Doanh nhân Tạ Đình Đề và 2.000 ngày oan trái…

Ông Tạ Đình Đề trong những năm cuối đời Ảnh tư liệu
Ông Tạ Đình Đề trong những năm cuối đời Ảnh tư liệu
TP - Trong hồi ức của nhiều thế hệ, Tạ Đình Đề gắn với nhiều giai thoại như có võ nghệ cao cường, hành tung xuất quỷ nhập thần, từng là cận vệ trung thành của Bác Hồ… song ít người biết ông còn là một doanh nhân có tâm, có tầm và một điều không phải ai cũng biết đó là nhiều chặng đường trong cuộc đời ông bị vùi dập, chịu biết bao oan khuất bởi sự đố kỵ và những định kiến hẹp hòi…

Doanh nhân có tâm, có tầm

Hơn 20 năm trước, khi còn là cộng tác viên của Thời báo Ngân hàng, tôi tình cờ gặp ông Tạ Đình Đề. Đó là vào một buổi sáng se lạnh cuối năm 1997, tôi đến Ga Sài Gòn lấy tư liệu về kế hoạch bán vé tàu Tết Mậu Dần 1998 của ngành đường sắt để viết bài

Phòng làm việc của Trưởng ga Trương Quang Mông khóa cửa.Chị nhân viên bán vé cho biết ông Mông vừa vào đường tàu tiễn một hành khách đặc biệt.Tò mò muốn biết vị khách đó là ai mà đích thân trưởng ga đưa tiễn, tôi cũng vào theo. Trên đường tàu, gần chục người đang bịn rịn chia tay một ông cụ khoác cái áo gió rộng thùng thình, vai đeo chiếc túi xách cũ. Mái tóc cụ bạc phơ, dáng đi liêu xiêu, gương mặt teo tóp, mệt mỏi, duy cặp lông mày vẫn sắc, đôi mắt còn ánh lên sự tinh anh. Cụ nắm tay từng người rồi bước vội lên tàu. Nhìn đoàn tàu lầm lũi rời khỏi ga, giọng ông Mông bùi ngùi: Huyền thoại Tạ Đình Đề đấy! Không có ông ấy sẽ không có “Tàu anh qua núi”; không có “Tôi và chúng ta”, không có Lưu Quang Vũ. Lần này ông ấy về quê, không biết có còn trở vào Nam nữa không.

Không ngờ cậnTết năm ấy ông Tạ Đình Đề mất. Nhiều năm sau tôi vẫn hối tiếc, giá như hồi ấy chụp một tấm ảnh. Nghe một số cán bộ ngành đường sắt kể lại có nhiều người dân thường đến xin để tang vì ông đã cưu mang họ và gia đình những năm khốn khó.

Đó là vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Ông Tạ Đình Đề khi ấy là Trưởng ban Thể dục thể thao kiêm Xưởng trưởng Xưởng Dụng cụ cao su thuộc Tổng cục Đường sắt. Theo chủ trương của lãnh đạo Tổng cục, Xưởng phải chuyển từ địạ chỉ 65 Quán Sứ xuống khu Giảng Võ. Cuối năm 1972, xưởng sản xuất ở 65 Quán Sứ bị cháy, kế hoạch xây dựng xưởng mới càng gấp rút hơn để có thể tiếp tục sản xuất. Khu đất ở Giảng Võ rộng hơn chục hec-ta vốn là nghĩa trang chôn cất những người chết đói năm 1945 và những nạn nhân chiến tranh không có thân nhân.Ông Tạ Đình Đề cho đắp đường, di dời hàng trăm ngôi mộ vô chủ để xây dựng nhà xưởng.

Sản xuất cao su cần nhiều máy móc, nguyên vật liệu.Đất nước đang có chiến tranh. Miền Bắc dành tất cả nguồn lực để chi viện cho miền Nam thì kiếm đâu ra?Sau nhiều ngày trăn trở, ông Tạ Đình Đề nảy ra sáng kiến tận dụng những máy móc, phế liệu bị chiến tranh phá hủy vứt dọc đường. Ông Đề đến xin ông Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng) và được ông Thiện ủng hộ.

Xưởng cao su mở rộng quy mô thành xí nghiệp sản xuất.Nhà xưởng, hội trường, nhà trẻ, khu văn phòng lần lượt mọc lên… Ông Tạ Đình Đề thu nhận thêm công nhân, trong số này có nhiều người thất cơ lỡ vận, người hoàn lương chưa xin được việc làm vì có tiền án tiền sự,…Để khuyến khích người lao động, lãnh đạo xưởng vận dụng hình thức khoán, trả lương theo sản phẩm. Công nhân được đưa đón bằng xe ô tô và ăn giữa ca không mất tiền. Xí nghiệp còn thực hiện thưởng lương tháng 13 để người lao động có tiền ăn Tết.

Nhờ cung cách quản lý tiên tiến, năng suất lao động của xí nghiệp đạt rất cao. Sản phẩm ngày càng được cải tiến, cả về chất lượng và kiểu dáng, bao bì, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thời hoàng kim, sản phẩm của xí nghiệp xuất khẩu vào thị trường Liên Xô và 8 nước Đông Âu…

Doanh nhân Tạ Đình Đề và 2.000 ngày oan trái… ảnh 1

Vở kịch nổi tiếng “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ nhân vật chính là nguyên mẫu ông Tạ Đình Đề Ảnh tư liệu

Mối lương duyên kỳ lạ

Tạ Đình Đề đã cưu mang nhạc sỹ Phan Lạc Hoa và thi sĩ Lưu Quang Vũ khi cả hai nghệ sĩ chưa mấy người biết đến và đang trong giai đoạn khó khăn nhất và việc cưu mang những người thất cơ lỡ vận là nguyên nhân đẩy ông vào vòng lao lý.

Được làm việc trong đội văn nghệ với vai trò nhạc công, Phan Lạc Hoa đã dần lấy lại thăng bằng và thăng hoa trong từng nốt nhạc để cho ra đời những ca khúc nổi tiếng như “Tình yêu bên dòng sông quan họ”, đặc biệt là ca khúc “Tàu anh qua núi” đến nay vẫn được cán bộ nhân viên đường sắt xem là ngành ca; từ đó người yêu nhạc biết đến Phan Lạc Hoa.

Chính Tạ Đình Đề là nguyên mẫu để Lưu Quang Vũ sáng tạo nên hình ảnh giám đốc Hoàng Việt trong vở kịch nổi tiếng "Tôi và chúng ta". Vở diễn đã được Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu 1985 và trở thành Hiện tượng sân khấu với kỷ lục công diễn hơn một tháng liền tại Nhà Văn hóa Lao động TPHCM. Còn một điều ít ai biết là sự ám ảnh về nỗi oan khiên của Tạ Đình Đề còn là động lực để Lưu Quang Vũ viết nên vở "2.000 ngày oan trái" sau này.

Năm 1970, Lưu Quang Vũ rời quân ngũ. Đó là những năm tháng cực kỳ khó khăn của cuộc đời ông. Gia đình riêng của nhà thơ đổ vỡ, con còn nhỏ dại, công ăn việc làm không có, cuộc sống vô cùng bi đát. Trong lúc đang bế tắc và mất phương hướng, Lưu Quang Vũ đã gặp ông Tạ Đình Đề.

Lưu Quang Vũ được giao nhiệm vụ chấm công, theo dõi khối lượng sản phẩm của công nhân khi xí nghiệp áp dụng hình thức khoán sản phẩm, khoán công việc đến từng tổ sản xuất, từng công nhân. Thời gian sau, Lưu Quang Vũ chuyển sang bộ phận sản xuất nhựa, in gia côngvà cuối cùng làm ở bộ phận thi đua và đội văn nghệ của xí nghiệp.

Là người được giao nhiệm vụ kiểm sát việc điều tra vụ án, sau này, trong cuốn sách “Tạ Đình Đề những góc khuất cuộc đời”,TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thuật lại lời ông Tạ Đình Đề nói về Lưu Quang Vũ: “Qua thời gian sống và làm việc tại đơn vị, tôi và Lưu Quang Vũ rất tâm đầu ý hợp.Vũ có nói với tôi những suy nghĩ của anh về đời sống đang xuống cấp do cơ chế quan liêu, bao cấp và nói sẽ viết kịch để phản ánh đúng hiện thực xã hội. Tôi thấy Vũ là người có năng khiếu, chịu khó, dám nghĩ, dám làm nên hoàn toàn ủng hộ…”.

Cuối tháng 11/1974, giữa lúc việc sản xuất đang thuận lợi thì Tạ Đình Đề và phó xưởng Nguyễn Xuân Luật bị bắt giam để điều tra về các tội: Tổ chức móc ngoặc, chiếm dụng thiết bị máy móc của Nhà nước đem về sử dụng sai nguyên tắc; Lập quỹ trái phép; tham ô và cố ý làm trái nguyên tắc chế độ kinh tế tài chính, thưởng cho công nhân sai nguyên tắc; Tuyển dụng người vào làm việc một cách tùy tiện, lập ra đội văn công để phục vụ đường sắt trái với quy định…

Trong hồi cuối vở kịch “Tôi và chúng ta”, giám đốc Hoàng Việt (nhân vật chính) cũng bị bắt giam trong sự phẫn nộ và đau đớn của những người công nhân; tương tự như những gì đã xảy ra với ông Tạ Đình Đề bởi lúc bị dẫn giải lên xe về trại giam, nhiều công nhân mắt đỏ hoe tràn ra sân xí nghiệp vẫy tay chào tạm biệt ông, trong đó có Lưu Quang Vũ,

Sau gần 2 năm bị giam giữ, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phùng Lê Trân. Hội đồng xét xử nhận định toàn bộ hoạt động của Tạ Đình Đề từ 1971 đến 1974 là thấy việc gì có lợi cho đơn vị thì kể cả móc ngoặc, xin nhượng, mua bán, đổi chác, cách gì cũng làm  bằng được. Thấy mặt hàng gì có khả năng bán được là tung tiền ra mua kỹ thuật và đầu tư sản xuất, trước mắt lấy lãi phục vụ kiến thiết cơ bản, hoạt động thể dục thể thao và mục tiêu lâu dài là đưa xí nghiệp trở thành xí nghiệp lớn, kinh doanh tổng hợp. Kết quả đạt được là một cơ ngơi khang trang được hoàn thành trong hai năm trên một bãi tha ma và ao rau muống… Các bị cáo cố ý làm trái nhưng không có tư lợi.

Doanh nhân Tạ Đình Đề và 2.000 ngày oan trái… ảnh 2 Ông Tạ Đình Đề lúc còn trẻ

Ngoài ra, cáo trạng dựa vào một bản báo cáo của đoàn thanh tra liên bộ nhưng không có quyết định thành lập đoàn. Báo cáo thanh tra không có ngày tháng, không ghi những ai, tên gì, của cơ quan nào được cử tham gia; không ghi ai là đoàn trưởng, đoàn gồm có mấy người…nên không thể xem là văn bản có giá trị pháp lý. Đặc biệt, trong công văn của Bộ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên ký khẳng định có những việc Tổng cục Đường sắt và Bộ có trách nhiệm, không phải giám đốc xưởng tự ý làm…

Ông Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác được tuyên không phạm tội và trả tự do trong tiếng hoan hô vang dội của hàng nghìn người từ các tỉnh đổ về theo dõi phiên tòa. Người dân đã tràn vào phòng xử công kênh ông Tạ Đình Đề lên rồi tặng hoa như một anh hùng.

Doanh nhân Tạ Đình Đề và 2.000 ngày oan trái… ảnh 3 Tác giả Lưu Quang Vũ (hàng đứng, thứ 2 từ trái sang) cùng Đoàn Chèo Hải Phòng chụp ảnh với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau đêm diễn vở “Ông vua hóa hổ” Ảnh tư liệu

Năm 1991, ông Đề nghỉ hưu theo chế độ. Tháng 11/1991, Đảng ủy Đường sắt có Quyết định "công nhận Tạ Đình Đề là cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945... được hưởng quyền lợi ưu tiên đối với cán bộ đảng viên hoạt động cách mạng trước năm 1945".Ông Tạ Đình Đề qua đời vào ngày 29/2/1998.Gần 10 năm sau ngày mất, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết truy tặng huân chương Độc lập hạng Ba. 

Sau phiên tòa, Viện KSND Tối cao đã có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm nhưng sau 10 năm, vụ án Tạ Đình Đề vẫn không được xử phúc thẩm. Theo quy định, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Dù vậy, Tạ Đình Đề vẫn không được khôi phục quyền lợi và danh dự.Tiêu chuẩn sổ gạo, tem phiếu…bị cắt hết.Gia đình ông sống vô cùng chật vật, thiếu thốn.Cám cảnh, ông sưu tầm những câu hò, vè trào phúng, châm biếm và tiếp tục bị bắt giam điều tra về tội “Tuyên truyền chống chế độ Xã hội chủ nghĩa”. Hơn hai năm sau, Viện KSND Tối cao mới có quyết định đình chỉ điều tra, trả tự do và sau đó khôi phục hoàn toàn quyền lợi cho ông.

“Lịch sử nhất định sẽ ghi nhớ những đóng góp xứng đáng của anh. Nhân dân còn truyền tụng mãi những huyền thoại đầy thiện cảm về Tạ Đình Đề. Những người thân thiết và bè bạn chiến đấu rất tự hào về anh, một chiến sĩ cao thượng, vững vàng vượt qua những chông gai chìm nổi trong đời mà vẫn giữ vững phẩm chất trong sáng…”
(Điếu văn của 
Hội cựu chiến binh 
TP Hà Nội)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.