Dự án muối mỏ nghìn tỷ “đắp chiếu”: Loay hoay chờ giải cứu

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt Lào (Vilachemsalt) cùng các thành viên ký kết hợp đồng gói thầu số 10 - EPC thuộc Dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammonane, Lào ngày 12/8/2015.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt Lào (Vilachemsalt) cùng các thành viên ký kết hợp đồng gói thầu số 10 - EPC thuộc Dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammonane, Lào ngày 12/8/2015.
TP - Theo thông tin của Tiền Phong, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương xung quanh việc triển khai dự án muối mỏ Kali tại Lào cũng như một số phương án “giải cứu” dự án nay để trình Chính phủ xem xét. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với dự án đang phải tạm “đắp chiếu” sau khi đã được rót hơn một nghìn tỷ đồng này, cần phải xem lại quy trình và trách nhiệm của những người xét duyệt.

Vinachem trình phương án chờ được “giải cứu”

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh cho hay, Bộ và cục đã có yêu cầu Vinachem tính toán lại phương án triển khai cũng như đánh giá lại hiệu quả của dự án. Tập đoàn cũng đã tính toán nhiều lần nhưng do thị trường kali thế giới hiện xuống quá thấp, lượng cung luôn cao hơn cầu và nhiều tổ chức cũng dự báo mức giá kali thế giới thấp sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian dài.

Theo đại diện Cục Hóa chất, Vinachem đã xây dựng một số phương án gửi Bộ Công Thương để trình Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, hiện đang trong giai đoạn xin ý kiến chính thức nên tạm thời chưa thể thông tin nhiều về việc triển khai dự án sẽ tiếp tục thế nào trong thời gian tới.

Dự án muối mỏ nghìn tỷ “đắp chiếu”: Loay hoay chờ giải cứu ảnh 1 Lễ ký kết thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng đầu tư Dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammonane, Lào (ảnh lớn). Bảng thông báo về dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào của Vinachem (ảnh nhỏ).

“Chúng tôi cũng đã nhiều lần yêu cầu tập đoàn đánh giá lại và làm rất kỹ về hiệu quả của dự án. “Vinachem đã có báo cáo khá chi tiết với Bộ và đề xuất nhiều phương án. Trên cơ sở các phương án được Vinachem đưa ra, lãnh đạo Bộ Công Thương đã lựa chọn và báo cáo các phương án lên các cấp lãnh đạo về việc xử lý với dự án này”, ông Thanh cho hay.

Một nguồn tin của Tiền Phong cũng cho hay, hiện tại lãnh đạo Vinachem mới đưa ra các phương án chứ chưa tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các lãnh đạo qua nhiều thời kỳ có liên quan đến dự án. “Hiện mới đang trong giai đoạn đánh giá xử lý dự án thế nào, có làm tiếp hay không. Việc kiểm điểm và quy trách nhiệm các cá nhân liên quan hiện chưa làm. Nhưng chắc chắn cũng sẽ phải làm việc kiểm điểm này về sau này”, vị này cho biết.

Một chuyên gia trong ngành cho rằng, bài toán khó nhất với Vinachem chính là xử lý những vấn đề liên quan đến dự án cũng như thu hồi phần vốn đã đầu tư trong trường hợp dự án dừng không triển khai tiếp tục. Được biết, khi dự án được bắt đầu xây dựng tiền khả thi, thời điểm đó báo cáo đánh giá cho thấy việc triển khai dự án có hiệu quả. Tuy nhiên, về sau này, khi thị trường thế giới có biến động nên dẫn đến hiệu quả triển khai dự án có sự thay đổi. Vấn đề là các lãnh đạo của Vinachem qua các thời kỳ vì sao lại không có báo cáo gửi cơ quan chức năng để “can gián” xem xét thay đổi lại phương án đối với dự án trong bối cảnh giá kali thế giới có nhiều biến động. Đây là việc các cơ quan chức năng sẽ cần xem xét về sau này.

Về việc triển khai dự án muối mỏ kali tại Lào, được biết, ngày 6/3/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào. Về sau này, khi triển khai dự án, Hội đồng thành viên Vinachem đã phê duyệt cho đấu thầu nhiều gói thầu EPC khác nhau. Trong các gói thầu được duyệt, Công ty TNHH Hóa chất và muối mỏ Việt Lào (vilachemsalt) đã phối hợp cùng với Vinachaem tổ chức đấu thầu quốc tế gói thầu số 10 gồm các phần thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, xây lắp, đào tạo, chuyển giao công nghệ, chạy thử, khởi động nghiệm thu và bàn giao nhà máy khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào (EPC). Khi đóng thầu đã có 8 nhà máy mua hồ sơ mời thầu và có 2 nhà máy nộp hồ sơ dự thầu hợp lệ theo quy định của hồ sơ mời thầu.

Căn cứ kết quả chấm thầu, thẩm định kết quả đấu thầu ngày 24/4/2015, Hội đồng thành viên Vinachem đã có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu số 10-EPC. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh nhà thầu TTCL-K-ETEC CECO với giá trúng thầu là 334,2 triệu USD theo hình thức hợp đồng trọn gói và thời gian thực hiện hợp đồng là 40 tháng.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, gói thầu EPC số 10 của dự án có tính chất đặc thù, công nghệ phức tạp và lần đầu tiên được Việt Nam thực hiện. Đây cũng là gói thầu chính của dự án gồm các công việc thuộc phần “Thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, xây lắp, đào tạo, chuyển giao công nghệ, chạy thử, khởi động nghiệm thu và bàn giao nhà máy khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào

Đến ngày 11/8/2015, Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã phê duyệt nội dung của Hợp đồng EPC và ủy quyền cho (vilachemsalt)  (đơn vị có vốn pháp định 30 triệu USD do vinachem đầu tư 100% vốn) ký kết, quản lý việc thực hiện Hợp đồng.

Theo thuyết minh ban đầu của dự án, khi hoàn thành dự án sẽ biến khu vực khai thác muối mỏ thuộc địa phận 2 tỉnh Khammouane và Savanakhet thành một Tổ hợp công nghiệp hóa chất sản xuất ra các loại phân bón cung cấp cho thị trường Lào và Việt Nam, đồng thời xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Phải xem lại quy trình duyệt dự án

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Lào có lợi thế giàu khoáng sản Kali, trong khi Việt Nam phải nhập phân Kali, việc thực hiện dự án (DA) là có cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc thực hiện tiền khả thi của DA có “vấn đề”.

“Trước khi đầu tư, Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) phải làm đủ thủ tục tiền khả thi của DA gồm: nguồn vốn bao nhiêu, từ nguồn ở đâu, công nghệ như thế nào? Tất cả điều này, tôi thấy DA chưa thực hiện nghiêm chỉnh. Vinachem đã bỏ ra 1.400 tỷ đồng mà chưa biết tiền ở đâu để tiếp tục DA, nếu không đầu tư tiếp số tiền này xuống sông xuống biển thì rất đáng tiếc”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cho rằng, DA này cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và tuân thủ quy tắc, nguyên tắc căn cơ của việc đầu tư. Tính thêm cả DA này thì đến nay có quá nhiều DA đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhà nước lâm vào tình trạng thua lỗ. Nguyên nhân đều do không làm đúng thủ tục, không được thẩm định chặt chẽ. Thậm chí có DA việc tiền khả thi và điều tra rất sơ sài, dẫn đến hệ quả về mặt kinh tế, tài chính nghiêm trọng là gánh nặng cho nhà nước. Nguồn gốc của việc này do không tôn trọng quy tắc của kinh tế thị trường, không có tôn trọng các ý kiến phản biện độc lập, làm theo mệnh lệnh, duy ý chí của người nào đó.

 “Đây là bài học phải trả giá rất đau xót, cần phải rút kinh nghiệm từ các DA thua lỗ. Cần có sự chấn chỉnh nghiêm túc, nếu không từ các “quả đấm thép”, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Việt Nam hãy học tập kinh nghiệm điều tra kỹ càng trước khi đầu tư của Nhật Bản. Khi Nhật Bản đầu tư vào Nghi Sơn, họ nghiên cứu về lao động Thanh Hóa như thế nào?”, ông Doanh nói.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng chiến lược phát triển cho rằng, với DA muối mỏ Kali tại Lào, các đơn vị phê duyệt DA phải chịu trách nhiệm. Với phương án xử lý tiếp theo của DA, ông Hồ cho rằng, nếu DA có thể vay thêm vốn ngân hàng hoặc thu xếp vốn trong nội bộ Vinachem (như từ nguồn thoái vốn các đơn vị trong tập đoàn) thì nên đầu tư tiếp.

“Chính phủ không nên bảo lãnh cho DA vay vốn hay tiếp tục đổ tiền ngân sách vào DA này. Bộ Công Thương là đơn vị chủ quản và Vinachem phải tự thu xếp nguồn vốn cho DA. Bộ Công Thương phải tự xử lý, thu xếp tự quyết định chứ không nên cái gì cũng đẩy lên Chính phủ”, ông Hồ nhấn mạnh.

Bộ KH&ĐT không liên quan?  

Trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, lãnh đạo đơn vị phụ trách việc đầu tư ra nước ngoài của Bộ KH&ĐT cho biết, DA mỏ muối Kali của Vinachem của Bộ chủ quản là Bộ Công thương. Quy trình đầu tư DA gồm quy định pháp luật về đầu tư ra nước ngoài và quy định đầu tư vốn nhà nước. Bộ KH&ĐT chỉ liên quan đến cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư.

“Về nguyên tắc việc đầu tư Chính Phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì. Chúng tôi chỉ liên quan các thủ tục làm “giấy khai sinh” cho DA còn quản lý hoạt động của DA là Bộ chủ quản là Bộ Công Thương”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.

MỚI - NÓNG