Doanh nghiệp vận tải điêu đứng vì dịch Covid-19

Nhiều nhà xe bỏ 50% lượt xe tại bến vì ảnh hưởng dịch Ảnh: T.Đảng
Nhiều nhà xe bỏ 50% lượt xe tại bến vì ảnh hưởng dịch Ảnh: T.Đảng
TP - Xe khách giảm 50 - 70% tần suất hoạt động, hầu hết số tour du lịch bị hủy chuyến… là thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp vận tải xe khách, xe du lịch, hiện nay. 

Xe khách bỏ 50% lượt tuyến

Là doanh nghiệp vận tải có tên tuổi trên thị trường, ngoài xe du lịch mỗi ngày hãng xe Sao Việt - thương hiệu của Cty TNHH Minh Thành Phát có 10 “nốt” (lượt) xe xuất phát từ các bến xe Hà Nội đi Lào Cai và các tính phía bắc. Tuy nhiên, hơn 1 tuần nay doanh nghiệp đã phải cắt giảm một nửa (10 lượt xe bỏ bến) vì không có khách. Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Cty TNHH Minh Thành Phát cho biết, lý do chính của việc cắt giảm là từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, hành khách đi xe khách trở nên vắng nhiều. “Mặc dù nhà xe tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch của Bộ Y tế và phát khẩu trang, trang bị dung dịch nước rửa tay miễn phí khi khách lên xe nhưng gần 2 tuần nay nhiều xe xuất bến Mỹ Đình vẫn vắng khách”, ông Bằng nói.

Do lượng khách khi xuất bến quá ít và xe chạy đường dài từ 200 đến 300 km, không đủ chi phí nhiên liệu, nhân công nên trong tuần qua Cty TNHH Minh Thành Phát đã phải tạm dừng hoạt động 10 “nốt” xe tại bến Mỹ Đình và các bến xe khác trên địa bàn Hà Nội.

Ghi nhận tại bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm trong ngày 11/2, nhiều xe đã xuất bến với… ghế trống. Đại diện một nhà xe chạy tuyến Nam Định cho hay, mặc dù không có khách nhưng do hết thời gian “xếp nốt” trong bến nên đành phải đánh xe ra đường chạy rỗng.

Lãnh đạo Cty CP bến xe Hà Nội cho biết thêm, ngoài ảnh hưởng nguy cơ lây lan Covid-19, có thể do học sinh, sinh viên đang được nghỉ học để phòng dịch nên đây cũng là những nguyên nhân làm xe vắng khách.

Xe du lịch doanh thu chỉ bằng 8%

Có đoàn xe du lịch hiện đại trên 120 xe, dịp đầu xuân là dịp cao điểm hoạt động của Cty CP vận tải Newway (Newway). Lãnh đạo Cty Newway cho biết, bình thường đầu tháng 1 hàng năm là toàn bộ 120 xe phục vụ du lịch tại đơn vị đã được khách hàng đặt chạy tour xuân đến hết tháng 3. Kết hợp với xe du lịch thuê “bao” (hợp đồng) theo tháng, những ngày cuối tuần cùng kỳ năm ngoái hoạt động từ vận tải du lịch của Cty thu về khoảng 500 triệu đồng/ngày.

Tuy nhiên, dịp đầu xuân năm nay lượng xe du lịch hoạt động tại đơn vị chỉ chiếm khoảng 30% số lượng xe hiện có. Doanh thu ngày Chủ nhật tuần vừa qua chỉ đạt khoảng 40 triệu đồng (khoảng 8% so với năm ngoái). “Mặc dù đơn vị thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế như phun khử trùng xe thường xuyên và phát khẩu trang, sát khuẩn cho tất cả hành khách nhưng nhiều tour đã đặt trước vẫn bị khách hủy do lo ngại ảnh hưởng dịch Covid-19, lãnh đạo Cty CP vận tải Newway thông tin.

Trên các lượt xe buýt du lịch 2 tầng, đại diện Xí nghiệp vận tải Yên Viên - Tổng Cty Vận tải Hà Nội cũng cho biết, nhiều lượt khách đặt tour đến các khách sạn Hà Nội và lên lịch sẽ lưu thông trên xe buýt 2 tầng để ngắm cảnh cũng hủy lịch. So với ngày bình thường, lượng khách đi xe buýt 2 tầng đang giảm khoảng 25%.

Với một số đơn vị hoạt động xe du lịch khác, lượng khách còn giảm, bỏ tour nhiều hơn nữa. Tại Cty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt), hàng năm sau Tết, 20 xe hoạt động du lịch thường kín lịch chạy đến hết tháng 3, nhưng hiện nay toàn bộ số xe này đang “nằm nhà”.

Cần giải pháp chia sẻ khó khăn

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, các khó khăn doanh nghiệp vận tải đang đối diện là rủi ro và xuất phát từ khách quan. Nếu không có dịch Covid-19 thì các DN này vẫn hoạt động tốt và đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Khó khăn này vẫn chưa có điểm dừng, vì vậy ông Quyền cho rằng, các bộ ngành, ngoài nhiệm vụ chống, phòng dịch cần có các giải pháp chia sẻ, giảm khó khăn kịp thời cho ngành vận tải, có thể là giãn nợ, giảm lãi suất… “Ngoài chi phí nhân công, quản lý vẫn phải chi hàng ngày, hầu hết doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện, thiết bị thông qua vốn vay ngân hàng, nếu nhà nước không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhiều doanh nghiệp sẽ khó chống chọi nổi”, ông Quyền nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá, dịch Covid-19 đã gây khó khăn chung cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, tuy nhiên lĩnh vực nông sản, sản xuất tiêu dùng đều được nhà nước có chính sách tháo gỡ, còn lĩnh vực vận tải thì doanh nghiệp vẫn đang tự “chịu trận”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chiều 12/2, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, cùng với công tác phòng chống dịch, trước việc sụt giảm số lượng hành khách những tuần qua, Sở GTVT đã có yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp với Sở Du lịch, các đơn vị vận tải khảo sát, thống kê tình hình. “Từ kết quả này, Sở GTVT sẽ họp bàn với các đơn vị có liên quan, sau đó sẽ đưa ra phương án cụ thể đề xuất thành phố giải quyết”, ông Hà nói.      

MỚI - NÓNG