Công nhân Việt Nam thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/tháng

Tổng thu nhập trung bình của công nhân chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.
Tổng thu nhập trung bình của công nhân chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.
TPO - Chiều 12/7, Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã công bố báo cáo khảo sát tình hình lương, đời sống người lao động cả nước năm 2018. Theo đó, tổng thu nhập trung bình của người lao động (trừ tiền ăn ca) khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.

Theo kết quả điều tra trên, mức thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng đã bao gồm lương cơ bản (chiếm hơn 84%, khoảng 4,6 triệu đồng/tháng), phụ cấp, trợ cấp, tăng ca, thưởng... Mức này tăng 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. 

Trong đó, lĩnh vực dệt may, giày da lương cơ bản đóng góp lớn nhất vào thu nhập của công nhân (trên 80%), nhưng đây lại là lĩnh vực có nhiều công nhân làm thêm, tăng ca nhất, với số giờ làm thêm cao nhất. Đồng thời, số lương nhận được cũng thấp nhất (4,2 triệu đồng/tháng).

Với tổng thu nhập cá nhân 5,5 triệu đồng, 1 gia đình 2 vợ chồng tổng thu nhập 11 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu bình quân của 1 hộ gia đình (4 người) khoảng 7,38 triệu đồng/tháng; mức chi tiêu tối thiểu khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.

Lương bình quân cao nhất thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước (cổ phần nhà nước) là trên 5,2 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp nước ngoài 4,2 triệu đồng/tháng...

Lương cơ bản trung bình theo khảo sát năm 2018 cao hơn lương tối thiểu 39,8%.

Có 44% công nhân được hỏi cho biết có làm thêm giờ, số giờ làm thêm trung bình 28,5 giờ/tháng (cao nhất là 50 giờ/tháng), tiền công nhận được trung bình 832 nghìn/người/tháng. 

Qua khảo sát, có 17,4% công nhân cho biết thu nhập có dư dật và tích luỹ (tăng 1,3% so với năm trước); 43,7% vừa đủ trang trải cuộc sống (giảm 7,6%); 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ (tăng 5,8%); 12,5% thu nhập không đủ sống.

Khảo sát thực tế tại khu công nghiệp Linh Trung I (TPHCM), mức lương trung bình 4,78 triệu đồng/người; thu nhập trung bình 6,2 triệu đồng/tháng (gồm cả tăng ca, thưởng, phụ cấp...).  Số tiền này với người độc thân là có dư và tiết kiệm được khoảng 1,2 triệu đồng/tháng; gia đình 1 con thu nhập của bố mẹ chỉ đủ trang trải cuộc sống, dư khoảng 300.000 đồng/tháng; nhưng gia đình có 2 con thu nhập không đủ sống.

Thực tế trên dẫn tới tỷ lệ người lao động bức xúc về tiền lương thu nhập tăng lên, trong khi tỷ lệ hài lòng ngày càng giảm.

Từ khảo sát thực tế và tính tới các yếu tố về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, năng suất lao động... Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8%.

Khảo sát trên được thực hiện tại 25 tỉnh thành có nhiều doanh nghiệp, với hơn 3.000 người lao động tại 150 doanh nghiệp trả lời.

Chiều 9/7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã nhóm họp phiên đầu tiên bàn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Tại phiên họp, bước đồng phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động) đã đưa ra phương án tăng thêm 8%; trong khi đại diện giới chủ sử dụng lao động (VCCI) đề xuất không tăng. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đưa ra phương án tăng 5,3%. Dự kiến, ít ngày tới Hội đồng sẽ tiếp tục họp phiên thứ 2 để bàn, thống nhất phương án cho tăng lương năm tới.

MỚI - NÓNG