Bộ Giao thông công bố hủy chào thầu quốc tế một số đoạn cao tốc Bắc - Nam

Một số đoạn cao tốc Bắc Nam chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước.
Một số đoạn cao tốc Bắc Nam chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước.
TPO - Chiều 24/9, Bộ GTVT đã chính thức công bố huỷ chào thầu quốc tế tìm nhà đầu tư cho một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo hình thức BOT, thay vào đó sẽ thực hiện đấu thầu tìm nhà đầu tư trong nước.

Bộ GTVT cho rằng, với 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, bộ đã nhận được 60 hồ sơ tham gia dự thầu từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, qua đánh giá hồ sơ sơ tuyển, có 4/8 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có 2 nhà đầu tư, và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. "Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao", Bộ GTVT cho biết.

Do đó, Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 08 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. 

Hiện, Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai dự án. Mọi thông tin về các bước thực hiện tiếp theo sẽ được Bộ GTVT kịp thời cung cấp tới các cơ quan thông tấn báo chí và toàn thể nhân dân được biết, giám sát.

Quyết định này được đưa ra sau khi cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước, nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển, các vấn đề an ninh, quốc phòng.

Cho ý kiến trước quyết định trên của Bộ GTVT, các chuyên gia và nhà đầu tư đều ủng hộ. “Dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua khu vực quan trọng, là một trong những trục đường xương sống của đất nước, do đó việc cẩn trọng trong kêu gọi đầu tư là cần thiết.

Với việc ưu tiên cho các nhà thầu trong nước, dù ít nhà đầu tư có thể đáp ứng được các điều kiện về năng lực, vốn nhưng vẫn khả thi. Các nhà đầu tư có thể liên kết lại cùng thực hiện, nhà nước có thể phân kỳ đầu tư theo từng đoạn, ưu tiên các đoạn cần thiết trước. Làm như vậy các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được”, chuyên gia giao thông – TS Nguyễn Xuân Thuỷ chia sẻ.

Theo ông Thuỷ, cũng qua dự án này giúp nhà đầu tư trong nước lớn mạnh, từ đó không chỉ xây dựng trong nước, còn hướng tới vươn ra thực hiện các dự án ở nước ngoài.

Tháng 7 vừa qua, sau khi mở hồ sơ sơ tuyển quốc tế tìm nhà đầu tư cho 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo hình thức đối tác công – tư (hợp đồng BOT), đã có 60 nhà đầu tư và liên danh tham gia nộp hồ sơ. Trong đó, đa số là các nhà đầu tư nước ngoài tới từ Trung Quốc, một số nhà đầu tư tới từ Hàn Quốc, Pháp, Philippines… Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước chỉ xuất hiện rất ít, hoặc dưới dạng liên danh với nhà đầu tư nước ngoài.

Với các đoạn đầu tư BOT, nhà đầu tư được thu phí để thu hồi vốn, mức phí khởi điểm là 1.500 đồng/km/xe dười 12 chỗ ngồi, và tăng dần tới 3.400 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi. Mỗi kỳ 3 năm nhà đầu tư được tăng phí 1 lần.

Theo Bộ GTVT, cao tốc Bắc – Nam dài 2.109 km, kéo dài từ Lạng Sơn tới Cà Mau, hiện đã khai thác và đang xây dựng 1 số đoạn dài 601 km.

Giai đoạn 2017-2021 tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 11 đoạn, tổng mức đầu tư khoảng 118.700 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng 55.000 tỷ đồng. Trong đó có 3 đoạn đầu tư công: Cao Bồ - Mai Sơn, dài 15km, tổng vốn đầu tư 1.607 tỷ đồng; Cam Lộ - La Sơn, dài 98km, tổng vốn đầu tư hơn 7.669 tỷ đồng; và cầu Mỹ Thuận 2 dài 7km, tổng vốn đầu tư hơn 5.003 tỷ đồng.

8 đoạn kêu gọi đầu tư tư nhân theo hình thức BOT (trước đó đã mở hồ sơ sơ tuyển tìm nhà đầu tư quốc tế), với số vốn nhà đầu tư phải thu xếp khoảng 63.716 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng, gồm: 

Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (qua Ninh Bình - Thanh Hóa), dài 63km, tổng mức đầu tư khoảng 12.900 tỷ đồng.

Đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa), dài 43 km, tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng.

Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa - Nghệ An), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng.

Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 13.300 tỷ đồng.

Đoạn Nha Trang - Cam Lâm, dài 50km, tổng vốn đầu tư hơn 7.615 tỷ đồng, trong đố vốn nhà nước hỗ trợ hơn 5.058 tỷ đồng.

Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dài 79km, tổng vốn đầu tư hơn 13.687 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 9.311 tỷ đồng.

Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), dài 101 km, tổng vốn đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng.

Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, dài 99km, tổng vốn đầu tư hơn 14.359 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ tợ hơn 2.480 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG