CEO Viettel: Lao động để hạnh phúc

CEO Viettel: Lao động để hạnh phúc
Trong bài phát biểu tại Đại hội công đoàn lần thứ 5 của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với nhân viên của mình một nhiệm vụ quan trọng trong năm 2018: 3 nguyên tắc kiến tạo hạnh phúc tại Viettel.

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel:

Lao động để hạnh phúc

Lao động là công việc vinh quang nhất, không bao giờ mất đi trong cuộc đời mỗi chúng ta. Bởi con người sinh ra là để lao động và tiến hoá cũng bằng lao động. Và hôm nay, chúng ta tổ chức đại hội của những người lao động để tôn vinh công việc vinh quang nhất này.

Chúng ta là những người lao động, vậy hãy cùng nhau đặt câu hỏi, lao động để làm gì? Phải chăng lao động để nhận lương? Như thế, chúng ta sẽ vui khi tới kỳ nhận lương, mỗi tháng vui được 1 đến 2 ngày, những ngày còn lại, chúng ta chỉ cảm thấy mình đang vất vả, khổ sở. Có người lại nói: lao động để có công danh? Vậy trong đời người, có bao nhiêu lần chúng ta đạt được niềm vui ấy?

Có người nói, lao động là để hạnh phúc. Và vì lao động là công việc của cả đời, do đó, đây có lẽ là câu trả lời mà tất cả chúng ta – những người lao động ở Viettel cần suy nghĩ và chiêm nghiệm.

Trong cuộc sống, chúng ta thường chúc nhau “Hạnh phúc”. Phải chăng, hạnh phúc là đích cao nhất trong cuộc sống mà mỗi chúng ta đều mong muốn? Nếu chúng ta chọn lao động để hạnh phúc thì chúng ta sẽ có cơ hội để được hạnh phúc mỗi ngày.

Nếu chúng ta lao động để hạnh phúc, thì chúng ta sẽ biến nơi làm việc của chúng ta thành nơi tạo nên và dung chứa hạnh phúc. Nếu chúng ta lao động để hạnh phúc, chúng ta sẽ biến công việc thành đam mê và là cách để chúng ta tạo ra giá trị sống của mình.

Tại đại hội của những người lao động, tôi xin chúc chúng ta đều thấy hạnh phúc khi lao động, khi làm việc. Bởi như vậy, cả cuộc đời này chúng ta sẽ hạnh phúc.

Bước ngoặt lớn của Viettel với nhiệm kỳ Công đoàn lịch sử

CEO Viettel: Lao động để hạnh phúc ảnh 1  

Nhờ có tinh thần lao động quên mình, quả cảm và sáng tạo, 5 năm qua, 30.000 người lao động ở Viettel đã tạo ra những điều kỳ diệu và lớn lao với tổ chức này, với đất nước này.

Nhiều năm liên tiếp, Viettel là doanh nghiệp có lợi nhuận và nộp thuế lớn nhất Việt Nam. 5 năm, chúng ta đã giữ vững vị thế số 1, và thực sự dẫn dắt ngành CNTT và viễn thông Việt Nam. Bằng sự sáng tạo, quyết tâm, Viettel phổ cập cáp quang đến từng hộ gia đình, đưa 4G đến tận tay mỗi người ở khắp đất nước trong thời gian ngắn kỷ lục. Chúng ta đã trực tiếp tạo ra nền tảng hạ tầng để Việt Nam sẵn sàng kết nối và gia nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

5 năm, người Viettel cũng mở rộng phạm vi kinh doanh của mình thêm 5 thị trường nữa, với vùng phủ dân số tăng gấp gần 3 lần so với 5 thị trường đã đầu tư suốt 7 năm trước đó. Viettel đã vào top 30 hãng viễn thông lớn nhất thế giới về số lượng người dùng.

Năm 2013, Bộ Quốc phòng mới chính thức giao nhiệm vụ cho Viettel sản xuất trang bị quân sự. Sau 5 năm, các kỹ sư Viettel đã nghiên cứu, sản xuất thành công và đưa vào hoạt động hàng loạt sản phẩm quân sự và dân sự.

Chúng ta đã sản xuất và đưa vào trang bị trong Quân đội hàng chục ngàn thiết bị thông tin liên lạc; hàng chục radar (trong đó có nhiều sản phẩm với tính năng ngang tầm top đầu thế giới); máy bay không người lái; hệ thống tự động hóa chỉ huy tác chiến điện tử, ...

Về sản xuất dân sự, chúng ta cũng có nhiều thành tựu. Trong đó đáng tự hào là việc sản xuất thành công thiết bị báo hiệu cứu hộ trên biển, góp phần đưa Việt Nam vào top 5 các nước Châu Á sản xuất được thiết bị này.

Là việc sản xuất và đưa vào vận hành hệ thống trạm BTS 4G, đưa Viettel chính thức tham gia vào lĩnh vực sản xuất và cung cấp thiết bị mạng viễn thông – một lĩnh vực mà hiện trên thế giới chỉ còn có 5 nhà cung cấp. Là hệ thống tính cước thời gian thực vOCS 3.0, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất OCS lớn nhất thế giới.

Năm 2013, lần đầu tiên Viettel tuyên bố thay đổi khái niệm nhà mạng viễn thông thành nhà cung cấp dịch vụ. Viettel chính thức bắt đầu một chặng đường kinh doanh viễn thông mới khác hoàn toàn với 13 năm trước đó (từ khi Viettel bắt đầu kinh doanh dịch vụ viễn thông).

Sau 5 năm, không những chuyển đổi thành công, Viettel còn trở thành đơn vị đầu ngành về an toàn thông tin, về an ninh mạng, về không gian mạng tại Việt Nam; Chính phủ công nhận Viettel là doanh nghiệp quốc phòng an ninh; Bộ Quốc phòng chính thức giao cho nhiệm vụ trở thành Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Viettel giờ đây không chỉ là một công ty dịch vụ mà còn là một công ty công nghệ cao.

Chúng ta không thể dừng lại!

CEO Viettel: Lao động để hạnh phúc ảnh 2 Cùng nhau, chúng ta xây dựng sự tự tin cho đội ngũ của mình. Cùng nhau, bằng trí tuệ và bàn tay lao động, người Viettel đã góp phần rất lớn xua tan mối nghi ngờ: liệu người Việt Nam có thể làm được những điều phi thường, ngang tầm thế giới. Cùng nhau, người Viettel đang làm Tập đoàn mạnh lên từng ngày.

Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về thành quả lao động của mình trong 5 năm qua. Thay mặt cho lãnh đạo Tập đoàn, tôi xin được bày tỏ lời cảm ơn trân trọng nhất đến những nỗ lực của mỗi thành viên trong đại gia đình Viettel, để có được thành tựu ngày hôm nay.

Nhưng chúng ta sẽ không thể dừng lại ở đó. Bởi sự vận động của thị trường, của dòng chảy công nghệ không cho chúng ta dừng lại. Khách hàng yêu cầu chúng ta phải đáp ứng những đòi hỏi liên tục mới mẻ và ngày càng khắt khe. Những đối thủ tiềm ẩn luôn muốn thay thế chúng ta bất kỳ lúc nào. Những ngành nghề mới, công nghệ mới đã hiện hữu, sẵn sàng phá huỷ chúng ta.

Dừng lại, chúng ta có thể hưởng thụ thành quả mà ngày hôm qua đã tạo ra, nhưng thực chất là đang tự đào hố chôn chính mình. Dừng lại là thế hệ lãnh đạo Viettel hôm nay được nghỉ ngơi nhưng các thế hệ Viettel 8x, 9x mới bước chân vào Ngôi nhà này sẽ không còn tương lai.

Chúng ta có thể tiến về phía trước hay không là nhờ vào chính chúng ta. Và bởi chúng ta là một gia đình, do đó, chúng ta sẽ thành công hay thất bại cùng nhau. Từng người thất bại sẽ khiến Viettel thất bại. Viettel thất bại cũng sẽ khiến mỗi người chúng ta thất bại.

Và ngược lại, từng người thành công sẽ khiến Viettel thành công. Viettel thành công cũng sẽ giúp mỗi người Viettel thành công. Đó là những gì chúng ta cần ghi nhớ trên con đường bước đi cùng nhau.

Tất cả phụ thuộc vào suy nghĩ của chúng ta về công việc của mình!

CEO Viettel: Lao động để hạnh phúc ảnh 3 Nhiều tổ chức tuyên bố rằng “con người là tài sản lớn nhất”. Nhưng Viettel tuyên bố rằng, “con người là nguồn vốn lớn nhất”. Tài sản thì sẽ hao mòn và ngày càng mất giá trị. Nhưng vốn sẽ sinh ra vốn và ngày càng tạo ra giá trị. Nguồn vốn duy nhất luôn hiện hữu, không thể bị thay thế và có khả năng gia tăng sức mạnh, giá trị chính là con người.

Mảnh đất dù có màu mỡ đến đâu cũng không tự dưng sản sinh ra của cải vật chất. Khách hàng không tự động đến với Viettel, mà phải cần đến những con người cần mẫn ngày đêm phục vụ. Tập đoàn Viettel không tự nhiên mạnh lên, mà phải cần đến những con người đam mê, nhiệt huyết, chủ động, sáng tạo. Đó là cách Viettel nhìn vào người lao động của mình.

Tất cả chúng ta đều muốn công việc của mình mang một tầm quan trọng nhất định. Sâu thẳm bên trong, mỗi con người đều muốn mình tạo ra giá trị. Giá trị cho bản thân; Giá trị cho gia đình; Giá trị cho tổ chức; Giá trị cho xã hội; Giá trị cho đất nước; Giá trị cho toàn cầu; Giá trị cho loài người. Không có động lực nào lớn hơn việc biết rằng bạn đang tạo ra sự thay đổi cho thế giới. Nhưng bao nhiêu trong số chúng ta đã dành thời gian để tìm kiếm giá trị sâu xa hơn trong công việc của mình?

CEO Viettel: Lao động để hạnh phúc ảnh 4  

Chúng ta cũng thường cho rằng một số nghề mới tạo ra giá trị, một số người mới có khả năng tạo ra giá trị. Nhưng câu trả lời bất ngờ là tất cả phụ thuộc vào suy nghĩ của chúng ta về công việc của mình. Chúng ta cũng không cần đợi mình phải có một chức danh mới bắt đầu tạo ra giá trị.

Chúng ta không cần chức danh để thể hiện những khả năng tốt nhất của mình.

Chúng ta không cần chức danh để trở thành một tấm gương tốt, có thể khích lệ, truyền cảm hứng và gây ảnh hưởng đến người khác.

Chúng ta không cần chức danh để có khả năng định hướng những thay đổi tích cực dù đang phải đối mặt với những hoàn cảnh tiêu cực.

Chúng ta cũng không cần chức danh để có khả năng đối xử với tất cả mọi người một cách tử tế, tôn trọng và đề cao họ.

Một vệt nắng, một cơn gió lạ có thể báo trước một cơn bão đang tới. Những dấu hiệu nhỏ có thể báo hiệu những thay đổi lớn. Nhận thức này càng có ý nghĩa trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà máy móc có nguy cơ lấy đi nhiều công việc mà hiện nay con người đang đảm nhiệm.

Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi trước khi buộc phải thay đổi. Và thay đổi đầu tiên để biến đổi mình chuyển từ tài sản trở thành nguồn vốn chính là từ những nhận thức này.

Chúng ta là một!

Chúng ta có một tổ chức đại diện cho mình – đó chính là tổ chức công đoàn. Không giống như tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp tư bản, vốn có trách nhiệm là bảo vệ người lao động trước giới chủ doanh nghiệp. Chúng ta không có ông chủ và người làm thuê. Chúng ta là những người lao động trong chính ngôi nhà của mình, trên mảnh đất của mình. Chúng ta là những người làm chủ. Bởi vậy, cần hiểu chúng ta là một.

Ai cũng có trách nhiệm xây dựng tổ chức này. Và vì thế, trách nhiệm của tổ chức công đoàn là chiếc cầu nối giữa người lao động và lãnh đạo, chỉ huy từ đơn vị đến Tập đoàn.

Không phải vì người lao động không thể trực tiếp trao đổi với người lãnh đạo, chỉ huy mà vì thông qua một tổ chức chính thống, sự kết nối sẽ có tính đại diện rộng lớn hơn, toàn diện hơn. Trách nhiệm của công đoàn còn là truyền đạt chính sách của tổ chức đến với người lao động. Không phải vì người lao động không biết đến những chính sách ấy mà vì chính sách sẽ luôn cần điều chỉnh cho tốt hơn.

Tổ chức công đoàn gần gũi với người lao động, cần giải thích để người lao động hiểu chính sách, ghi nhận những điều còn chưa phù hợp với cuộc sống và giám sát việc hoàn thiện chính sách. Trách nhiệm của công đoàn còn là cùng với các đoàn viên tham gia xây dựng một môi trường làm việc ngày càng tốt hơn, để ngôi nhà Viettel có thể trở thành tổ ấm, để gia đình Viettel thực sự hạnh phúc. Không phải vì chúng ta chưa làm được điều đó mà còn vì chúng ta luôn có thể làm tốt hơn nữa.

Trách nhiệm của công đoàn còn là cùng với các đoàn viên tham gia tích cực vào việc tìm kiếm các giải pháp về SXKD mới hơn, hiệu quả hơn, vì chúng ta là người gần với KH nhất, gần với thị trường nhất, ở vị trí tốt nhất để kết hợp làm trực tiếp và quản lý công ty mình.

Đây không phải là nỗ lực chỉ cần một lần rồi thôi. Xây dựng một môi trường làm việc tuyệt vời ở đó có sự thông hiểu giữa các thành viên, có các chính sách cho người lao động liên tục được cải thiện, có những sự quan tâm và chăm lo cho nhau khi khó khăn đều cần có sự học hỏi và làm mới liên tục.

3 nguyên tắc kiến tạo hạnh phúc ở Viettel

Đầu năm 2018 này, hạnh phúc là từ chúng ta nhắc đến rất nhiều ở Viettel chúng ta. Chúng ta khích lệ người Viettel, các đơn vị của Viettel ở khắp nơi tìm cho riêng mình một phiên bản hạnh phúc. Một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của cả Tập đoàn trong năm nay là xây dựng ngôi nhà Viettel hạnh phúc.

CEO Viettel: Lao động để hạnh phúc ảnh 5  

Chúng ta không cố gắng làm tất cả mọi thứ ngay lập tức. Trên thực tế, chúng ta có nhiều câu hỏi hơn so với lời giải đáp. Thử nghiệm với một vài ý tưởng, học hỏi từ những thí nghiệm đó, sửa đổi và thử lại lần nữa. Cứ từng bước để chúng ta có một gia đình Viettel hạnh phúc.

Môi trường làm việc tuyệt vời là một môi trường có khả năng tự hoàn thiện. Cùng nhau tạo ra một tổ chức sáng tạo, vui vẻ, chăm chỉ và hiệu suất cao. Và theo thời gian, công việc ở Viettel không còn là một phương tiện để kiếm sống nữa, mà sẽ trở thành một nguồn hạnh phúc và thoả mãn nhu cầu phát triển không ngừng của người Viettel.

Trong đại hội lần này, tôi mong muốn tổ chức công đoàn hãy nhận về mình sứ mệnh thiêng liêng, đó là xây dựng một Gia đình Viettel hạnh phúc hơn nữa, dựa trên những nguyên tắc sau:

1)- Khen ngợi và cảm ơn nhau nhiều hơn trước khi giám sát và xử phạt.

2)- Thay vì để xây dựng chính sách cho chính mình chỉ là việc của một vài cơ quan, thì trở thành việc của tổ chức công đoàn và từ chính các đoàn viên công đoàn.

3)- Chúng ta không chỉ hỗ trợ nhau để làm việc tốt hơn mà còn cần tìm cách hỗ trợ nhau để sống tốt hơn.

Nhưng dù đó là nhiệm vụ của tổ chức công đoàn thì mỗi người Viettel hãy luôn nhớ rằng, việc xây dựng một gia đình hạnh phúc không phải là một việc dễ dàng và không phải là việc của riêng ai hay của một đơn vị nào. Đó là công việc của tất cả chúng ta, của mỗi người chúng ta.

Phiên bản hạnh phúc của Viettel là phụng sự Tổ quốc, còn Phiên bản hạnh phúc của Công đoàn Viettel là phụng sự từng người Viettel, phát hiện và giải quyết các vấn đề của từng người, cả trong công việc và trong cuộc sống, để từ đó giúp cho từng người hạnh phúc, để từ đó người Viettel càng thêm yêu Viettel, và từ đó xây dựng Gia đình Viettel hạnh phúc.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.