Dự thảo quy định mới kinh doanh vận tải ô tô

Bỏ qua quyền lợi người tiêu dùng?

 Quản lý vận tải ô tô khách luôn là thách thức với cơ quan chức năng. Ảnh: Thanh Hà.
Quản lý vận tải ô tô khách luôn là thách thức với cơ quan chức năng. Ảnh: Thanh Hà.
TP - Bộ GTVT vừa công bố dự thảo văn bản thay thế Nghị định 86/2014 và Thông tư liên tịch 152/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dự thảo chưa quan tâm đến lợi ích người tiêu dùng, chỉ đứng góc độ người quản lý, siết chặt các quy định.

Tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh vận tải ô tô vấn đề và kiến nghị” do Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 23/1, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 và thông tư liên tịch 152/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô (gọi tắt là dự thảo) có một vài điểm mới. Theo bà, dự thảo đã bỏ hoặc sửa một số quy định về quy mô, số lượng xe tối thiểu; sửa quy định về người điều hành vận tải; bỏ một số thành phần trong hồ sơ cấp phép theo hướng cải cách thủ tục hành chính; bỏ quy định về cơ quan quản lý tuyến đường… Tuy nhiên, “tờ trình ít đề cập đến những bất cập, trở ngại đối với doanh nghiệp (DN) và người dân, đặc biệt là đối với người dân. Nếu việc xây dựng chính sách không thiết kế trên nền tảng phục vụ người tiêu dùng thì chúng ta mãi mãi lẽo đẽo theo các nước khác”, bà Lan nói.

“Tờ trình ít đề cập đến những bất cập, trở ngại đối với doanh nghiệp (DN) và người dân, đặc biệt là đối với người dân. Nếu việc xây dựng chính sách không thiết kế trên nền tảng phục vụ người tiêu dùng thì chúng ta mãi mãi lẽo đẽo theo các nước khác”. 

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo bà Phạm Chi Lan, dự thảo còn bổ sung thêm một số quy định đối với các đối tượng kinh doanh như cho phép áp dụng chính thức hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, ngay tại các quy định mới xuất hiện hàng loạt bất cập, theo cách cấm đoán, hoặc hạn chế quyền kinh doanh của một số loại hình DN.  Dự thảo phân biệt đối xử các loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử, các hộ kinh doanh vận tải… Trong khi đó, cơ quan soạn thảo lại “bảo hộ” cho một số loại hình khác như hợp tác xã kinh doanh vận tải.

“Điều này vừa phản cạnh tranh, vừa đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Mặt khác, cấm đoán hoặc hạn chế sử dụng các công cụ điện tử cũng đi ngược chủ trương của nhà nước về khuyến khích ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ", bà Lan nói.

Vị chuyên gia kinh tế này dẫn ra việc quy định thuê xe của DN được nêu trong dự thảo. “Quy định mới này đã đẩy rủi ro cho DN vận tải và động chạm đến quyền sở hữu. Máy bay còn có thể thuê để kinh doanh vận tải sao lại cấm đoán thuê ô tô chở khách? Tôi đã chờ đợi hơn 2 năm kể từ khi loại hình vận tải Grab, Uber vào Việt Nam để cơ quan quản lý đưa ra khuôn khổ quy định pháp luật nhằm quản lý. Nhưng nghị định này vẫn chưa nhắc gì đến 2 loại hình mới này”, bà Lan nói.

Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quy định mới chưa bật lên tư tưởng kiến tạo, thể hiện việc siết chặt quy định, chứ chưa xoá bỏ rào cản cho DN.

“Nghị định mới chỉ quan tâm đến lĩnh vực quản lý nhà nước về vận tải, chưa quan tâm người tiêu dùng sẽ chịu tác động như thế nào, chưa định hướng được sự phát triển trong tương lai của ngành vận tải. Điều này thể hiện qua việc dự thảo nghị định mới chưa nhắc đến điều kiện về Grab, Uber…”, vị đại diện hiệp hội nói.

Quy định trói buộc DN?

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng cho rằng, dự thảo nghị định cần thay đổi một số nội dung cho phù hợp. Như Điều 9 về giấy vận tải quy định “đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe phải cấp và sử dụng giấy vận tải khi vận chuyển hàng hóa”. Quy định này theo ông Tiến là không cần thiết vì tất cả hàng hóa lưu thông trên đường đều phải có một hoặc nhiều loại giấy tờ để chứng minh tính hợp pháp và là trách nhiệm giữa người thuê vận chuyển và người vận chuyển. Mặt khác, trong thực tiễn hoạt động vận tải, hàng hóa, xe và lái xe  không về trụ sở DN, thậm chí không về nơi đỗ xe tập trung của DN trong thời gian xe đang khai thác. DN của ông Tiến ở Hải Phòng nhưng xe hoạt động tuyến đường Quảng Ninh – Hà Nội – Thanh Hoá….cả tuần mới về trụ sở thì việc cấp giấy vận tải cho từng chuyến hàng là không phù hợp.

“Quy định này làm tăng chi phí cho DN và không có ý nghĩa thực tiễn vì DN thường đối phó bằng việc ký khống nhiều giấy vận tải cho lái xe sử dụng. Ý nghĩa của quy định này trong thời gian qua chỉ là việc lái xe và DN vận tải bị phạt nên đề nghị bỏ quy định này”, ông Tiến nói.

Ông Tiến lấy thêm ví dụ về Điều 12 điều kiện chung vận tải bằng xe ô tôquy định việc tập huấn đối với  người trực tiếp điều hành vận tải của DN và hợp tác xã”. Điều này gây ra sự thiếu công bằng giữa các thành phần kinh tế, như vậy các hộ kinh doanh cá thể, tư nhân có được tập huấn không? DN phải trang bị cho lái xe thẻ nhận dạng lái xe (theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình cua xe ô tô) sẽ gây khó cho DN. Bởi lái xe thường xuyên thay đổi đơn vị làm việc, khó có lái xe nào gắn bó với DN đến 5 năm.

Đại diện đơn vị soạn thảo là Bộ GTVT có mặt tại hội thảo và cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đơn vị liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định mới.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.