Cao tốc Bắc - Nam: Khó hút vốn từ nước ngoài

WB khuyến cáo nếu không đấu thầu minh bạch sẽ không thể thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vào cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Bảo An.
WB khuyến cáo nếu không đấu thầu minh bạch sẽ không thể thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vào cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Bảo An.
TP - Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nguồn vốn trong nước sẽ không thể đáp ứng đủ để thực hiện cao tốc Bắc - Nam, Việt Nam sẽ phải kêu gọi vốn ngoại. Tuy nhiên, việc thu hút vốn ngoại đang gặp rất nhiều rào cản. Trong đó, nếu tiếp tục chỉ định thầu, không dẹp được gian lận, tham nhũng sẽ khó thu hút vốn ngoại.

Vốn nội đã tới ngưỡng

Các vấn đề nêu trên được đặt ra tại hội thảo về triển khai cao tốc Bắc Nam do WB và Bộ GTVT đồng tổ chức ngày 26/4. Huy động vốn là nội dung quan trọng nhất được đặt ra tại hội thảo này.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) dẫn nhiều tài liệu cho thấy sự đặc biệt cần thiết của đường bộ cao tốc Bắc - Nam đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam và quyết tâm của các cơ quan chức năng trong triển khai dự án này.

Về vốn, ông Huy cho hay, từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng thêm 654 km cao tốc thuộc cao tốc Bắc - Nam (nâng tổng số km cao tốc trên toàn quốc vào năm 2020 đạt 1.978 km). Tổng dự án này cần hơn 118 nghìn tỷ đồng. trong đó, ngân sách đầu tư 55 nghìn tỷ đồng, huy động xã hội hoá hơn 63 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo tại hội thảo, ông Alwaleed Alatabani, Trưởng nhóm Tài chính của WB tại Việt Nam cho rằng, tổng mức đầu tư cao tốc Việt Nam khoảng 5,5 tỷ USD. Đây sẽ là thách thức rất lớn nếu huy động từ trong nước.

Cụ thể, ông này cho rằng, ngân hàng nội địa không thể cấp vốn cho cao tốc Bắc - Nam vì các khó khăn như: tỷ lệ cho vay/vốn huy động, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trên vốn huy động ngắn hạn đều đã chạm ngưỡng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

đại diện WB cho rằng, kênh huy động vốn từ thị trường tài chính nội địa sẽ đóng góp một phần cho cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, ông Alwaleed Alatabani đánh giá, ngay cả khi áp dụng cả hai biện pháp huy động vốn trong nước nêu trên, vốn cho cao tốc Bắc - Nam mỗi năm vẫn còn thiếu khoảng 1 - 1,5 tỷ USD/năm và buộc phải huy động từ nước ngoài.

Theo bà Jen JungEun Oh, trưởng nhóm giao thông của WB tại Việt Nam, việc kêu gọi vốn ODA không thể thực hiện, vì bị khống chế trần nợ công Việt Nam chỉ còn cách kêu gọi các nhà đầu tư/tổ chức tín dụng nước ngoài đầu tư trực tiếp vào dự án.

 Cần đấu thầu liêm chính

Cuộc hội thảo sau đó được phía WB yêu cầu tổ chức họp kín, không có sự tham gia của báo chí. Sau cuộc họp, trao đổi với PV Tiền Phong, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, tại cuộc hội thảo, các đại diện WB đã đề cập nhiều yêu cầu để có thể kêu gọi vốn nước ngoài.

“Trong đó, phía bạn có đề cập  việc bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh thanh toán “liên kim” -  thực chất là việc bảo lãnh tỷ giá mà chúng ta nói đến gần đây. Tôi đã nói với họ, pháp luật Việt Nam hiện nay không cho phép. nếu muốn làm như vậy phải thay đổi pháp luật và đó là câu chuyện dài hạn” - ông Đông nói.

Trước đó, các nội dung như bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá hay bảo lãnh trách nhiệm của bên thứ 3 là các nội dung được bộ GTVT đề cập trong những báo cáo ban đầu trình chính phủ về cao tốc Bắc - Nam. Sau đó, nội dung này không được Chính phủ thống nhất và không chính thức trình xin ý kiến của Quốc hội.

Ngoài các nội dung nêu trên, các chuyên gia của WB cho hay, để huy động vốn của nhà đầu tư nước ngoài cho cao tốc Bắc - Nam cần có các lớp tập huấn cấp tốc cho cán bộ chuẩn bị dự án, tăng độ tin cậy của các tài liệu dự án, tổ chức các buổi giới thiệu, quảng bá dự án tới các nhà đầu tư quốc tế.

Đặc biệt, tại hội thảo, WB dành riêng một phiên thảo luận về đấu thầu trong dự án cao tốc Bắc - Nam. Bà Anna L. Wielogorska, chuyên gia chính về Mua sắm - Đấu thầu của WB tại Việt Nam đánh giá.

Những hạn chế của các dự án BOT tại Việt Nam nói chung là chỉ định thầu, không đấu thầu cạnh tranh; một số nhà đầu tư năng lực kém, một số không hẳn là “tư nhân” mà chỉ là doanh nghiệp Nhà nước; dự án bị thổi phồng chi phí, kém chất lượng, tạo ra quan ngại về gian lận, tham nhũng.

Báo cáo của bà Anna nêu: “Các nhà đầu tư trong nước/quốc tế nghiêm túc sẽ không tham gia nếu có lo ngại về tính liêm chính (gian lận và tham nhũng, mâu thuẫn lợi ích, thiên vị trong lựa chọn). Các nhà đầu tư không tin vào tính công bằng của quy trình lựa chọn do thiếu cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả”.

“Các điều kiện về bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh doanh thu cho đối tác nước ngoài không thể thực hiện. Chúng tôi chỉ kỳ vọng với các cơ chế hỗ trợ tốt về vốn của Nhà nước, quy định pháp luật rõ ràng sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn đầu tư từ nay đến 2020 gồm 11 dự án. Trong đó, có 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT, gồm: Bốn dự án nối thông từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh (đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - QL45, QL45 (Thanh Hóa) - Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An), Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh)). Bốn dự án BOT tiếp theo nối liền từ Khánh Hòa đến Đồng Nai gồm: Nha Trang (Khánh Hòa) - Cam Lâm (Khánh Hòa), Cam Lâm (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Phan Thiết (Bình Thuận) và Phan Thiết (Bình Thuận) - Đồng Nai.

Ngoài 8 dự án BOT trên, có 3 dự án đầu tư bằng ngân sách gồm: đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.