Chứng khoán, nguy cơ bong bóng

TP - Đầu năm 2021, dòng tiền của nhà đầu tư tiếp tục ồ ạt đổ vào khiến thị trường chứng khoán (TTCK) liên tiếp tăng với thanh khoản lên tới 14.000-15.000 tỷ đồng/phiên. Các chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, tăng trưởng TTCK không phản ánh đúng tăng trưởng kinh tế. 
Chứng khoán, nguy cơ bong bóng ảnh 1 Nhà đầu tư F0 xếp hàng mở tài khoản chứng khoán. Ảnh: MA

Nô nức mở tài khoản 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/1, chỉ số VN-Index đạt 1.186 điểm, giảm nhẹ 6 điểm so với phiên dịch hôm trước đó. Đây là phiên giao dịch giảm giá đầu tiên sau chuỗi 8 phiên tăng giá liên tiếp kể từ đầu năm. Dù thị trường giảm nhẹ nhưng thanh khoản vẫn đạt hơn 18.000 
tỷ đồng.

Anh Nguyễn Đức Hải, nhà đầu tư chứng khoán ở Hà Nội, nói rằng, từ tháng 11/2020 đến nay, đa số mã chứng khoán trên thị trường tăng mạnh. “Nhà đầu tư chốt lời, có người mua ngay lập tức khiến các mã chứng khoán tăng giá không ngừng. Chúng tôi vẫn đùa với nhau ‘có hàng bán ra là mất’, muốn mua vào thì phải chấp nhận mua giá cao hơn. Trong nhiều năm chơi chứng khoán, chưa bao giờ tôi thấy dòng tiền đổ vào thị trường nhiều như hiện nay”, anh Hải nói.

 Nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính khiến thị trường tăng giá đến từ việc nhà đầu tư F0 (lần đầu mở tài khoản ) thu lời và “tuyên truyền” người thân, bạn bè tham gia. Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 12/2020, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 63.629, cao nhất kể từ trước tới nay.

Cả nước hiện có gần 2,73 triệu tài khoản chứng khoán. Tiền sinh lợi khiến nhà đầu tư F0 say mê đổ tiền vào chứng khoán. Trên các mạng xã hội Facebook, Zalo nở rộ lớp học đầu tư chứng khoán. Hệ thống môi giới chứng khoán liên tiếp chào mời, lôi kéo người chơi với lời hứa hẹn lợi nhuận tốt hơn gửi tiết kiệm. Tuần đầu tiên của năm 2021, nhiều công ty chứng khoán có tình trạng nhà đầu tư F0, trong đó có nhiều sinh viên, người cao tuổi, hưu trí, xếp hàng mở tài khoản.

 “Thị trường có tới 8 phiên giao dịch tăng liên tiếp. Dòng tiền chảy vào thị trường một cách cuồn cuộn. Chúng tôi cho rằng, đà tăng của thị trường cần thiết phải có sự điều chỉnh để đưa tâm lý nhà đầu tư trở về mức cân bằng hơn, trước khi chinh phục những đỉnh cao mới. Vì vậy, một lần nữa trên quan điểm thận trọng, chúng tôi đưa ra quan điểm là hạn chế việc mua mới và ưu tiên việc căn bán chốt lợi nhuận, hạ tỷ trọng cổ phiếu”, chuyên gia của Cty CP Chứng khoán Thiết kế khuyến nghị.

Nguy cơ bong bóng

Năm 2020, cả nước có gần 102.000 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường. Trong đó, gần 47.000 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 62,2% so với năm 2019. Một nửa số DN tạm ngừng kinh doanh có tuổi đời dưới 5 năm. Các DN 5-10 năm tuổi chiếm gần 30% số DN tạm ngừng hoạt động.

“Sự tăng trưởng của TTCK thời gian gần đây không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế. Điều này tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu gia tăng trong những năm tiếp theo trong hệ thống ngân hàng”, TS Quách Mạnh Hào - Đại học Lincoln (Anh)

“Số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với năm 2019 cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động DN. Ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, nhiều DN chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường. Từ đó, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi sự triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể DN, chưa đóng cửa DN hoàn toàn ở thời điểm này”, Cục Phát triển DN - Bộ KH&ĐT cho biết.

 Chia sẻ tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra mới đây, TS Quách Mạnh Hào (Đại học Lincoln, Anh) cho rằng, chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 là chính sách tiền tệ và tài khóa thông qua lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi, các gói kích thích chi tiêu công và hỗ trợ doanh nghiệp.

“Chính sách tài khóa tiền tệ, chất xúc tác năm 2020, có thể sẽ trở nên thận trọng hơn trong năm 2021. Lãi suất quá thấp sẽ kích thích hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất, làm tăng bong bóng tài sản. Hơn nữa, chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại không thực sự bao trùm nền kinh tế mà chỉ giúp cho đối tượng là DN lớn. Còn DN nhỏ và người nghèo vẫn khó khăn do mất việc làm. Sự tăng trưởng của TTCK thời gian gần đây không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế. Điều này tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu gia tăng trong những năm tiếp theo trong hệ thống ngân hàng”, ông Hào nhận định.

 Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính-ngân hàng Cấn Văn Lực cảnh báo, lãi suất đã giảm rất mạnh khiến dòng tiền đổ vào các lĩnh vực khác như chứng khoán tương đối nhanh. Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng với xu hướng tiền vào chứng khoán ngày càng tăng. Theo ông Lực, lãi suất điều hành thấp quá chưa chắc tốt mà phải đảm bảo hài hòa cho các bên, nếu không sẽ có hệ lụy bong bóng tài sản.

MỚI - NÓNG