Đặc sản nước ngoài đổ bộ chợ tết tại TPHCM

Nhiều loại bánh, mứt tết chỉ được tiểu thương ghi sơ sài tên sản phẩm bằng bút lông trên bao nilon
Nhiều loại bánh, mứt tết chỉ được tiểu thương ghi sơ sài tên sản phẩm bằng bút lông trên bao nilon
TP - “Hàng có nguồn gốc chứ sao không? Ðây là bánh kẹo của công ty lớn trong nước làm nhé, mình mua cả bao lớn rồi xé lẻ ra cho khách dễ chọn lựa, thế nên trên từng sản phẩm mới không có thông tin thương hiệu, hạn dùng” - tiểu thương quầy bánh kẹo T.N chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) khẳng định.

Chỉ cần đẹp, rẻ

Những lọ mứt dừa non, mứt bí, hạt dưa, mứt mận… với đủ màu xanh, vàng, đỏ… dưới ánh đèn càng trở nên rực rỡ, bắt mắt. Chỉ vào những sản phẩm bánh mứt tết bày kín trên quầy kệ, nhân viên sạp T.N chào mời: “Hàng mới về, chị mua lẻ em vẫn tính giá sỉ”.

Cụ thể, hạt dưa, hướng dương giá từ 70.000-110.000 đồng/kg tùy loại; ô mai các loại có giá 50.000-60.000 đồng/kg; nho khô 85.000 - 100.000 đồng/kg (tùy loại), mứt các loại từ 90.000 - 150.000 đồng/kg, bánh kẹo từ 50.000 đồng… Thử thanh kẹo đậu phộng, chúng tôi thấy kẹo có vị ngọt đậm, gắt, trong khi đậu phộng có vị khét. Hỏi có phải đây là hàng “nhà làm” không? Nhân viên khẳng định đều là hàng công ty.

Tại chợ Bình Tây (Q.5), nhân viên hàng bánh mứt giới thiệu mứt bí giá 70.000 đồng/kg. Từng thanh mứt bí được bọc nilon, trên có dòng chữ mứt bí Thanh Xuân, ngoài ra không thêm thông tin gì khác. “Chị muốn mua mứt bí được bao gói đẹp để gói giỏ quà thì mua loại nào?”, nhân viên chỉ vào khay mứt bí “trần” tư vấn: “Chị mua hàng xá này cho rẻ, 50.000 đồng/kg thôi. Sau đó em bao gói, ép chân không bảo đảm đẹp cho chị. Nhiều khách đến mua lẻ thế này để gói giỏ quà biếu tết, vừa tiết kiệm mà vẫn không kém phần sang trọng”. Sau khi đồng ý, nhân viên nhanh tay bốc mứt cho vào túi, đưa vào máy hút chân không và không quên kèm theo tem nhãn pho-to với dòng chữ: cơ sở Thanh Nguyên, HSD: 6 tháng kể từ ngày sản xuất (?!).

Các loại khô gà lá giang, khô bò, khô nai vàng ươm, bóng mẩy cũng đắt hàng dịp tết. “Mua khô về ăn tết đi cô. Giá từ 100.000 đồng/nửa ký” - Hùng, bán hàng bên hông chợ Tân Định (Q.1) rao. Nghi ngờ vì giá rẻ, Hùng bảo, do lấy tận gốc nơi sản xuất, chủ yếu bán hàng di động đỡ tốn tiền thuê mặt bằng nên lấy giá mềm cho khách dễ mua. “Tôi bán khắp các chợ ở TPHCM, mỗi chợ vài ngày. Mỗi lần bán chừng 2-3 chục ký chứ không nhiều. Bán chủ yếu kiếm ít tiền tiêu tết”- Hùng nói. Ăn thử các loại khô, chỉ thấy vị ngọt, cay của gia vị, nhai kỹ thấy có “bột bột” … Tuy nhiên do giá rẻ nên nhiều bà nội trợ mua về ăn tết.

Sau nhiều lần mua hàng, Hạnh, tiểu thương chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) mới tiết lộ: “Khách đi chợ chả ai hỏi hàng này của hãng nào cả. Cái họ quan tâm là giá bao nhiêu, đắt hay rẻ; hàng mới không; có ngon không... Đôi khi mình giảm 1.000-2.000 đồng cho khách vui là bán được hàng. Cứ rẻ, ngon là chạy hàng chứ không phụ thuộc vào thương hiệu chị ạ!”. Người này cũng cho biết thêm, các sản phẩm có giá rẻ như vậy đều là hàng gia công không mất chi phí đóng gói, bao bì hoặc một số hàng nhập khẩu là hàng tuồn, hàng không chịu thuế và hàng nhập khẩu theo đường tiểu ngạch.

“Vì không phải đóng thuế nên giá mới rẻ như thế” - Hạnh cho hay, tất cả bánh kẹo, các loại khô tại đây đều an toàn, mấy chục năm nay người bán vẫn thường xuyên ăn và không có chuyện gì xảy ra.

Đặc sản nước ngoài đổ bộ chợ tết tại TPHCM ảnh 1 Hhàng khô thủy hải sản ở chợ Bến Thành (Q.1)

Hàng ngoại cũng “3 không”

Các loại đặc sản Campuchia, Ấn Độ, Lào, Thái Lan... cũng đang đổ bộ ở nhiều chợ tết tại TPHCM. Đặc điểm chung là hầu hết đều “3 không”: không thương hiệu, không xuất xứ, không hạn sử dụng. Nếu có thương hiệu, cũng đều là tiếng nước ngoài với những ký tự ngoằn ngoèo…

Chợ Campuchia (Q.10) được mệnh danh là thiên đường ẩm thực của giới sành ăn. Nơi đây nổi tiếng với các mặt hàng khô phong phú như: khô cá tra phồng, khô cá lóc, khô cá sặt, vũ nữ chân dài, lung lò mò, khô trâu, khô rắn, tôm khô… giá dao động từ 200.000-550.000 đồng/kg. Các loại khô đều được bày lộ thiên ngoài trời; hoặc treo lủng lẳng trước quầy sạp. Thậm chí, một số gian, khô cá sặt vừa bán vừa phơi, tức khô kê ngoài trời, trên mâm chỉ cách mặt đất khoảng hai gang tay, mặc cho ruồi nhặng tự do “thưởng thức”, ngày qua ngày “tẩm ướp” bụi đường, khói xe. Chỉ trừ lạp xưởng được đóng gói, có nhãn mác, trên sản phẩm có tiếng Campuchia (không có nhãn phụ tiếng Việt) còn lại các sản phẩm được bày trên bàn, rổ, khay nhôm và đều không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, thông tin sản phẩm.

Tại một số chợ khác, khô đặc sản Campuchia cũng bày theo kiểu hàng xá chung với khô Việt Nam. Thoạt nhìn không thể nào phân biệt khô nội hay ngoại, chỉ biết thông qua tư vấn của tiểu thương. Đầu nậu tên An chuyên cung ứng mặt hàng khô cho chợ An Đông nói, khô Campuchia được nhập dạng thùng 20kg, có cơ sở sản xuất, khi đem về phải xé lẻ và bày ra, để lâu trong thùng khô bị ẩm, nổi mốc, hôi dầu… Nếu mua 20 kg trở lên sẽ được đóng thùng, có nhãn mác đàng hoàng.

“Hiện các loại đặc sản Campuchia, Thái Lan, Lào, Ấn Độ… chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch, bán tại các cửa hàng nhỏ, các siêu thị lớn hiện chưa có các mặt hàng này” - An nói. Khi chúng tôi mua thử 200g khô bò Campuchia tại chợ An Đông, khô được đóng gói trong bao nilon, hút chân không nhưng bên ngoài lại dán nhãn thông tin, số điện thoại của quầy hàng chứ không phải nơi sản xuất.

Tại nhiều trang mạng online, các loại khô đặc sản Lào, Ấn Độ cũng đang hút khách dịp tết. Cửa hàng online Đặc sản Ba miền quảng cáo thịt bò Giàng Lào: “Vừa mới về 40kg thịt bò Giàng Lào phục vụ tết, 950.000 đồng/kg, không ngon trả lại tiền. Bò Giàng nổi tiếng đất Xiêng Khoảng. Xiêng Khoảng là vùng đồi núi, nuôi bò theo kiểu chăn thả rông nên thịt bò rất săn chắc. Bò phơi dưới nắng tự nhiên nên thịt không hôi”. Theo nhiều khách hàng đã đặt mua, thịt được đóng trong túi ép chân không, không bao bì, tem nhãn nên chẳng thể biết là bò Giàng thật hay không. Khi chế biến, ăn cũng không khác bò Việt là mấy, có khác chăng là giá cao gấp 2-3 lần.

Ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, mặt hàng khô thủy hải sản nói chung bán tại các chợ, khi kiểm tra, các sạp đều có hóa đơn bán hàng. Một cán bộ thuộc ban quản lý chợ Bến Thành (Q.1) cũng khẳng định, các loại khô nhập về bán tại chợ đều có nguồn gốc, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.