Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận: Chưa chốt được thời điểm giải ngân vốn

TPO - Chiều 7/8, tại Tiền Giang diễn ra cuộc họp của UBND tỉnh này với các ngân hàng và nhà đầu tư về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Thông tin tại cuộc họp, ông Mai Mạnh Hồng – Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận dẫn những tồn tại pháp lý trước đây của dự án và cho biết, mặc dù DN dự án, nhà đầu tư đã ký hợp đồng tín dụng số 01/2018/HĐTD/BOT-TLMT ngày 15/6/2018 với các ngân hàng tài trợ vốn nhưng chưa thể giải ngân được vốn tín dụng. Nhà đầu tư đã góp và huy động vào dự án 2.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.542 tỷ đồng và vốn huy động khác 958 tỷ đồng.

Sau khi làm việc với các cơ quan chức năng, rồi việc bàn giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc kiện toàn năng lực nhà đầu tư…, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 02/8/2019. Theo phương án tín dụng mà ngân hàng đề xuất (sau khi UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt điều chỉnh dự án), thì trong tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, vốn tự có của nhà đầu tư là 3.800 tỷ đồng (chiếm 30%), vốn vay là 6.682 tỷ đồng (chiếm 52,75%), vốn ngân sách nhà nước là 2.186 tỷ đồng (chiếm 17,25%).

Tuy nhiên, nhà đầu tư cho rằng yêu cầu vốn tự có 30% là quá lớn, họ không thể đáp ứng được cũng như chưa có tiền lệ ở các dự án tương tự. Còn về đảm bảo hoạt động thu phí và lộ trình tăng phí, nhà đầu tư thống nhất và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND tỉnh Tiền Giang) cam kết.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận: Chưa chốt được thời điểm giải ngân vốn ảnh 1 Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: C.K
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận: Chưa chốt được thời điểm giải ngân vốn ảnh 2 Ông Mai Mạnh Hồng – Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận thông tin tại cuộc họp. Ảnh: C.K

Về những thay đổi của phương án tài chính, được sự thống nhất của các bên, nhà đầu tư sẽ thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang để đưa vào nội dung cam kết trong hợp đồng điều chỉnh dự án. Nếu nguồn thu dự án không đạt như phương án tài chính, nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang đưa ra cam kết sẽ dùng ngân sách của tỉnh để bù đắp hoặc báo cáo Chính phủ cam kết hỗ trợ.

Theo phương án tài chính tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 02/8/2019 của UBND tỉnh Tiền Giang, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng và vốn BOT 10.482 tỷ đồng. Trong 10.482 tỷ đồng vốn BOT, vốn nhà đầu tư là 2.787 tỷ đồng (chiếm 27%), vốn vay ngân hàng 7.695 tỷ đồng (chiếm 73%).

Lãi suất vay ngân hàng trong thời gian xây dựng và khai thác là 11%/năm. Dự án có thời gian hoàn vốn là 14 năm 8 tháng 12 ngày, thời gian trả nợ ngân hàng là 12 năm 3 tháng (không kể thời gian ân hạn). Giá vé cho 5 nhóm xe lần lượt là 2.100 – 3.000 – 3.700 – 6.000 – 8.400 đồng/xe/km, mức tăng giá vé 15%/3 năm…

Các nhà đầu tư cho rằng sẽ cố gắng hết sức nhưng không phải bằng mọi giá. Để đảm bảo tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đề nghị các ngân hàng tài trợ vốn thống nhất cơ cấu nguồn vốn theo phương án tài chính đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt tại Quyết định số 2463 ngày 2/8/2019. Trường hợp khó khăn không thể cho vay, nhà đầu tư đề nghị báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn khác để triển khai dự án.

Nhà đầu tư đề nghị NHNN chỉ đạo ngân hàng đầu mối và các ngân hàng hợp vốn xác định khả năng tài trợ vốn, tháo gỡ các điều kiện vay vốn đã đưa ra, kịp thời bố trí nguồn vốn tín dụng cho dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT hoàn thiện các thủ tục để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án đẩy nhanh thủ tục giải ngân 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án…

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận: Chưa chốt được thời điểm giải ngân vốn ảnh 3 Điểm đầu dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công dang dở. 

Nếu đến 30/10/2019, dự án vẫn chưa được giải ngân từ nguồn đã được bố trí kế hoạch là 2.186 tỷ đồng, đồng thời ngân hàng thẩm định vẫn chưa cho vay được.., nhà đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng dự án; xem xét trách nhiệm cam kết của các bên liên quan, đồng thời cho phép huy động nguồn vốn thông qua phương án sử dụng nguồn thu phí từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương.  

Ông Trần Văn Tần - Ủy viên HĐQT Ngân hàng VietinBank cho rằng dự án có ý nghĩa rất to lớn đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước, ngân hàng cam kết đồng hành và đã ký với dự án từ tháng 6/2018… Tuy nhiên, theo ông Tần, nguồn thu của các dự án BOT chủ yếu là từ việc thu phí chứ không phải tài sản, do vậy tỉnh Tiền Giang và các bộ ngành cần quan tâm để đảm bảo việc thu phí không bị gián đoạn, chủ đầu tư cần hoàn thiện các thủ tục còn lại để ngân hàng xem xét giải ngân…

Theo ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là một trong những dự án cấp bách, trọng điểm của cả nước, thời gian qua địa phương và các bên đã rất nhiệt tình và có trách nhiệm trong triển khai. Theo ông Tú, những vướng mắc của dự án như vừa qua không phải là vấn đề lớn, các bên cần ngồi lại để thống nhất cùng tháo gỡ. Còn việc thiếu vốn hay không, đại diện NHNN khẳng định không để thiếu vốn, tuy nhiên cần đảm bảo phương án và đúng pháp luật…

MỚI - NÓNG