Bộ GTVT lưỡng lự, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cùng quẫn

Bộ GTVT lưỡng lự, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cùng quẫn
Việc cơ quan có thẩm quyền chưa đưa ra thời gian chính thức cho phép triển khai thu phí theo phương án giảm giá đã thông qua khiến nhà đầu tư tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) đứng trước nguy cơ vỡ nợ khi mỗi tháng phải trả lãi gần 20 tỷ đồng.

Dự án tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) được liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 5/2017. Dự án dài 65km, gồm hai hợp phần: Xây mới 40km QL3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) theo tiêu chuẩn tiền cao tốc và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 đảm bảo quy mô tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.713 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Thanh, GĐ Công ty BOT Thái Nguyên – Chợ Mới cho biết, theo hợp đồng BOT, để phương án tài chính đảm bảo khả thi, dự án được đặt hai trạm thu phí hoàn vốn, một trạm đặt trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Km 72+930) và một trạm đặt trên QL3 tại Km 77+922 (khu vực Bờ Đậu, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). “Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả đầu tư rõ rệt. Theo tính toán, sau khi thu phí trên QL3, tỷ lệ các phương tiện di chuyển trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới sẽ đạt khoảng 40%, lưu lượng trên QL3 giảm còn khoảng 60%, góp phần phân lưu lưu lượng hợp lý, giảm thiểu việc tập trung phương tiện lưu thông trên QL3”, ông Thanh nói.

Hiện nay, do một số bất cập, việc thu phí mới được thực hiện tại tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), chưa thu phí trên QL3 nên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) đã đưa vào khai thác nhưng các phương tiện vẫn lưu thông chủ yếu trên QL3 (chiếm khoảng 85%) để tránh mất phí. “Theo phương án tài chính, năm 2019, hai trạm BOT có thể thu được 600 triệu/ngày, nhưng hiện tại, trạm Thái Nguyên - Chợ Mới mới thu được khoảng 60 triệu/ngày. Nếu trạm QL3 được thu phí thì thêm khoảng 200 triệu/ngày nữa, tức là khoản thu chỉ bằng gần 50% so với phương án tài chính, dẫn đến dự án bị phá sản”, ông Thanh nói thêm.

Trước những bất cập tại trạm thu phí QL3, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên, các bộ, cơ quan liên quan và nhà đầu tư khẩn trương thống nhất phương án miễn giảm phí để hoàn vốn cho dự án, tránh lãng phí và phát sinh tăng chi phí đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, thời gian qua, trên cơ sở thống nhất phương án giảm giá giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và nhà đầu tư, Tổng cục ĐBVN đã báo cáo Bộ GTVT phương án miễn, giảm phí của dự án. Bộ GTVT đã chấp thuận phương án miễn giảm theo đề xuất của tỉnh Thái Nguyên. Theo phương án đã công bố, đây là dự án có mức và khu vực miễn/giảm phí vào loại lớn nhất trong các dự án BOT trên toàn quốc.

Bộ GTVT lưỡng lự, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cùng quẫn ảnh 1

Dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới đang rơi vào nguy cơ vỡ nợ  

 “Đến nay, Tổng cục đường bộ VN đã trình Bộ GTVT dự thảo phụ lục hợp đồng dự án, cập nhật phương án tài chính, tính toán thời gian thu phí của dự án là 25 năm 3 tháng (tăng 9 năm 2 tháng so với hợp đồng đã ký là 16 năm 1 tháng). Trong đó, các cơ quan liên quan đã thống nhất phân vùng miễn giảm (gồm 101 phường, xã, thị trấn thuộc các huyện Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ và TP. Thái Nguyên) với mức giảm 50% - 70% - 100% tùy vị trí, loại phương tiện, loại hình vé (vé quý, vé tháng)”, ông Huyện cho hay.

Giữa tháng 8 vừa qua, Bộ GTVT vừa phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp về kế hoạch tuyên truyền và phương án triển khai thu phí tại trạm thu phí QL3. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa chốt thời gian chính thức cho nhà đầu tư tiến hành thống kê cấp thẻ miễn giảm để tiến hành thu phí, khiến nhà đầu tư đứng trước nguy cơ vỡ nợ khi mỗi tháng phải trả gần 20 tỷ đồng.

Theo đại diện nhà đầu tư, trong khi chưa có doanh thu để hoàn vốn cho dự án, doanh nghiệp dự án vẫn phải tổ chức các hoạt động khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường, trả lãi vay, nợ gốc, trả lương cho bộ máy quản lý, cho người lao động. Trong hơn một năm qua, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã phải vay mượn bằng nhiều nguồn kinh phí để trả lãi vay, trả nợ gốc cho ngân hàng. Tiền lương của cán bộ công nhân viên thực hiện dự án chưa có. Các khoản chi phí và duy trì hoạt động của doanh nghiệp dự án, chi phí duy tu bảo trì cho hoạt động dự án là 540 tỷ đồng.

Dù các dự án BOT thời gian qua nhiều bất cập, gây bức xúc cho nhân dân nhưng sự chậm trễ, quan điểm thiếu kiên quyết của Bộ GTVT cũng khiến nhiều chủ đầu tư buộc phải kêu cứu vượt cấp. Cách đây gần tròn một năm, công ty CP Đầu tư Đèo Cả - chủ đầu tư hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông và dự án nâng cấp hầm Hải Vân 1 kết hợp xây mới hầm Hải Vân 2, vừa có kiến nghị Bộ GTVT thực hiện đúng cam kết đã ký với nhà đầu tư, nếu không sẽ báo cáo Thủ tướng trả lại các dự án.

Ngay sau đó, Công ty BOT Thái Nguyên – Chợ Mới cũng có công văn gửi Chủ tịch Quốc hội đề nghị hỗ trợ. "Để dự án không bị phá sản, vì lợi ích của hơn 800 cổ đông và đời sống của hơn 6500 cán bộ, nhân viên, người lao động cùng gia đình nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đại diện tập thể các cử tri là cổ đông và cán bộ công nhân viên người lao động, kính đề nghị Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam xem xét chỉ đạo các cơ quan ban ngành có liên quan giải quyết để dự án được hoàn vốn theo đúng cam kết của Hợp đồng mà nhà nước đã ký kết với nhà đầu tư" - văn bản cách đây một năm nêu.

Báo cáo Tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 ban hành ngành 8/8/2019 phần về thực hiện Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 (Về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) nêu: Kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm chưa được tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chưa làm rõ tình hình thực hiện các kết luận của các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước; chưa làm rõ tình hình thực hiện của các dự án do địa phương quản lý; chưa ban hành quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, mức vốn chủ sở hữu. Việc sửa đổi quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng vẫn còn chậm. Việc quyết toán các dự án đã hoàn thành vẫn còn một số vướng mắc; những bất cập tại một số trạm thu phí BOT vẫn chưa được xử lý dứt điểm; việc thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí vẫn còn tồn tại; việc triển khai thu phí tự động không dừng trên tất cả các trạm còn chậm; tình trạng mất an toàn, an ninh, trật tự tại một số địa phương có dự án đi qua vẫn diễn ra. Một số các công trình giao thông BOT chất lượng còn thấp, chưa được bảo trì, sửa chữa kịp thời khi xuống cấp.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.