Chứng khoán 2019, thị trường đang đợi gì?

Thị trường chứng khoán 2018 chứng kiến nhiều biến động mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây. ảnh: như ý
Thị trường chứng khoán 2018 chứng kiến nhiều biến động mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây. ảnh: như ý
TP - Thị trường chứng khoán (TTCK) 2018 chứng kiến những biến động mạnh nhất trong 10 năm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Đây là năm đầu tiên thị trường suy giảm sau 5 năm liên tiếp chỉ số chứng khoán song hành với đà tăng trưởng của nền kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao, có năm lên đến 47% (năm 2017). Năm 2019, với nhiều biến động tiềm ẩn cũng như cả “thiên thời địa lợi” vẫn còn hiện hữu, điều gì sẽ  đón đợi thị trường?

Năm 2018, biến động thăng trầm

 Trong năm 2018, VN-Index từng lập đỉnh cao mới trong lịch sử ở mức 1.211 điểm (ngày 10/4/2018), nhưng sau đó lại có quá trình sụt giảm mạnh 27% xuống đáy 888 điểm (ngày 30/10/2018). Thị trường chứng khoán lạc nhịp trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 10 năm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như xu hướng tăng tốc bình thường hóa lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Khép lại những ngày cuối năm, sắc đỏ vẫn còn hiện hữu. 

Năm 2018 cũng là năm chứng kiến các thương vụ bán vốn cổ phần đặc biệt lớn. Khởi đầu là thương vụ bán hơn 164 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), tương đương 14% vốn điều lệ ngân hàng cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, trị giá 922 triệu USD. 

Thương vụ tỷ USD lớn nhất được nhắc tới trong năm 2018 là thương vụ của Vinhomes. Ngay sau khi cổ phiếu VHM của Vinhomes chào sàn hôm 17/5, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 1,35 tỷ USD để nắm giữ cổ phiếu VHM, tạo nên phiên giao dịch có trị giá trên 1 tỷ USD đầu tiên trong gần 20 năm phát triển của thị trường chứng khoán. Ngoài ra, liên quan đến hoạt động bán vốn Nhà nước ấn tượng nhất là bán 78,99% vốn điều lệ tại Vinaconex (SCIC bán 57,71% và Viettel bán 21,28%) diễn ra chiều ngày 22/11 tại Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) Hà Nội (HNX). Với việc đấu giá thành công này, Nhà nước (thông qua 2 đại diện chủ sở hữu là SCIC và Viettel) đã thu về hơn 9.369 tỷ đồng.

Năm 2018 còn đánh dấu sức hút của các doanh nghiệp tỷ USD đã thành công trong níu chân dòng vốn ngoại. Theo đó, các cổ phiếu ngân hàng như HDB (HDBank), TCB (Techcombank), TPB (TPBank) đã làm dài thêm danh sách 30 doanh nghiệp niêm yết có vốn hoá đạt mức tỷ USD. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 4.090 nghìn tỷ đồng, tương đương 81,7% GDP 2017. Việc xuất hiện của những cổ phiếu lớn trên sàn chứng khoán đã nhận được sự hưởng ứng của các nhà đầu tư ngoại với giá trị  dòng vốn ngoại vào ròng trong năm 2018 đạt 2,89 tỷ USD, tăng 0,59 tỷ USD (trong vòng 4 tháng), xấp xỉ bằng mức vào ròng của cả năm 2017 (2,92 tỷ USD).

Nhận xét về TTCK năm 2018, chủ tịch UBCKNN ông Trần Văn Dũng cũng thừa nhận: Năm 2018 thị trường có nhiều sự kiện bất ngờ. Đầu năm thị trường đạt đỉnh lịch sử, thanh khoản cũng lịch sử, lên nhanh và xuống cũng lịch sử. Từ tháng 6 ổn định dù khi  đó có nhiều dự báo thị trường giảm sâu. Thị trường vẫn còn đó yếu tố nội tại tốt, cơ hội đầu tư. Nhiều chuyên gia nước ngoài dù rút vốn nhưng ngược lại vẫn rót vốn. Tiền mặt của nhà đầu tư ngoại nắm giữ, trong những tháng 5, 6/2018 lên tới trên 1 tỷ USD cao hơn so với mặt bằng trước đây vốn chỉ vài trăm triệu. Điều này chứng tỏ họ chờ cơ hội đầu tư.

2019, Điều gì đón đợi?

 Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cũng cho biết, Cục dự trữ liên bang Mỹ ( FED) tăng lãi suất sẽ tác động mạnh nhất đến thị trường. “Nó không chỉ ngày một ngày hai mà dai dẳng. Còn yếu tố chiến tranh thương mại là hàng thứ hai. Giao thương hạn chế nhưng cũng có thể tạo cơ hội hàng Trung Quốc khó khăn cơ hội cho Việt Nam. Thuế cao hơn thì chi phí cao hơn nó sẽ đem đến cơ hội cho hàng Việt Nam có mặt hàng tương tự. Bất lợi và có lợi, nói chung doanh nghiệp cần tận dụng.”, ông Dũng nói. 

Năm 2019 liệu câu chuyện TTCK ra sao? Theo ông Trần Văn Dũng, trước hết xét các yếu tố nội tại, TTCK  Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất từ trước đến nay chưa từng có. “Năm 2018, chủ trương chung về  phát triển kinh tế tư nhân đã được nêu và khẳng định nhiều lần. Môi trường đầu tư được cải thiện cho nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Đó là yếu tố chưa từng có. Thứ hai là các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đang ổn. Vì thế, Quốc hội Chính phủ đặt chỉ tiêu lớn về tăng trưởng và sẽ kiểm soát lãi suất, lạm phát. Từ đó, có có những giải pháp cụ thể hỗ trợ thị trường.

TTCK 2019 liệu có những thương vụ bán vốn tỷ đô hấp dẫn? Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành  viên SCIC khẳng định:  năm 2019, chắc chắn việc thoái vốn Nhà nước  tại doanh nghiệp, Chính phủ sẽ cần thời gian để cân nhắc thực hiện. “Với những thương vụ lớn  thì cần thận trọng”, ông Chi nói đồng thời lưu ý, hiện kế  hoạch 2019 chưa quyết nhưng  thương vụ giá trị tỷ USD không nhiều.

Còn theo Chủ tịch  công ty chứng khoán SSI, ông Nguyễn Duy Hưng, nếu nói TTCK 2019 lạc nhịp là không đúng mà chính xác phải nói là “chạy” trước nền kinh tế. Khi thị trường chạy lên 1.200 điểm tức là đã  chạy trước nền kinh tế. Từ tháng 3, tôi từng đề cập thị trường chứng khoán có thể đảo chiều sau khi gặp nhiều nhà đầu tư thể hiện sự lo ngại bởi chiến tranh thương mại Mỹ -Trung. Không ai có thể vì một câu nói mà khiến thị trường đảo chiều", Ông Hưng nhấn mạnh. 

Dự báo về TTCK năm 2019, ông Hưng cho rằng sẽ gặp mấy khó khăn. Đó là thị trường đang trong ngưỡng giá xuống (các chỉ số giảm 20% so với mức giá đỉnh). Cùng đó,  là nỗi lo chiến tranh thương mại Mỹ  - Trung; giá dầu xuống, lo ngại kinh tế toàn cầu đi xuống. Và đặc biệt, bất ổn địa chính trị, đang loan ra, khiến  thế giới hứa hẹn một năm bất ổn. Ông Hưng khẳng định: Đây có thể là  cơ hội  nếu Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế và duy trì chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế tốt. Đây cũng là cơ hội xây dựng chiến lược trung và dài hạn. không dựa nhiều vào bất động sản. 

Khi lãi suất kho bạc Mỹ tăng cao vào tháng 9, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã rút vốn và rút nhiều ra khỏi thị trường châu Á. Trong bối cảnh làn sóng rút vốn như vậy, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn giữ được mức tăng nhất định. Thống kê của UBCKNN cho thấy, tính từ đầu năm đến hết ngày 9/10, dòng vốn vào ròng ước đạt hơn 2,8 tỷ USD, xấp xỉ bằng mức vào ròng của cả năm 2017 (2,92 tỷ USD). Con số này là khả quan nếu so sánh với tình hình dòng vốn rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi thời gian gần đây (tính từ đầu năm đến nay, NĐTNN đã rút ròng từ 7 thị trường châu Á gồm: Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia với tổng giá trị hơn 27,34 tỷ USD.  

MỚI - NÓNG