Lam mà thay vào đó, sẽ gắn bó với “ghế nóng” chủ tịch Sacombank. Ai cũng biết về mặt bản chất, ông Minh đang được xem như người thuyền trưởng đủ năng lực để chèo lái con thuyền nhiều nợ xấu Sacombank lúc này. Nhưng đồng thời, so với những người đồng nhiệm, ông Minh còn có hơn hẳn một lợi thế đó còn ít nhất hơn 3 năm ở cả hai ghế khi nhiệm kỳ mới của Đại hội cổ đông Sacombank được kết thúc  năm 2021.

Một chủ tịch nhà băng nhỏ nữa vừa lên tiếng. Theo đó, bà Thái Hương, Tổng giám đốc của Ngân hàng Bắc Á, cũng vừa quyết định không đứng tên tại TH để làm CEO của BacABank - một ngân hàng nhỏ trong hệ thống và vừa mới lên sàn UpCOM trong ngày 28/12/2017.

Với giới tài chính, ngân hàng Việt Nam, bà Lê Thị Băng Tâm quen thuộc ở vị trí Thứ trưởng Bộ Tài chính nhiều năm trước. Sau nghỉ hưu, bà Tâm được biết đến ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị HDBank, đồng thời là Chủ tịch Vinamilk. Dù bà Lê Thị Băng Tâm hiện khá kín tiếng nhưng muốn hay không, chắc chắn bà sẽ phải lựa chọn và quyết định vị trí hiện nay tại HDBank và Vinamilk.

Còn nhiều cái tên chưa công bố lựa chọn

Việc ra đi hay ở lại của các vị sếp ngân hàng, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, sẽ có khá nhiều tác động đến hoạt động của ngân hàng, do đó việc các doanh nhân này lựa chọn ngân hàng thay vì doanh nghiệp là điều dễ hiểu.

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo NHNN khẳng định chắc chắn quy định này sẽ được thực hiện nghiêm túc và chuẩn chỉ. “Các vị ấy chỉ có cách phải lựa chọn, nhưng tôi nghĩ phần lớn trong số họ sẽ chọn ngân hàng”. Theo ông, so với các lĩnh vực khác, ngân hàng luôn bị kiểm soát bởi các quy định ngặt nghèo cho nên nếu không ở vị trí đứng đầu sẽ rất khó có thể tham gia vào các quyết định quan trọng được. “Nếu họ lựa chọn ghế phó chủ tịch, quyền lực sẽ bị phân tán không thể như xưa muốn làm gì cũng được. Đây cũng là một trong những điều Ngân hàng Nhà nước muốn hướng tới khi xây dựng luật các tổ chức tín dụng”, vị này
khẳng định.

Dù luật có hiệu lực từ đầu năm 2018 nhưng các doanh nhân vẫn được phép kiêm nhiệm tới hết nhiệm kỳ. Theo kế hoạch, ông Đỗ Minh Phú sẽ thôi làm chủ tịch DOJI sau Đại hội cổ đông của TPBank vào tháng 4/2018. Đến giờ này vẫn còn rất nhiều cái tên chưa công bố lựa chọn ở thời điểm này, như ông Vũ Văn Tiền của ABBank, ông Đặng Khắc Vỹ chủ tịch VIB, bà Nguyễn Thị Nga chủ tịch SeABank… Điểm chung giữa họ đều là cổ đông sở hữu lượng lớn cổ phiếu ở ngân hàng.

“Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và mục tiêu quan trọng sống còn của ngân hàng đó là phải làm ra lợi nhuận. Nhưng có những điểm khác nhau ví như ngân hàng kinh doanh bằng niềm tin trong khi DN kinh doanh bằng sản phẩm, ngân hàng có cấp trên là Ngân hàng Nhà nước còn DN không có cấp trên”. 

 Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Ngân hàng TMCP TPBank 

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.