Chồng chất khó khăn vì COVID-19, khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp

Chính phủ mới đây đã công bố gói giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn còn quy định về thuế bị bỏ ngỏ.

Gánh nặng COVID-19 và điểm nghẽn 3 năm

Kinh tế Việt Nam năm 2020 dự báo sẽ có nhiều thách thúc, trong đó, một mối nguy lớn nhất là COVID-19. Tổng cục Thống kê nhận định dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp. 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.

Dưới áp lực này, Chính phủ đã công bố gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng và hỗ trợ tài khóa 30.000 cấp bách nhằm cứu doanh nghiệp khỏi cơn bão COVID-19. Trong đó, Bộ Tài chính được chỉ đạo ngay trong tháng 3 này phải ban hành Nghị định gồm các giải pháp về thuế, phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Những chỉ đạo ngay tức thời của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, tuy nhiên, vẫn còn một điễm nghẽn đã tồn tại 3 năm nay – đó là Nghị định 20/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có liên kết bắt đầu hiệu lực từ ngày 1/5/2017. Mục tiêu là để ngăn ngừa, phòng chống chuyển giá, đặc biệt là với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, khoản 3 điều 8 quy định khống chế “tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Điều này có thể hiểu, phần chi phí lãi vay của doanh nghiệp vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, Nghị định 20 lại trở thành rào cản cho chính khối doanh nghiệp Việt, đặc biệt các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ - con, và hạn chế việc đầu tư mới vì các dự án mới khởi sự sẽ chịu áp lực lãi vay lớn mà chưa phát sinh lợi nhuận. Do đó, ngay từ năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp liên tục kiến nghị bỏ áp dụng khoản 3 điều 8 của Nghị định, kết quả là Bộ Tài chính mới xây dựng một dự thảo Tờ trình Chính phủ về Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định 20.

Theo dự thảo sửa đổi, cơ quan quản lý thuế đã sửa lại một số điểm so với quy định hiện hành, cụ thể là tỷ lệ khống chế đã được điều chỉnh từ 20% lên 30% EBITDA; cho phép tính chi phí lãi thuần (lãi đi vay trừ đi lãi cho vay) và ngoại trừ một số sẽ không áp dụng Nghị định 20 như tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các khoản vốn ODA... Nghị định sửa đổi này sẽ áp dụng cho kỳ quyết toán thuế năm 2019 (tiền hành vào 31/3/2020).

Các chuyên gia cho rằng, động thái này đã phần nào tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh và đưa Nghị định 20 hợp lý hơn và không trái với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc mới sửa một nửa - không áp dụng hồi tố về năm 2017 khi ban hành Nghị định này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì riêng tiền thuế 2017 và 2018 lên đến hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ từ lãi chuyển sang lỗ bởi những khoản truy thu từ các năm trước.

Thống kê của cơ quan thuế cho hay, năm 2017 có 11.196 đơn vị kê khai quan hệ liên kết, năm 2018 có 11.970 đơn vị. Qua kết quả thu thuế và thanh tra kiểm tra các đơn vị có liên doanh, liên kết, ngành thuế đã xử lý 11.089 tỷ đồng, trong đó 2.089 tỷ đồng là tiền truy thu, truy hoàn và phạt; 75 tỷ đồng tiền giảm khấu trừ bình quân; 8.925 tỷ đồng từ việc doanh nghiệp giảm lỗ và có 7.732 tỷ đồng do doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân.

Như vậy, điểm mong chờ 3 năm nay của cộng đồng doanh nghiệp đã không được Bộ Tài chính đề cập trong lần sửa đổi này, đó là được áp dụng điều sửa đổi hồi tố về năm 2017. Việc này sẽ tiếp tục đè nặng lên doanh nghiệp vốn đang chồng chất khó khăn vì dịch COVID-19.

Giãn, giảm và hoàn trả thuế

Đưa quan điểm về Nghị định sửa đổi, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp đã thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 từ năm 2017 đến nay để đảm bảo công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Trước đó, Hiệp hội này đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền kiến nghị sửa đổi những bất cập liên quan đến Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, do lĩnh vực bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề từ quy định này.

Đơn cử với trường hợp của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), do kỳ vọng sẽ được hồi tố tiền thuế đã nộp để giảm bớt khó khăn đang gặp phải, trong nửa đầu năm 2019, Công ty đã ghi nhận một số khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp đã được trích lập vào báo cáo tài chính tổng hợp những năm trước lũy kế đến 31/12/2018 với số tiền 335,3 tỷ đồng liên quan đến Nghị định 20. Nếu không được hồi tố, HAGL sẽ phát sinh thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành khoảng 155 tỷ đồng và lỗ lũy kế tăng thêm 491 tỷ đồng.

Trước ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng việc áp dụng Nghị định 20 của cơ quan thuế trong việc khống chế lãi tiền vay được trừ thu nhập chịu thuế tại Nghị định này là không đúng mục tiêu ban đầu của Nghị định này, gây ảnh hưởng nặng nề cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước có giao dịch liên kết giữa các thành viên trong cùng tập đoàn/tổng công ty. Riêng về ý kiến của doanh nghiệp muốn cơ quan thuế hồi tố áp dụng nội dung sửa đổi cho năm 2017, 2018, ông Trần Anh Tuấn - Công ty dịch vụ tư vấn kế toán thuế Đồng Nai nhận định: Việc hồi tố lại cho các doanh nghiệp là hợp lý và chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập nên được miễn trừ hoàn toàn và không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20.

Có thể thấy, trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh đình trệ vì dịch COVID-19, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì ngành thuế cũng cần có những biện pháp xử lý thấu đáo đối với những khoán thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và yên tâm sản xuất.

MỚI - NÓNG