Đằng sau cuộc chơi 'xe ôm 4.0' của Mai Linh

TPO - Sau một tháng thử nghiệm, Tập đoàn Mai Linh chính thức khai trương dịch vụ xe ôm công nghệ vào sáng 20/11. Sự nhập cuộc của Mai Linh sẽ không dừng lại ở sự cạnh tranh đơn thuần về dịch vụ xe ôm của người Việt mà hướng đến một 'hệ sinh thái 4.0' trong đi lại, vận chuyển, cung cấp dịch vụ.

Mai Linh bike - 'xe ôm 4.0' 

So với sự nở rộ của các ứng dụng gọi xe trực tuyến của các doanh nghiệp Việt trong thời gian qua (như Vinasun, Taxi Group, Taxi Thành Công và hàng chục hãng taxi ở các tỉnh thành), sự chuẩn bị và ra mắt của dịch vụ xe ôm Mai Linh (Mai Linh Bike) có quy mô lớn nhất. 

Cách đây 1 tháng, Mai Linh đã bắt đầu tuyển dụng lái xe và bắt đầu thử nghiệm dịch vụ. Dù không có nguồn ngoại tệ dồi dào từ các đối tác, quỹ đầu tư mạo hiểm như Uber và Grab nhưng Mai Linh đã dồn nguồn lực lớn để đưa ra các khuyến mãi để thu hút người dùng và tài xế.   

Theo đó, Mai Linh Bike tặng 10.000 đồng cho 10 chuyến đi để khách hàng thử nghiệm dịch vụ, kéo dài từ 21/11 đến 30/11. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Mai Linh cũng dành tặng khách hàng 2 chuyến đi, mỗi chuyến 50.000 đồng.

Để thu hút đội ngũ lái xe ôm công nghệ, Mai Linh tặng một áo phông, 2 mũ bảo hiểm cho 5.000 "đối tác" tham gia vào hệ thống. Trong khi, Uber và Grab thu phí quản lý của lái xe 20 %, Mai Linh quyết cạnh tranh với mức thu phí sử dụng dịch vụ ở mức 15%.

Trước khi thực hiện dự án này, Mai Linh đã tổ chức một đoàn cán bộ đi khảo sát tại Mỹ, đến trụ sở của Facebook và Google "tầm sư học đạo" về công nghệ 4.0.

Nói với các nhân viên trong hệ thống, ông Hồ Huy, Chủ tịch Mai Linh cho hay: "Chúng ta hãy học tập và quyết tâm thay đổi. Thay đổi bằng tất cả những gì có thể, bằng sự học hỏi và sửa lại chính mình. Làm sao cho khách hàng yêu Mai Linh và anh em lái xe phục vụ khách hàng cho chu đáo nhất. Thử thách này biết rằng không phải dễ. Nhưng chúng ta có sự đoàn kết của 30.000 CBNV với ý chí, tinh thần Việt - khát vọng Việt. Mai Linh đã luôn lấy nền tảng, giá trị tinh hoa của người Việt làm tôn chỉ, đồng thời kết hợp với tư duy mở, tinh thần học hỏi và hội nhập với thế giới. Chúng ta sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách bằng lòng kiên định của người lính trở về".

Đằng sau cuộc chơi 'xe ôm 4.0' của Mai Linh ảnh 1 Mai Linh tung ra dịch vụ mới 'xe ôm công nghệ'

Doanh nghiệp Việt bước vào 'đường đua' mới

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho hay, bên cạnh những điều bất bình đẳng trong quản lý Uber, Grab khiến cho taxi truyền thống chao đảo thì công nghệ của họ đáng phải học tập. Ông Huy từng tuyên bố sẽ làm toàn bộ những gì Uber và Grab đang làm và sẽ làm tốt hơn. Sau lời tuyên bố đó, trên giao diện phần mềm Mai Linh Car, ngoài xe taxi, liền xuất hiện dòng xe hợp đồng như Uber, Grab (Mai Linh Car). Việc ông chủ Mai Linh quyết làm Mai Linh Bike - dòng 'xe ôm công nghệ' như Uber và Grab đang có để “không thể chịu thua trên sân nhà”.

Nếu như Uber và Grab chỉ mới cấp dịch vụ di chuyển bằng ôtô và xe máy (chủ yếu trong nội thành), các DN vận tải đường bộ, DN công nghệ của Việt Nam đã sớm đa dạng hoá dịch vụ. Từ đơn giản nhất là hình thức bán vé xe khách trực tuyến (như vé máy bay, tàu hoả), nhiều DN tiến nhanh đến các sàn giao dịch vận tải điện tử, cả với vận chuyển khách và hàng hoá trên chặng dài.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, đại gia công nghệ Viettel bắt tay với “ngựa ô” Gonow trong dự án sàn giao dịch vận tải hành khách. Ngay sau đó, Gonow nhanh chóng được Tổng cục Đường bộ giới thiệu với các địa phương, DN.

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin và các doanh nghiệp phát triển công nghệ, các doanh nghiệp vận tải công nghệ như Grab, Uber không chỉ dừng lại ở việc vận chuyển khách, hàng hoá mà sẽ hướng tới xây dựng và sử dụng "hệ sinh thái" của khách hàng.

Đằng sau cuộc chơi 'xe ôm 4.0' của Mai Linh ảnh 2 Số lượng ứng dụng gọi xe của các hãng taxi Việt đang tăng mạnh. Ảnh: Bảo An.

Một chủ doanh nghiệp về công nghệ tại Hà Nội cho hay, khi có một lượng khách lớn, các doanh nghiệp vận tải sẽ liên kết với các đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ để bán hàng. Đơn giản nhất họ sẽ làm nhiệm vụ đưa hàng, rồi hướng đến bán sản phẩm dịch vụ cho các nhà hàng, đơn vị sản xuất. Thậm chí đã có doanh nghiệp đã nhận cung ứng cả nhân viên massage, chăm sóc sức khoẻ tại nhà. 

Vì thế, việc phát triển dịch vụ của các hãng vận chuyển hiện nay không chỉ dừng ở cung cấp dịch vụ vận tải mà thực chất đang hướng tới việc hình hình cộng đồng người dùng rồi khai thác cộng đồng đó. Nếu doanh nghiệp Việt chậm chân, không chỉ mất thị trường vận tải mà sẽ mất luôn môi trường kinh doanh nở rộ trong kỷ nguyên 4.0 sau này.

Nói về hướng cạnh tranh này, ông Hồ Huy cho hay: "Chúng tôi hiểu được điều đó. Trong thời gian tới, Mai Linh Corporation sẽ là đầu cuối của vận chuyển logistics hợp tác với Amazon và Alibaba".

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ tháng 1/2016, Bộ này đã phê duyệt Đề án 24 về cho phép Cty TNHH GrabTaxi được phép thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng với xe ô tô dưới 9 chỗ.

Để tăng tính cạnh tranh và hành khách có thêm sự lựa chọn, đến tháng 4/2017, Bộ GTVT đã đồng ý cho thêm 9 đơn vị được tham gia đề án, bao gồm: Cty Uber Việt Nam (với ứng dụng Uber), Cty CP Ánh Dương Việt Nam (ứng dụng V.Car), Cty CP Vận tải 57 Hà Nội (ứng dụng Thanh Cong Car), Cty CP Sun Taxi (ứng dụng S.Car), Cty CP PTTM-DL quốc tế Ngôi Sao (ứng dụng Vic.Car), Cty CP Hợp tác đầu tư và phát triển (ứng dụng Home Car), Cty TNHH TM-DV Linh Trang (ứng dụng Lb.car), Cty CP tập đoàn Mai Linh (ứng dụng Mai Linh Car), Cty TNHH Phúc Xuyên (Emddi - Phúc Xuyên).

MỚI - NÓNG