Đặc khu kinh tế: Thực trạng và khát vọng - Bài 3: Chờ Vân Phong vươn mình

Hàng cọc đóng dang dở, dấu vết còn lại của dự án CTCQT Vân Phong.
Hàng cọc đóng dang dở, dấu vết còn lại của dự án CTCQT Vân Phong.
TP - Với việc Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong (Đặc khu Bắc Vân Phong) được xúc tiến thành lập, khu vực vịnh Vân Phong có cơ hội lớn để phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của nơi này.

Quá nhiều tiềm năng

Khu vực vịnh Vân Phong bao gồm vịnh Vân Phong nằm giữa đảo Hòn Lớn, bán đảo Hòn Gốm, bờ biển huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, là vùng bờ biển Việt Nam gần các tuyến hàng hải quốc tế nhất, ngay nơi các tuyến hàng hải tấp nập loại nhất thế giới gặp nhau. Trong vịnh Vân Phong, vũng Đầm Môn rộng 3.500ha với độ sâu từ 20m đến 27m, có lạch Cửa Lớn rộng hơn 950m và lạch Cửa Bé rộng trên 700m. Đây là vị trí có độ sâu, rộng và kín gió tốt nhất trong các vịnh của Việt Nam, rất thuận lợi để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế (CTCQT).

Đây cũng là nơi có khí hậu ôn hòa, địa hình đa dạng với bờ biển và vịnh, núi đá và cồn cát, rừng nguyên sinh ngập mặn,  cảnh quan tuyệt đẹp. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khu vực vịnh Vân Phong là nơi có tài nguyên du lịch biển độc đáo cả về cảnh quan và môi trường, một vị trí lý tưởng về du lịch, ít nơi nào ở Việt Nam có được. Với lợi thế kết nối giao thông với khu vực và quốc tế cả về đường bộ, đường biển, đường không, nhiều vị trí có địa hình bằng phẳng, khu vực vịnh Vân Phong cũng có điều kiện thuận lợi để hình thành các khu công nghiệp đa ngành như công nghiệp đóng tàu, các ngành công nghiệp phụ trợ ngành đóng tàu, công nghiệp điện, lọc hóa dầu…

Đặc khu kinh tế: Thực trạng và khát vọng - Bài 3: Chờ Vân Phong vươn mình ảnh 1 Hy vọng con đường ở khu vực Mũi Du được tiếp tục xây dựng hoàn thành, vươn ra tới biển.

Người đẹp có nguy cơ bị lỡ thì

Từ cuối thế kỷ trước, khu vực Vân Phong - Đại Lãnh đã được quy hoạch là khu du lịch quốc gia. Một con đường bê tông nhựa dài 18km được mở xuyên qua những bãi cát của bán đảo Hòn Gốm, nối Đầm Môn với QL1 tại phía Nam đèo Cổ Mã, đưa vào sử dụng từ tháng 9/2002 nhằm mục đích mở mang du lịch. Nhưng ngoài con đường Cổ Mã - Đầm Môn, vài năm sau đó vịnh Vân Phong chưa có thay đổi đáng kể nào, vẫn chỉ có mấy làng chài heo hút như Đầm Môn, Khải Lương, Điệp Sơn... Ngày 25/4/2006, Khu Kinh tế Vân Phong (KKTVP) được thành lập với định hướng quy hoạch là khu kinh tế tổng hợp, trong đó CTCQT giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Trong gần 4 năm sau đó, KKTVP thu hút gần 150 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 14 tỷ USD, trong đó có những dự án rất lớn như dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong với số vốn đăng ký 4,8 tỷ USD, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 với số vốn đăng ký 3,8 tỷ USD... Tất nhiên, phải kể đến dự án chủ đạo của KKTVP là Dự án CTCQT Vân Phong do Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm chủ đầu tư.

Dự án CTCQT Vân Phong có tổng vốn đầu tư khoảng 3,6 tỷ USD, chiếm diện tích 750 ha ở Đầm Môn, gồm 25 bến tàu lớn và 12 bến tàu nhỏ. Trong đó, Dự án CTCQT Vân Phong (giai đoạn khởi động) gồm 2 bến cho tàu container sức chở 6.000 - 9.000 TEU (container chuẩn 20 ft) đã chuẩn bị được khởi công vào ngày 25/1/2008. Tuy nhiên, ngày 15/1/2008 Chính phủ yêu cầu chưa khởi công dự án CTCQT Vân Phong, để làm rõ một số vấn đề liên quan việc Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đề nghị được đầu tư xây dựng dự án nhà máy thép liên hợp. Dự án của Posco có giá trị đầu tư giai đoạn 1 khoảng 5,8 tỷ USD, gồm nhà máy thép có công suất 8 triệu tấn thép/năm, nhà máy nhiệt điện công suất 1100 MW và cảng phục vụ cho hoạt động của các nhà máy, tại chính khu vực đã được quy hoạch cho CTCQT và khu trung tâm đa chức năng của KKTVP. Có thể vừa làm CTCQT và làm du lịch vừa làm dự án thép Posco được không, hay phải chọn giữa CTCQT và dự án thép? Đó là vấn đề gây dư luận khá nóng trong năm 2008. Ngày 31/10/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến chính thức không chấp thuận dự án của Posco tại khu vực Đầm Môn, vì dự án này ảnh hưởng đến định hướng phát triển của dự án CTCQT Vân Phong, không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Đúng một năm sau khi dự án thép Posco bị từ chối, ngày 31/10/2009 dự án CTCQT Vân Phong (giai đoạn khởi động) được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, sau đó dự án CTCQT Vân Phong đình đốn vì nhiều lý do. Tháng 6/2013, dự án này bị thu hồi giấy phép đầu tư.

Trước đó, vào tháng 2/2013, dự án Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong tại khu vực Mũi Du, phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) cũng bị thu hồi giấy phép đầu tư. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 1,35 tỷ USD, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 5/2011 nhưng sau đó không triển khai hạng mục nào. Đáng chú ý, khu vực dự án Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong vốn là nơi đầu năm 2008 Tập đoàn STX (Hàn Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu phức hợp công nghiệp nặng STX Vina, với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Nhưng do Tập đoàn STX không triển khai thực hiện dự án, tháng 6/2010 UBND tỉnh Khánh Hòa rút giấy phép dự án STX Vina.     

Đến nay, sau gần 10 năm đề nghị đầu tư, các dự án tỷ đô Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong và Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 cũng chưa được triển khai. Tại khu vực Bắc Vân Phong mới chỉ có vài dự án nhỏ được thực hiện.

Lắm mối, nhưng người đẹp Vân Phong có nguy cơ bị lỡ thì…

Đặc khu kinh tế: Thực trạng và khát vọng - Bài 3: Chờ Vân Phong vươn mình ảnh 2 Sơ đồ quy hoạch sử dụng đất khu vực Bắc Vân Phong.

Đặc khu Bắc Vân Phong

Năm 2012, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương nghiên cứu xây dựng các Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Tháng 12/2016, Ban cán sự đảng Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị cho phép thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và UBND các tỉnh, các bộ, cơ quan liên quan lập đề nghị xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 (tháng 10/2017). Ngày 11/8/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành Đặc khu Bắc Vân Phong. Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện thủ tục lựa chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài, theo luật định.

Theo Đề án Đặc khu Bắc Vân Phong do UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo xây dựng, Đặc khu Bắc Vân Phong có diện tích khoảng 66.000ha gồm 19.000 ha đất và 47.000 ha mặt nước biển, ưu tiên phát triển 4 nhóm ngành nghề: Công nghiệp dịch vụ cảng biển và logistic; Dịch vụ tài chính quốc tế; Du lịch cao cấp có casino, khu giải trí đẳng cấp quốc tế; Công nghiệp công nghệ cao. UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Đặc khu Bắc Vân Phong trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, nhà đầu tư được thuê đất với thời hạn tới 99 năm và có thể gia hạn, người nước ngoài được nhiều ưu đãi về tài chính, xuất nhập cảnh, sở hữu tài sản… Ngày 17/8/2017, tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất về mặt chủ trương cho phép Tập đoàn tư vấn Boston (BCG, Hoa Kỳ) lập quy hoạch tổng thể Đặc khu Bắc Vân Phong. Những đề xuất cụ thể về chính sách, mô hình phát triển trong Đặc khu Bắc Vân Phong phải mang đặc thù riêng, dựa trên những tiềm năng, thế mạnh có sẵn của Khánh Hòa, cạnh tranh được với quốc tế nhưng không cạnh tranh với những đặc khu khác của Việt Nam (Vân Đồn, Phú Quốc).

Ước tính, tại Đặc khu Bắc Vân Phong Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030, nâng mức đóng góp GRDP của Bắc Vân Phong vào GRDP của tỉnh Khánh Hòa lên 3% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.

Tờ trình của Bộ KH&ĐT đề nghị xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

MỚI - NÓNG