Cách nào tháo 'ngòi nổ' lạm phát 2020?

Giá thịt lợn vẫn còn rất cao. Ảnh: PV
Giá thịt lợn vẫn còn rất cao. Ảnh: PV
TP - Theo báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế vừa được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố, kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn xuất phát từ nguyên nhân phi kinh tế.

“Ngòi nổ” giá thị lợn

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 1/2020 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguyên nhân khiến CPI tăng do nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn tăng cao, liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, tháng sau cao hơn tháng trước. Bình quân quý 1/2020, giá thị lợn tăng 58,8% so với cùng kỳ 2019; góp 2,47% trong mức lạm phát 5,6% của quý I/2020. Giá thịt lợn được ví như “ngòi nổ” lạm phát năm 2020.

Có thời điểm, giá thịt lợn hơi lên tới 90.000 đồng/kg. Trước tình trạng này, Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu các doanh nghiệp tính toán đưa giá lợn hơi xuống dưới 60.000 đồng/kg, tuy nhiên đến nay giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao. Tính riêng trong tháng 3/2020, giá bình quân thịt lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc 82.000 đồng/kg, miền Trung 78.000 đồng/kg và miền Nam ở mức 75.000 đồng/kg.

“Việc hạ nhiệt giá thịt lợn sẽ góp phần kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng CPI. Bên cạnh đó, giải pháp tái đàn rất quan trọng trong việc cung ứng thực phẩm cho người dân và đặc biệt là kiểm soát lạm phát”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết.

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (Tổng cục Thống kê) thông tin, trong những tháng tới, vẫn sẽ diễn ra sự chênh lệch cung cầu và khả năng sẽ thiếu hụt khoảng 100.000 tấn thịt lợn. Trong quý 2 và quý 3 sẽ còn thiếu khoảng 30.000 tấn.

“Việc hạ nhiệt thịt lợn sẽ góp phần kiểm soát tốt CPI. Bên cạnh đó, giải pháp tái đàn cũng rất quan trọng trong việc cung ứng thực phẩm cho người dân và đặc biệt là việc kiểm soát lạm phát”. 


Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

“Nếu chúng ta không nhập khẩu đủ thịt lợn để bù đắp phần thiếu hụt trong nước sẽ ảnh hưởng tới giá thị trường. Do đó, việc nhập khẩu quan trọng trong giai đoạn hiện nay, theo phân tích của chúng tôi, giá thịt lợn hơi có thể bắt đầu giảm xuống từ cuối tháng 6/2020 và tới hết quý 3/2020 mới có thể về mức 60.000 đồng/kg”, ông Hiếu dự báo.

Bộ NN&PTNT liên tục khuyến nghị doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá lợn hơi bình quân từ 75.000 đồng/kg xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Lộ trình đến cuối quý II, đầu quý III/2020 sẽ đưa xuống mức 65.000 đồng/kg, rồi 60.000 đồng/kg.

Trong các cuộc họp với cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp lớn như: CP Việt Nam, Dabaco, Masan, Green Feed, Mavin… đã tuân thủ theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng và Bộ NN&PTNT một cách nghiêm túc, bán giá lợn xuất chuồng chỉ ở 72.000 đồng đến 75.000 đồng/kg lợn hơi. Vẫn còn, một số doanh nghiệp chưa phối hợp thực hiện việc giảm giá.

Tuy nhiên, ngày 3/4, khảo sát của Tiền Phong, sau ba ngày thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội,  giá bán thịt lợn tại các chợ truyền thống ở Hà Nội, không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng nhẹ. từ 145.000 đến 175.000 đồng/kg, tùy từng loại.

Ổn định vĩ mô quan trọng hàng đầu

Lạm phát từng nhiều lần ‘bùng nổ” với mức tăng trên 2 con số. Điển hình như lạm phát năm 2008 tăng 23%; gấp khoảng 3 lần mức tăng GDP; năm 2010 ở mức 11,75%, gấp gần 2 lần mức tăng GDP. Lạm phát năm 2011 ở mức 18,58%, do giá thực phẩm, lương thực tăng mạnh. Nguyên nhân là những năm đó (2008 - 2010) tín dụng được “bơm” mạnh vào nền kinh tế (năm 2009 tín dụng tăng 37,7%). Sau này, Chính phủ luôn kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, giảm áp lực cung tiền vào hệ thống.

Còn trong lần tiềm ẩn "bom" lạm phát này, nguyên nhân chính đến từ giá hàng hóa. Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) chỉ ra: Lạm phát cuối năm 2020 sẽ chịu tác động của nhiều nhóm yếu tố. Nhóm yếu tố điều hành đã đặt ra từ đầu năm như tăng lương cơ sở từ ngày 1/7; tăng học phí, viện phí theo lộ trình. Nhóm yếu tố thị trường, giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh.

Theo báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế vừa được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố, kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn xuất phát từ nguyên nhân phi kinh tế. Trong bối cảnh này, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới “sức đề kháng” của nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đặc biệt, chính sách vĩ mô sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không một khi bệnh dịch được kiểm soát.

“Bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô. Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau bệnh dịch, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng. Ngược lại, nếu để xảy ra lạm phát, mất ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải bệnh dịch, lúc đó nền kinh tế sẽ đình trệ…”, báo cáo của Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.  

MỚI - NÓNG